Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên

03/09/2018 06:29
BÙI NAM
(GDVN) - Hiện nay, có rất nhiều cơ sở, trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ lợi dụng tâm lý hoang mang, cần gấp chứng chỉ của giáo viên nên ra sức chiêu trò, quảng cáo.

LTS: Trước yêu cầu tất cả giáo viên tối thiểu phải có chứng chỉ ngoại ngữ A1 (bậc 1 theo khung quy chuẩn tham chiếu Châu Âu), tác giả Bùi Nam đã có những chia sẻ thông qua bài viết lần này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chưa khi nào mà lực lượng giáo viên “sôi nổi” trong việc “học” và “thi” ngoại ngữ như bây giờ.

Theo quy định của các thông tư 20, 21, 22, 23/2015 BNV – BGDĐT về tiêu chuẩn mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu tất cả giáo viên tối thiểu phải có chứng chỉ ngoại ngữ A1 (bậc 1 theo khung quy chuẩn tham chiếu Châu Âu).

Yêu cấp chứng chỉ Ngoại ngữ dành cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Yêu cấp chứng chỉ Ngoại ngữ dành cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Điều này khiến nhiều giáo viên, trong đó có cả giáo viên lớn tuổi sắp về hưu phải “vắt chân lên cổ” tìm mọi giá có chứng chỉ ngoại ngữ để làm “đẹp” hồ sơ và để không thiếu “chuẩn”, vì nếu thiếu “chuẩn” có thể sa thải bất kỳ lúc nào.

Hàng loạt kỳ thi “chống trượt” chứng chỉ ngoại ngữ

Hiện nay, hầu hết các sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ và nộp về cơ quan chủ quản hạn cuối là 31/12/2018.

Những giáo viên mới ra trường trong một vài năm gần đây hầu hết đều đã có chứng chỉ ngoại ngữ (chưa thể kiểm chứng chất lượng), còn đa số những giáo viên công tác hơn 10 năm (trừ giáo viên ngoại ngữ) thì hầu hết đều chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu .

Bởi, trong quá trình công tác, giảng dạy trên do rất ít tiếp xúc với ngoại ngữ nên hầu như họ quên phần lớn kiến thức ngoại ngữ đã học trong trường phổ thông hay trong trường sư phạm.

Do đó, bây giờ mà yêu cầu các giáo viên trên “học thật – thi thật” để có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, 2… (có đủ kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) theo quy chuẩn Châu Âu là điều không tưởng, hay nói đúng hơn là ảo tưởng, phi lý.

Theo tính toán của tôi, hiện nay cả nước hơn 1,24 triệu giáo viên, nếu có chứng chỉ chưa đến 50%, do đó còn hơn 50% giáo viên bắt buộc bằng mọi giá phải có chứng chỉ ngoại ngữ nếu không sẽ không đạt “chuẩn” giáo viên đứng lớp, có thể phải cho “ra đường”.

Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên ảnh 2Cấp chứng chỉ tiếng Anh chỉ cần có tiền là đạt, thị trường ngầm bạc tỉ

Nhiều giáo viên khi gặp nhau bàn tán sôi nổi về bất cập của quy định trên và hỏi “mua” chứng chỉ ở đâu? Giá bao nhiêu? Có phải bằng thật không?…

Đó là sự thật vì làm gì có giáo viên nào đã dạy trên 10 năm mà đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2 theo quy chuẩn Châu Âu.

Lợi dụng yếu tố trên các trung tâm ngoại ngữ liên kết với các tổ chức đã tổ chức vô số kỳ thi “chống trượt” chứng chỉ ngoại ngữ theo quảng cáo: “Trọn gói bao đỗ 100%”, “hỗ trợ đỗ 100%”, “có bằng nhanh, tỷ lệ trượt 0%”, “bao bằng thật 100%, bao công chứng…” các quảng cáo này có đầy rẫy trên Internet và qua các trung tâm ngoại ngữ.

Các trung tâm ngoại ngữ liên kết với các cơ sở được cấp phép cấp chứng chỉ ngoại ngữ tổ chức các lớp luyện thi “siêu cấp tốc” cho giáo viên ôn tập trong 1 đến 4 tuần, có nơi chỉ ôn 1 ngày rồi tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ A2 với bảo đảm đỗ 100% với giá từ 4 đến 6 triệu đồng cho 1 kỳ ôn tập và thi.

