Thời khóa biểu kỳ quặc và câu chuyện vượt 20 km tới trường chỉ dạy 1 tiết rồi về

13/12/2015 08:22
Đỗ Quyên
(GDVN) - Việc phân công tiết dạy dàn trải như hiện nay để buộc giáo viên Tiểu học phải đi dạy hết tuần đã và đang làm lãng phí nhiều thời gian lao động của các thầy cô.

LTS: Theo nhìn nhận của cô giáo Đỗ Quyên thì còn quá nhiều bất cập trong phân công chuyên môn tới giáo viên ở bậc Tiểu học đặc biệt trong thời kỳ “Đổi mới căn bản giáo dục toàn diện”. 

Bài viết là chỉ ra những điểm cần được chấn chỉnh ngay để có thể nâng cao chất lượng giờ dạy hơn nữa. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thời khóa biểu kỳ quặc

Nếu như trước đây, giáo viên dạy Tiểu học dạy theo buổi thì vài năm trở lại đây lại quy định giáo viên tiểu học phải dạy đủ 23 tiết chuẩn/tuần. Học sinh Tiểu học các trường phần lớn được học 10 buổi/tuần. 

Mỗi ngày, các em học sinh Tiểu học học 7 tiết, vậy số tiết học thực của các em lên tới 7 x 5= 35 tiết/tuần. 

Giáo viên Tiểu học và câu chuyện vượt 20 km tới trường chỉ dạy 1 tiết rồi về (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Giáo viên Tiểu học và câu chuyện vượt 20 km tới trường chỉ dạy 1 tiết rồi về (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong khi đó, giáo viên bậc THCS và bậc THPT chỉ dạy 1 buổi/ngày, thời gian còn lại tập trung soạn bài và nghiên cứu chuyên môn.

Ấy vậy mà các thầy cô giáo Tiểu học lại phải đi dạy 9-10 buổi/tuần. Điều này vừa gây lãng phí thời gian, vừa hạn chế việc đầu tư bài giảng, thời gian làm đồ dùng dạy học để phục vụ cho tiết dạy của từng giáo viên. 

Nếu theo quy định tiết dạy chuẩn, ở trường đủ giáo viên thì một giáo viên chủ nhiệm chỉ cần dạy 5-6 buổi/tuần là đủ. 

Tuy nhiên, hầu hết Ban giám hiệu các Nhà trường khi phân công chuyên môn đều tìm mọi cách dàn trải số tiết dạy/tuần để buộc các thầy cô phải đi cả tuần trong tình trạng cứ đều đều 2 buổi/ngày. 

Vì Ban giám hiệu cho rằng, học sinh Tiểu học nên thầy cô giáo chủ nhiệm phải thường xuyên có mặt nên thời khóa biểu phân cho từng giáo viên rất kỳ quặc. 

Nhiều thầy cô đi từ nhà tới trường khoảng 20 km đến chỉ dạy 1 tiết rồi về hay tình trạng dạy tiết 1 nhưng nghỉ tiết 2, tiếp tục dạy tiết 3 và nghỉ tiết 4 vẫn thường xuyên diễn ra. 

Rõ ràng, giáo viên chủ nhiệm không có mặt trên lớp nhưng đã có những giáo viên bộ môn khác mà mỗi giáo viên đều phải tự ý thức trách nhiệm vừa dạy học vừa uốn nắn học sinh. 

Thời khóa biểu kỳ quặc và câu chuyện vượt 20 km tới trường chỉ dạy 1 tiết rồi về ảnh 2

Ngẫm về căn bệnh “Cố đấm ăn xôi” và “Đánh bùn sang ao” của ngành giáo dục

(GDVN) - Để đổi mới nền giáo dục nước nhà, trước tiên và quan trọng nhất là chữa trị và loại bỏ hai căn bệnh "Cố đấm ăn xôi" và "Đánh bùn sang ao" của cơ quan quản lý.

Vì kể cả giáo viên chủ nhiệm có mặt ở trường nhưng không có tiết dạy thì cũng chỉ ngồi dưới văn phòng đợi đến tiết mới được vào lớp. 

Mà mỗi ngày, thầy cô giáo Tiểu học phải đi cả ngày, tối về lo xong việc nhà thì phải ghi hồ sơ sổ sách, soạn giáo án, khi làm xong cũng đã quá nửa đêm, chẳng còn thời gian mà làm đồ dùng dạy học cần thiết nhất như phiếu học tập. 

Thời gian không có thì làm sao nói đến việc học để nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn?

Tìm kẽ hở để “lách”

Với việc phân công chuyên môn cứng nhắc như vậy, nhiều giáo viên phải đi xe hơn chục cây số tới trường chỉ để dạy 1 tiết khoảng 35 phút rồi đi về.

Chính vì lẽ đó, không ít thầy cô giáo đã “qua mặt” ban giám hiệu Nhà trường bằng cách lén lút nhờ đồng nghiệp nào vắng tiết thì dạy giúp theo kiểu “có đi có lại”. 

Cũng có trường hợp không nhờ được ai thì đành liều bỏ tiết hoặc nhờ giáo viên dạy gần lớp mình dạy “chạy qua chạy lại” trông giúp. 

Quá đặt nặng vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp nên phần lớn các giáo viên không chủ nhiệm, giáo viên dạy lớp chuyên không ít người nghĩ việc rèn học sinh vào nề nếp, giáo dục, răn dạy các em không phải là trách nhiệm của mình. 

Do đó, nhiều thầy cô chỉ vào lớp dạy cho xong tiết rồi bước ra mà không quan tâm nhiều đến việc các em có vi phạm nội quy, có chểnh mảng trong giờ học mà chỉ nhắc nhở theo kiểu “cô sẽ nói với thầy, cô chủ nhiệm của em…”

Với việc phân công tiết dạy dàn trải như hiện nay để buộc giáo viên Tiểu học phải đi dạy hết tuần đã và đang làm lãng phí nhiều thời gian lao động của các thầy cô giáo. 

Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mới - Góp ý từ một giáo viên

Thay vì quản lý giáo viên chủ nhiệm chỉ là để quản lý thời gian thì hãy nhìn nhận đến chất lượng của từng giờ lên lớp cũng như nề nếp của học sinh. 

Bởi hiện đang là giai đoạn đầu thực hiện Thông tư 30, áp dụng các phương pháp dạy học mới, tiên tiến vào giảng dạy thì các thầy cô giáo cũng cần phải có một thời gian nhất định mới chuyên tâm để chuẩn bị cho những bài giảng tốt. 

Đỗ Quyên