Thiếu gì việc thanh tra sao cứ phải là dự giờ, thăm lớp?

04/01/2016 05:05
Đỗ Quyên
(GDVN) - Điều đáng nói là hàng năm, trường học nào chẳng có các đoàn thanh tra về kiểm tra nhưng những việc làm sai trái của Nhà trường lại không được lôi ra ánh sáng.

LTS: Tiếp tục về chủ đề “công tác thanh tra” của ngành giáo dục, trong bài viết này cô giáo Đỗ Quyên cho rằng, khi đổi mới cách dạy và học thì cũng cần phải đổi mới công tác thanh tra. 

Đừng nên chỉ là dự giờ để bắt bẻ thời gian chưa đảm bảo, thiết kế bài giảng còn dài dòng, phông chữ… mà thay vào đó nên quan tâm nhiều hơn tới chất lượng học sinh ở những khía cạnh khác.  

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Thời gian gần đây, nhiều trường học bị báo chí phanh phui về việc lạm thu, chuyện hiệu trưởng “xà xẻo” tiền hỗ trợ học tập của học sinh khó khăn, chuyện thu chi không hợp lý, thiếu minh bạch, chuyện buộc học sinh mua đồng phục giá cao, chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường...

Những điều này, bị đưa ra ánh sáng có đến hơn 90% do báo chí phanh phui bởi những lá đơn tố cáo của người trong cuộc. 

Điều đáng nói là hàng năm, trường học nào chẳng có các đoàn thanh tra về kiểm tra nhưng những việc làm sai trái đó lại không hề được lôi ra ánh sáng. 

Thiếu gì việc thanh tra sao cứ phải là dự giờ, thăm lớp, bắt bẻ thời gian dạy, thiết kế bài giảng dài dòng... (Ảnh minh họa từ Giáo dục và thời đại)
Thiếu gì việc thanh tra sao cứ phải là dự giờ, thăm lớp, bắt bẻ thời gian dạy, thiết kế bài giảng dài dòng... (Ảnh minh họa từ Giáo dục và thời đại)

Vì sao lại có chuyện đó? Câu trả lời đơn giản chỉ vì thanh tra còn mải lo kiểm tra hồ sơ sổ sách giáo viên, mải lo dự giờ thăm lớp, một công việc mà hàng tuần, hàng tháng, các tổ chuyên môn cũng như Ban giám hiệu nhà trường vẫn làm.

Một cán bộ thanh tra từng nói: “Nếu không tiến hành thanh tra thì sợ giáo viên làm đối phó, giáo viên sao nhãng việc soạn, việc chuẩn bị bài, lơ là trong việc dạy và học...”. 

Nếu quả thật như thế thì “thanh” và “tra” trong 2 ngày liệu sẽ thay đổi được điều gì?

Trong thực tế thì ở các trường học hiện nay vẫn duy trì hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường xuyên 2 lần/tháng. 

Thiếu gì việc thanh tra sao cứ phải là dự giờ, thăm lớp? ảnh 2

Thanh tra như "ngáo ộp", nhưng thiếu có được không?

(GDVN) - Nhiều thầy cô giáo giỏi kêu ca, nói phóng đại quá mức về tính chất, vai trò, nhiệm vụ của đoàn thanh tra.

Các tổ chuyên môn lên chuyên đề, giáo viên trong tổ lần lượt thao giảng dự giờ có sự tham gia của phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng. 

Sau dự giờ, giáo viên góp ý rút kinh nghiệm. Một đến 2 tháng là tổ chức dạy Hội giảng toàn trường và sinh hoạt chuyên môn cấp.

Và cứ hai tuần các tổ trưởng chuyên môn duyệt thiết kế lên lớp của giáo viên một lần.

Hơn nữa, sau nửa học kỳ và cuối mỗi học kỳ, phó hiệu trưởng sẽ kiểm tra, kí duyệt và rút kinh nghiệm chung cho toàn bộ giáo viên. 

Với những thủ tục trên, dù giáo viên có muốn lơ là, chểnh mảng cũng chẳng được. Vậy có nhất thiết từng đợt thanh tra các cấp về trường lại vẫn điệp khúc kiểm tra hồ sơ sổ sách và dự giờ, thăm lớp nữa không?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu trên báo Tuổi Trẻ: “Ở nhiều nơi thanh tra can thiệp quá sâu và cứng nhắc vào việc quản lý chuyên môn của các hiệu trưởng, công việc giảng dạy của giáo viên. 

Việc này khó khăn cho các nhà trường, giảm động cơ thực hiện đổi mới, sáng tạo, việc chủ động tự học, tự rèn của giáo viên
”.

Còn theo bài Thanh tra như "ngáo ộp", nhưng thiếu có được không?
của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/12 vừa qua, bài viết có đoạn:

Vẫn nên duy trì hoạt động dự giờ đột xuất hay tổ chức thao giảng theo cụm để trao đổi, nắm bắt, đánh động việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của thầy cô giáo. 

Nó cần thiết trong việc nâng cao chất lượng dạy - học, trong bối cảnh ý thức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một bộ phận giáo viên, cách quản lý của nhà trường còn hời hợt, hình thức, hạn chế nhiều
”.

Chỉ mới đọc qua bài viết cũng có thể hình dung ra thầy Ngọc là thành viên của ban thanh tra. 

Thiếu gì việc thanh tra sao cứ phải là dự giờ, thăm lớp? ảnh 3

Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà

(GDVN) - Đối tượng chịu tác động lớn nhất của “làn sóng đổi mới” năm 2015 là học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Nếu còn là giáo viên, thầy sẽ hình dung ra một tiết dự giờ thao giảng mà đặc biệt là thao giảng cụm thầy cô dạy tiết đó cùng ban giám hiệu nhà trường và các em học sinh phải vất vả như thế nào. 

Khâu chuẩn bị phải cực kì chu đáo “chuẩn đến từng centimet”, ngày lên dạy thực chất là để biểu diễn mà thôi. 

Về lý thuyết mà nói chẳng ai học tập được gì cả bởi nó được dàn dựng không giống như dạy học trong thực tế.

Đổi mới cách dạy và học cũng cần phải đổi mới cả công tác thanh tra. Cần giao cho giáo viên cái quyền chủ động trong từng tiết dạy. 

Không nên dự giờ chỉ để bắt bẻ về “thời gian tiết dạy chưa đảm bảo, phân bố thời gian cho từng hoạt động chưa hợp lý... hay thiết kế còn dài dòng, phông chữ chưa đúng quy định, bìa thiết kế còn màu mè...”. 

Hơn bao giờ hết, chất lượng học tập của học sinh cuối cùng vẫn là điều phụ huynh mong chờ nhất.

thanh tra dự giờ liên tục, giáo viên có được đánh giá hồ sơ sổ sách tốt cỡ nào mà chất lượng học tập của các em trong lớp không được nâng lên thì cũng chỉ bằng con số 0.

Đỗ Quyên