Thi đề chung, Quảng Ngãi giờ mới làm, các địa phương khác làm lâu rồi

06/11/2018 07:07
Đăng Bình
(GDVN) - Để có những đề thi an toàn mà ngay giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, Ban giám hiệu cũng không thể biết, nhà trường phải có một ngân hàng đề với hàng trăm đề thi

LTS: Tiếp tục bàn về việc kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cũng như đưa ra các giải pháp để có những đề thi tuyệt đối an toàn, tác giả Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện kiểm tra 1 tiết bằng đề chung được xem là sáng kiến hay, ngành giáo dục thành phố Quảng Ngãi đánh giá có nhiều ưu điểm, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Thế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình như học thêm vẫn tràn lan còn giáo viên thì thêm việc…

Có thể khẳng định cách làm này chỉ mới với ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi, còn nhiều địa phương khác đã triển khai mấy năm rồi. 

Mặt ưu cũng có nhưng những bất cập cũng bộc lộ quá nhiều. Thế nên để nói về phương án này “rằng hay thì thật là hay…”.

Học sinh làm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: TTXVN).
Học sinh làm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: TTXVN).

Nói là hay, là đạt được đúng mục tiêu mà ngành giáo dục Quảng Ngãi đề ra “hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, đánh giá đúng năng lực của học sinh” khi và chỉ khi có người quản lý (từ cấp tổ đến cấp trường) nhiệt tình trong công việc, công tâm trong cách làm và tuyệt đối không dạy thêm.

Nói chưa hay bởi vì những yêu cầu về người quản lý gần như thế rất ít người đạt được. Chính vì điều này mà biến một phương án hay trở thành không hay như bao phương án khác.

Ngân hàng đề và quy trình đề thi đến tay học sinh

Thực hiện việc kiểm tra đề chung buộc nhà trường phải có ngân hàng đề kiểm tra. Ngân hàng đề càng nhiều, độ an toàn càng cao. Trong thực tế, ngân hàng đề ở một trường có được từ nguồn nào?

Đó là tất cả giáo viên trong tổ chuyên môn mỗi người phải ra từ một đến vài đề một lần. Những đề này sẽ qua tay duyệt của tổ trưởng rồi sẽ nộp cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn (lẽ ra phó hiệu trưởng sẽ duyệt lại nhưng nếu duyệt cũng chỉ có thể duyệt được một môn thuộc chuyên môn của mình).

Thi đề chung, Quảng Ngãi giờ mới làm, các địa phương khác làm lâu rồi ảnh 2Kiểm tra 1 tiết bằng đề chung có gây áp lực cho giáo viên, học sinh?

Khi thi, phó hiệu trưởng, tổ trưởng sẽ bốc thăm ngẫu nhiên một đề trong ngân hàng đề ấy (về lý thuyết là thế nhưng phần nhiều đã được chọn trước).

Vậy sẽ có ít nhất 2 người biết đề trước khi học sinh thi và toàn bộ giáo viên trong tổ chuyên môn ấy cũng đã khoanh vùng đề sau khi đã liên kết với nhau và làm phương pháp loại trừ.

Tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu cũng dạy thêm

Nếu trường nào có tổ trưởng bộ môn và Ban giám không dạy thêm thì việc lộ đề ít có cơ hội xảy ra. Bởi họ sẽ làm đúng luật, sẽ bảo mật đề ra đến phút cuối.

Nhưng trong thực tế, không ít người trong số đó cũng dạy thêm khá nhiều. Đã dạy thêm lại cạnh tranh nhau.

Nếu thầy cô thường xuyên ôn trúng đề thi thì tiếng lành sẽ đồn xa và số lượng học sinh xin vào học sẽ khá đông. Thế là việc nhá đề, mớm đề đã xảy ra trong quá trình dạy thêm là thế.

Còn giáo viên đương nhiên sẽ dạy thêm. Trong cùng một tổ họ sẽ liên kết với nhau theo kiểu “hai bên cùng có lợi” và thực hiện việc trao đổi đề qua lại để ôn cho học sinh. Thế nên khi nhà trường bốc được đề nào để thi thì các em cũng đã được ôn trước đó.

Việc phải ôn một lúc khá nhiều đề làm cho học sinh phải tăng thời lượng học thêm trong thời gian gần thi.

Và cũng trong thời gian này, các điểm dạy thêm của thầy cô bỗng tăng lượng học sinh ghi danh đi học cao một cách bất thường.

Để đề thi tuyệt đối an toàn

Để có những đề thi an toàn mà ngay giáo viên, tổ trưởng chuyên môn đến Ban giám hiệu cũng không thể biết, nhà trường phải có một ngân hàng đề với hàng trăm đề thi.

Thi đề chung, Quảng Ngãi giờ mới làm, các địa phương khác làm lâu rồi ảnh 3Sáng kiến kiểm tra 1 tiết bằng đề chung cho các trường để ngăn dạy thêm

Có được điều này, phải có sự chuẩn bị trước vài năm trước đó. Điều này sẽ khác với cách làm của nhiều trường hiện nay là gần thi mỗi giáo viên ra một đề rồi nhà trường chọn.

Khi có ngân hàng đề lên tới hàng trăm đề, nhà trường sẽ tổ chức bốc thăm đề sẽ kiểm tra trước mặt giáo viên trong tổ ngay trong chính ngày thi ấy.

Làm được thế, chính tổ trưởng, Ban giám hiệu cũng không thể biết sẽ thi đề nào thì làm sao có thể thực hiện việc nhá đề, mớm đề?

Giáo viên là người ra đề cũng không thể liên kết với nhau và càng không thể nào đoán được. Họ chỉ còn cách ôn lại kiến thức cơ bản cho học sinh.

Khi đi học thêm mà ôn không trúng đề, nhiều em cũng chẳng tỏ ra hào hứng. Không ít học sinh đã từng nói rằng “ôn như thầy (ôn cơ bản những kiến thức đã học) thì ở nhà tự học sướng hơn.

Nếu cái tâm người thực hiện không trong sáng thì chẳng có phương án nào là tối ưu cả.

Bởi thế, thay vì lựa chọn phương án đơn giản đỡ gây áp lực cho học sinh và giáo viên vẫn hơn nhiều cái kiểu bỏ công sức ra nhiều nhưng hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu.

Đăng Bình