Thông tư 30: Cần làm cho phụ huynh hiểu và cùng đồng hành

10/02/2015 07:12
TS Vũ Thu Hương
(GDVN) - Thông tư 30 là chủ trương mới, phù hợp với sự phát triển của trẻ, rất cần được làm đúng, triệt để hơn, chuẩn bị và thực hành tốt hơn...

Hôm qua, Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học đã chính thức lên tiếng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc áp dụng thông tư 30. Theo đó, sẽ không có sửa đổi hay thay đổi gì ở chủ trương này.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia, thầy cô giáo vẫn tiếp tục có góp ý.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả một bài viết của TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TS Vũ Thu Hương đã có thời gian tham gia tập huấn và trực tiếp theo dõi Thông tư 30 ngay từ những ngày đầu.

Thông tư 30 là một thông tư đúng đắn, có nhiều đổi mới tiên tiến. Thông tư giải quyết khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay của giáo dục VIệt Nam như bệnh thành tích, bệnh xa rời thực tế… Khi Thông tư ra đời, tôi vô cùng vui mừng vì cuối cùng trẻ em Việt Nam cũng đã có thể hi vọng vào một nền giáo dục tiên tiến và phù hợp.

Đọc bài viết của TS. Ngô Gia Võ (Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30), tôi cảm thấy thầy Võ chưa thực sự hiểu Thông tư 30. Có lẽ chúng ta nên nhìn rộng hơn ra ngoài phạm vi những bài học trên lớp sẽ thấy những điểm sau:

- Hiện nay, giới trẻ thiếu kĩ năng sống rất trầm trọng. Vô cùng nhiều đứa trẻ không biết nấu ăn, tự lo cho bản thân, chăm sóc chính mình và người khác. Khi gặp các tình huống nhất là các tình huống nguy hiểm, giới trẻ Việt thường chịu đựng rủi ro chứ hoàn toàn không có kĩ năng thoát hiểm.

- Giới trẻ ngày nay thực sự bị bỏ bơ việc giáo dục đạo đức. Tỉ lệ lên đến hơn 90% học sinh tiểu học không có ý thức chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi. Những quy tắc đạo đức thông thường cũng bị bỏ qua.

- Giới trẻ ngày nay được tập thể dục thể thao quá ít. Người Việt Nam vốn thấp bé, nay lại được tập luyện ít, dẫn đến việc ngày càng yếu ớt so với khu vực. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính các em mà còn nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

TS Vũ Thu Hương: "Khi Thông tư ra đời, tôi vô cùng vui mừng vì cuối cùng trẻ em VIệt Nam cũng đã có thể hi vọng vào một nền giáo dục tiên tiến và phù hợp". Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
TS Vũ Thu Hương: "Khi Thông tư ra đời, tôi vô cùng vui mừng vì cuối cùng trẻ em VIệt Nam cũng đã có thể hi vọng vào một nền giáo dục tiên tiến và phù hợp". Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

Nếu chỉ nhìn vào kết quả học tập để đánh giá, mọi thứ sẽ thiên lệch. Sau này trưởng thành, các em sẽ phải trả giá vô cùng lớn cho sự thiếu hụt này. Vì thế, Bộ Giáo dục đã quyết tâm phát triển năng lực của từng em, trong đó ngoài kiến thức trong trường, các em còn cần được trau dồi tư cách đạo đức, đào tạo kĩ năng sống. Vì thế, nếu học sinh tiểu học lười học kiến thức đi một chút cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Các em có thêm cơ hội tập trung sự chú ý vào việc phát triển những thứ khác là hợp lý.

Dĩ nhiên, Thông tư còn có nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp. Điều này cũng rất dễ hiểu vì lần đầu đổi mới, chắc chắn chúng ta còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện. Hơn nữa, quan niệm của phụ huynh chưa thích ứng với một nền giáo dục không thành tích. Điều chưa được trong Thông tư chính là chưa có những giải thích phù hợp cho phụ huynh để họ hiểu và đồng hành cùng các nhà giáo dục trong việc dạy dỗ trẻ.

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lưu ý rằng, quan điểm, nhận thức của các tác giả không nhất thiết trùng với quan điểm của Tòa soạn. Riêng với Thông tư 30, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng chủ trương này. Tuy nhiên, Tòa soạn mở diễn đàn để các thầy cô giáo, các chuyên gia, các bậc phụ huynh góp ý nhằm chỉ ra và khắc phục những bất cập khi thực hiện chủ trương này, ngõ hầu giúp cho chủ trương đúng đi vào cuộc sống.

Về vấn đề giáo viên bị quá tải, ta có thể nhìn nhận thẳng thắn như sau: Thông tư 30 là một thông tư mở, trong đó mọi quyền quyết định đều do chính thầy cô giáo thực hiện. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam bao nhiêu năm nay đã đóng hoàn toàn trong những cái khung cứng nhắc. Mọi thứ đều được định lượng hóa hết. Từ đánh giá học sinh, giáo viên, ra đầu bài, v…v.. Giáo viên họ không quen khi đột ngột họ được thả và được tự do làm mọi việc. Vì thế, ngay lập tức, giáo viên và các sở ban trong ngành giáo dục tìm cách đóng được bao nhiêu chi tiết thì đóng. Họ cảm thấy thế quen thuộc hơn. Tuy nhiên, chính cách làm đó đã khiến cho giáo viên bị quá tải.

Ví dụ: Thông tư đã ghi rõ, quyển sổ nhận xét chính là sổ nhật kí của giáo viên. Giáo viên có quyền ghi hoặc không ghi. Giáo viên làm chủ hoàn toàn cuốn sổ đó. Tuyệt đối không có ai có quyền can thiệp vào. Tuy nhiên, khi về đến phòng sở, cuốn sổ đó lại được mặc định là hiệu trưởng sẽ phải kiểm tra và kí nhận vào đó. Như vậy, giáo viên phải cắm cúi ghi chép cho hết mặc dù có khi có nhiều em học sinh chẳng có đặc biệt gì để ghi. Đây chính là lý do làm cho công việc của giáo viên bị nhiều hẳn lên sau khi Thông tư 30 được ban hành.

Điều đáng tiếc nhất ở đây là việc tập huấn Thông tư diễn ra quá vội vàng. Giáo viên, hiệu trưởng hiệu phó, các cấp lãnh đạo và chuyên viên phòng sở đều chưa hiểu gì về Thông tư thì ngay sau đó cỡ 2 tuần, Thông tư đã được áp dụng. Đây chính là lý do để mọi thứ rối tung lên. Bóc tách từng vấn đề để giải quyết chắc chắn sẽ thành công thôi.































































TS Vũ Thu Hương