Ban đầu nhiều giáo viên không tin vì chứng chỉ ngoại ngữ theo quy chuẩn Châu Âu đâu phải “rau, cỏ” đâu mà mua, bán dễ thế?

Nhưng sự thật là vậy, ở các địa phương hiện nay đã có rất nhiều lần tổ chức ôn tập và thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên, đều đạt 100%.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thử làm một cuộc rà soát trình độ các giáo viên đã có chứng chỉ A2, B2 trong những năm gần đây sẽ biết ngay rằng, chất lượng của các giáo viên ở mức nào, các cơ sở cấp chứng chỉ ngoại ngữ “gian dối” như thế nào và hình thức tổ chức kỳ thi “chống trượt” cấp chứng chỉ ngoại ngữ diễn ra tinh vi, trắng trợn như thế nào?

Chỉ có 11 cơ sở sau được cấp chứng chỉ ngoại ngữ trong năm 2018

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở, trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ lợi dụng tâm lý hoang mang, cần gấp chứng chỉ của giáo viên nên ra sức chiêu trò, quảng cáo mở các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan.

Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên ảnh 3Cô giáo kể chuyện hài đi thi chứng chỉ Ngoại ngữ

Nhiều giáo viên sau khi tốn tiền và được cấp chứng chỉ mới biết chứng chỉ của mình không được chấp nhận nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Theo tìm hiểu của tôi ở công văn số 1336/BGDĐT-GDĐH ngày 19/3/2014 về việc đánh giá năng lực ngoại ngữ, công văn số 79/CV-ĐANN ngày 25/3/2014 và công văn số 39/CV-ĐANN ngày 14/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép tổ chức, bồi dưỡng, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định hiện hành, theo đó hiện nay cả nước có 11 cơ sở được cấp phép chứng chỉ ngoại ngữ A1, A2, B1, B2, C1, C2 theo khung tham chiếu Châu Âu như sau:

Khu vực miền Bắc:

1. Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội

2. Đại học Hà Nội

3. Đại học Sư Phạm Hà Nội

4. Đại học Thái Nguyên

Khu vực miền Trung:

1. Đại học Ngoại Ngữ Huế

2. Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Đà Nẵng

3. Đại học Vinh

Tại miền Nam:

1. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

2. Đại học Cần Thơ

3. Đại học Trà Vinh

4. Trung tâm Seameo Retrac

Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên ảnh 4Giáo viên kể chuyện làm hồ sơ thi chứng chỉ Tiếng Anh, Tin học

Giáo viên có nhu cầu được học và cấp chứng chỉ phải tìm hiểu kỹ các cơ sở được đào tạo, cấp chứng chỉ, tránh nghe theo lời quảng cáo, chiêu dụ kẻo “tiền mất, tật mang”.

Giáo dục đang trong giai đoạn hội nhập, nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng là một trong những nhu cầu cần thiết để nâng cao trình độ, hội nhập sâu và rộng.

Do đó, yêu cầu sinh viên sư phạm ra trường phải đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ là cần thiết.

Nhưng, yêu cầu giáo viên lớn tuổi đáp ứng kiến thức ngoại ngữ là điều không thể và giáo viên giảng dạy các môn sử dụng kiến thức ngoại ngữ khá ít chủ yếu là đọc tên các nhà bác học, các địa danh thì giáo viên đã làm được với kiến thức ngoại ngữ đã học trong trường phổ thông đến sư phạm.

Thay vì bỏ một khoảng kinh phí không nhỏ “mua chứng chỉ” mà không có một nền tảng kiến thức nào, thì Bộ Giáo dục nên tạo điều kiện mở các lớp giao tiếp, bồi dưỡng, yêu cầu giáo viên tự học và có một số kiến thức cơ bản đáp ứng việc dạy cho bộ môn mình.

Việc đào tạo, nâng chuẩn trình độ ngoại ngữ cho giáo viên phải có quy trình và cần chú trọng vào chất lượng thật chứ không phải vào yêu cầu chỉ có “chứng chỉ” như hiện nay.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc đào tạo, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ kiểu “chống trượt” ở một số cơ sở ngoại ngữ, đồng thời có chính sách, tiêu chuẩn, phù hợp với giáo viên.

BÙI NAM