Thêm nhiều tiếng kêu cứu gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục

19/05/2012 06:48
Diệu Linh
(GDVN) - "Đề án 322 bị dừng là cú sốc rất lớn đối với cháu và gia đình. Tôi không biết rồi đây con tôi sẽ phải tiếp tục như thế nào khi bạn bè cùng trang lứa đã hoàn thành nữa chặng đường đại học, còn cháu thì sẽ bắt đầu từ con số 0".

Sau khi thông tin Cục Đào tạo nước ngoài – Bộ GD & ĐT thông báo dừng Đề án 322, đã có rất nhiều độc giả gửi thư tới Báo Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự thất vọng, trong đó có những ý kiến cho rằng Cục Đào tạo nước ngoài không giữ lời hứa.

Thất vọng và... thất vọng!

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, một phụ huynh tỏ ra rất thất vọng: “Gia đình, cơ quan, họ hàng rất sốc khi nghe tin này. Năm qua cháu đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu dự định và quý nhất là thời gian để chuẩn bị cho việc du học như lời Bộ GD&ĐT đã hứa. Tôi được biết các ứng viên 322 là những trò giỏi thủ khoa đầu váo các trường Đại học, là giáo viên các trường Đại học trong cả nước, là những cán bộ nhà nước. Vậy mà Bộ GD&ĐT (Cục ĐT với nước ngoài) không tôn trọng, không giữ đúng lời hứa cũng như hoàn toàn vô trách nhiệm với chúng tôi”.

Đề án 322 bị dừng đột ngột khiến nhiều sinh viên tài năng bối rối (Ảnh minh họa)
Đề án 322 bị dừng đột ngột khiến nhiều sinh viên tài năng bối rối (Ảnh minh họa)

Một độc giả khác là Trần Nam phản ánh: “Tôi là một phụ huynh có con được diện học bổng 322. Bản thân tôi là thương binh hạng 2/4,nay đã về hưu. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng rất khó khăn, nhưng chúng tôi luôn cố gắng lo cho các con học hành. Con tôi đã đạt giải học sinh giỏi Quốc gia, đỗ á khoa vào trường đại học và được nhận học bổng 322 của Bộ. Hai năm qua, con tôi đã phải dừng việc học ở trường đại học để ra Hà Nội học tiếng Pháp. Giờ mọi thứ gần như là hoàn tất, cháu đã nhận được giấy mời học của trường ĐH bên Pháp thì Bộ lại thông báo dừng cấp học bổng.

Việc dừng đề án 322 là cú sốc rất lớn đối với cháu và gia đình. Tôi không biết rồi đây con tôi sẽ phải tiếp tục như thế nào khi bạn bè cùng trang lứa đã hoàn thành nữa chặng đường đại học còn cháu thì sẽ bắt đầu từ con số 0. Không biết cháu có còn đủ tinh thần và niềm tin để tiếp tục con đường học tập của mình hay không? Mong rằng Bộ giáo dục và các cơ quan có thẩm quyền hãy xem xét và tiếp tục cấp học bổng cho các em đã được tuyển chọn để các em ( đa số là các học sinh xuất sắc) có điều kiện học tập và phục vụ cho đất nước sau này. Đừng để những em học sinh giỏi mà chịu thiệt thòi như vậy,đó là một sự lãng phí rất lớn đối với tương lai đất nước

Thông tin việc Đề án 322 không chỉ thu hút sự chú ý đặc biệt của những người trong cuộc là các sinh viên, gia đình các em thuộc diện được nhận học bổng, mà hàng nghìn độc giả khác của Báo Giáo dục Việt Nam cũng theo sát những diễn biến này.

Một độc giả là Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi có biết đến vụ này vì có quen một người bạn có theo học bổng này, diện Đại học. Cậu ấy là á khoa trường tôi, người miền Trung, nhà nghèo nhưng học rất giỏi và đầy nghị lực. Một năm trước, cậu ấy rời Sài Gòn ra Hà Nội học tiếng và chuẩn bị thủ tục du học. Cứ nghĩ tương lai sẽ rộng mở phía trước thế mà đùng một cái cậu ấy thông báo với tôi là không được đi học nữa. Suốt 2 năm nay, gia đình cậu ấy đã phải chạy vạy cho con thuê nhà trọ ở Hà Nội, đi học ngoại ngữ, kinh phí để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, xin visa... Bây giờ tất cả đổ xuống sông xuống biển. Nhìn cậu ấy mà tôi không biết nói gì hơn...”.

Độc giả Đoàn Thị Vĩnh Hạnh chia sẻ: “Cũng là những bậc làm cha làm mẹ, tôi hiểu rất rõ suy nghĩ của những vị phụ huynh này. Thật sự là quá bất công cho các em đi học theo học bổng này, bố mẹ các em đầu tư cho các em biết bao nhiêu thời gian, của cải và cả công sức để cho các em. Hàng mấy trăm con người học giỏi nay lại hoang mang, mất phương hướng, đợi chờ một hi vọng mong manh. Quyết định này của Bộ thật sự là lãng phí sức người, sức của, thậm chí làm mất niềm tin của những thế hệ trẻ”.

