Thí sinh phải chịu thiệt thòi, ngang trái khi thi viên chức ở Vĩnh Phúc

09/01/2015 10:58
Minh Độ-Phương Thảo
(GDVN) -Cuộc thi tuyển bất ngờ chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh, nhiều người thi tưởng mình đã đỗ thì có thể sẽ bị trượt vì phương án thi tuyển mới, có sau khi thi.

Đột ngột nâng cấp "cuộc chơi" từ huyện lên tỉnh

Trên cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc ngày 07/01/2015 đăng tin khẳng định đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2014 tỉnh đã làm đúng quy định.

Cụ thể ngày 18/6/2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3276 về việc tuyển dụng giáo viên năm 2014. Ngày 19/6/2014, Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ ra văn bản số 836 hướng dẫn tuyển dụng giáo viên tiểu học và hợp đồng giáo viên mầm non năm 2014 thông qua thi tuyển, UBND các huyện cũng đã có kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2014.

Tuy nhiên, trước kỳ thi 2 ngày, UBND tỉnh quyết định tổ chức thi tập trung ở cấp tỉnh, đồng thời, ban hành Quyết định số 2319 ngày 26/8/2014 về việc thành lập Hội đồng thi tuyển viên chức ngành GD&ĐT năm 2014 của tỉnh.

Không rõ do bất cẩn hay vì vội vàng đưa cuộc thi từ cấp huyện lên cấp tỉnh mà sau khi tổ chức thi ngày 24/10/2014, UBND tỉnh mới ra văn bản 6376 về việc tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014.

Thi xong mới có phương án

Phản ánh tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thí sinh dự thi tuyển viên chức ngày 29-30/08/2014 cho rằng UBND tỉnh Vĩnh Phúc không thực hiện đúng hướng dẫn tuyển dụng giáo viên. 

Cụ thể, ở văn bản số: 836/HDLS-SGĐT-SNV ngày 19/06/2014 quy định “Người trúng tuyển trong kì thi tuyển giáo viên năm 2014 phải tham dự đủ các bài thi, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên và được xác định theo nguyên tắc: Người trúng tuyển có kết quả thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm của mỗi huyện, thành, thị”.

Tuy nhiên, khi đã thi xong tỉnh lại ra văn bản số: 6376/UBND-TH1 ngày 24/10/2014 lại thay đổi thành: “Nguyên tắc xác định người trúng tuyển theo các quy định đã thông báo cụ thể: Người dự thi phải tham dự đủ các bài thi theo quy định, mỗi bài thi phải đạt từ 50 điểm trở lên, cộng tổng lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng chung của cả tỉnh”.

Như vậy, từ nguyên tắc trúng tuyển cấp huyện giờ đã được đổi thành cấp tỉnh. Việc thay đổi này cũng đã khiến nhiều thí sinh bất ngờ và rất bức xúc.

Thực tế, một số thí sinh nếu xét điểm và chỉ tiêu cấp huyện thì đỗ vào viên chức ngành giáo dục, nhưng xét theo cấp tỉnh sẽ không đạt.

Nhiều thí sinh bức xúc cho rằng sau khi thi xong mới ra văn bản về tiêu chuẩn, phương án thi tuyển, tuyển dụng là không đúng quy định.
Nhiều thí sinh bức xúc cho rằng sau khi thi xong mới ra văn bản về tiêu chuẩn, phương án thi tuyển, tuyển dụng là không đúng quy định.

Ngày 08/01 trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Quang Tuệ - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Việc ra công văn 6376 là quá trình đi sửa sai, và việc tỉnh thu lại văn bản 836 là đúng, đúng khi huyện không đủ điều kiện để tổ chức và tỉnh không đủ điều kiện để giám sát huyện, tuy nhiên vẫn còn khuyết điểm tồn tại trong vấn đề ban hành văn bản, tuyên truyền. Đáng lẽ, trước khi thi, tỉnh thông báo cho thí sinh biết nay mai thi xong lấy điểm từ cao đến thấp ai thi thì thi, ai không thi thì về là xong nhưng tỉnh lại không thông báo như vậy”.

Theo đúng lời ông Tuệ nói, nhiều thí sinh vì không biết phương án thi mới này nên đã tiếp tục dự thi theo "phương án, tiêu chuẩn cũ". Hậu quả, theo họ thì nếu thi cấp huyện thì họ đỗ, còn thi cấp tỉnh thì họ trượt.

Nhiều người cho rằng, nếu biết trước phương án thi tuyển theo "cuộc chơi cấp tỉnh", họ sẽ không thi nữa, để tránh bây giờ thi trượt, công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vừa làm vừa đọc quy định

Liên quan đến khâu chuẩn bị và quyết định tổ chức cuộc thi khiến thí sinh phản ứng này, ông Tuệ phân trần: “Tỉnh thực hiện theo nghị định số 29/2012/NĐ-CP nhưng có mấy ai thuộc được mọi quy định, đến cả tôi nhiều khi cũng phải làm đến đâu đọc đến đó”.

Cũng theo ông Tuệ, đã đi thi thì phải chấp nhận “cuộc chơi” và phải theo qui định của tỉnh, luật chơi theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP việc thay đổi như vậy chỉ sai ở mặt văn bản, khi UBND tỉnh đã làm văn bản thì phải theo Ủy ban, và đương nhiên văn bản cấp dưới bị hủy bỏ.

Về phía UBND tỉnh, ông Bùi Minh Hồng - Chánh văn phòng khi được hỏi cho biết, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ đang chuẩn bị văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo các nội dung trên. Ông Hồng từ chối cung cấp nội dung báo cáo đến khi nhận được ý kiến của Bộ Nội vụ.

Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, hôm nay là hạn chót để Vĩnh Phúc gửi báo cáo về việc tổ chức cuộc thi này.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Độ-Phương Thảo