Trả lời của Cục Đào tạo nước ngoài chưa thỏa đáng 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài Bộ GD & ĐT cho hay: “Đề án 356 (322) đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo cho giai đoạn 2 (2.000 người) vì vậy Bộ không được phép cử thêm người đi học mới trong năm 2012 và không được nhà nước cấp kinh phí để cử người đi học mới theo đề án này nữa. Trong khi đó đề án mới mà Bộ sẽ trình Chính phủ không thể kịp phê duyệt và cấp kinh phí để triển khai gửi người đi học năm 2012 ngay được. Tuy nhiên việc đào tạo bằng ngân sách nhà nước sẽ vẫn được nối tiếp trong năm nay và những năm sắp tới”.

Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài
Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài

Tuy nhiên, sau khi phát biểu của ông Vang được đăng tải, nhiều bạn đọc đã ngay lập tức gửi ý kiến phản ánh “chất vấn” vị Cục trưởng này.

Độc giả Lan Phương bày tỏ: “Là một người ngoài cuộc, nhưng thực sự tôi thấy cách giải thích của

Hơn 4.500 người đã du học theo đề án 322

Tính đến hết năm 2010, đã có 4.590 người của gần 300 cơ quan, trong đó có gần 3.000 cán bộ, giảng viên của trên 200 cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu đi nước ngoài đào tạo theo Đề án 322. Chỉ tính riêng khối trường ĐH-CĐ, đã có 150 trường có cán bộ, giảng viên được cử đi học, trong đó nhiều trường ĐH trọng điểm đã bổ sung được hàng trăm cán bộ, giảng viên được đào tạo ở nước ngoài. Đến nay, có trên 3.000 lưu học sinh được cử đi học theo diện trên đã về nước, trong đó có trên 1.000 tiến sĩ.

Cục trưởng thực sự không thoả đáng. Thứ nhất, bảo là số lượng ứng viên tuyển sinh đi học đã đủ nên Bộ không được phép cử người mới đi năm 2012. Tôi không bác bỏ điều này, nhưng tại sao trước khi tuyển chọn thêm ứng viên Bộ không hề có việc tổng kết số lượng học viên hiện tại đã đi học ở nước ngoài để rồi tuyển chọn một cách ồ ạt như vậy, và cuối cùng là vứt bỏ đi những số còn lại, khiến những con người nay tốn đi bao thời gian, công sức, tiền bạc và cả danh dự của chính họ. Thứ hai, chọn theo một dạng học bổng hiệp định khác, một mặt không là mong ước từ ban đầu của các em, mặt khác khi phải thay đổi các quốc gia có thể du học đồng nghĩa các em vứt đi bao công súc mình bỏ ra trông thời gian qua sao và bắt đầu lại từ con số 0. Hành động này tôi thấy thât chẳng khác gì đem con bỏ chợ”.

Cùng chung quan điểm này, một độc giả là Ngô Mai Hạnh nói: “Thật là quá bất công và vô lí cho các em, với lời giải thích này có khác nào khẳng định là thời gian các em bỏ ra là vô ích, thôi coi như các em bị kỉ luật đi học lại. Tối thật sự không ngờ học bổng nhà nước lại rủi ro như vậy. Khổ thân các em”.

Vấn đề ở đây không chỉ là việc Đề án 322 bị tạm dừng, mà còn bị dừng một cách đột ngột, khiến cho nhiều sinh viên đang thuộc diện học bổng tài năng, ngày đêm phấn đấu bị "sốc".

Độc giả Lã Thị Hường thì than: “Tôi thật sự không còn biết tin vào cái gì nữa, ứng xử thế này chẳng khác gì lừa các em trong suốt 2 năm qua? Tiêu chuẩn được xét tuyển đâu có phải dễ dàng, toàn học sinh giỏi thế mà bạn cùng trang lứa đã học xong năm 2 đại học rồi, kêể cả những bạn chỉ thi dưới điểm sàn vẫn được vét vào đại học? Công bằng ở đâu? Có cần nỗ lực nữa không? Việc giải thích như trên là không có cả lý và tình: Thứ nhất, quyết định của Bộ cử các em đi học năm 2011 và có hiệu lực đến hết 30/9/2012 chứ không phải là 2012 mới được xét tuyển; Thứ 2, nếu không còn chỉ tiêu thì sao đến hết tháng 3 Cục đào tạo nước ngoài vẫn hướng dẫn cho các em làm thủ tục gửi hồ sơ? Thời gian, tiền của, danh dự và lớn hơn là niềm tin của các sinh viên giỏi này đã không còn gì để bám víu nữa”.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Diệu Linh