"Thủ đoạn" của một phụ huynh 2 lần chạy trường cho con

13/04/2016 07:28
Thùy Linh
(GDVN) - Để con được vào học trường điểm, trường phố, phụ huynh đã phải dùng đến nhiều “thủ đoạn” từ nhờ người quen đến giá cả cho việc “chạy” trường.

Đến tháng 8, học sinh mới nhập học nhưng thời điểm này phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp đã bắt đầu tính đến việc “chạy” trường, “chạy lớp” cho con. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh giấu tên (quê ở An Giang) tâm sự về lý do 2 lần “chạy” trường cho con. 

Hai vợ chồng đều là công chức Nhà nước, không có nhiều thời gian trong những ngày đi làm nên khi con vào độ tuổi đi học Mầm non thì vợ chồng anh chị đã phải “chạy” để con được học ở trường thành phố. 

Dù biết học ở thành phố tốn kém, mất thời gian đưa đón con nhưng học ở trường làng thì cô giáo Mầm non chỉ trông trẻ trong khoảng thời gian nhất định: Sáng: từ 7 giờ đến 10 giờ 30 phút, Chiều: từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30, còn buổi trưa, bậc phụ huynh phải đón con về nhà. 

Do không thể thu xếp thời gian đưa, đón con theo khung thời gian như vậy nên anh chị buộc  phải “chạy” cho con học ở trường thành phố để có thể gửi con cả ngày ở trường, chỉ như vậy bố mẹ mới đáp ứng công việc. 

Để con được vào học trường điểm, trường phố, phụ huynh đã phải dùng đến nhiều “thủ đoạn” (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Để con được vào học trường điểm, trường phố, phụ huynh đã phải dùng đến nhiều “thủ đoạn” (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Nói về những khó khăn khi “chạy” trường cho con, vị phụ huynh tâm sự:

Theo quy định, hộ khẩu ở đâu thì phải học ở trường nơi đó nhưng vì muốn con học trái tuyến nên gia đình tôi phải nhờ người quen xin xỏ cùng với quà cáp. Năm 2014, khi con vào lớp 1, gia đình tôi cũng phải “chạy” trường cho con nhưng phải qua người trung gian nên mức giá là 10 triệu đồng”. 

““Chạy” trường cho con học ở thành phố phần vì trường làng không có bán trú, phần vì “trường phố” có thương hiệu tốt, các phong trào thi đua mạnh nên dù chi phí học tập có đắt thì chúng tôi cũng vui vẻ
”. 

Là một công chức, phụ huynh này nhận định: “Dù giáo viên được đào tạo như nhau nhưng trường ở thành phố thường sẽ quy tụ những học sinh được cha mẹ quan tâm nhiều tới vấn đề học hành ngay từ nhỏ nên chất lượng đầu vào sẽ tốt hơn trường làng. 

Bởi ở trường làng sẽ có gia đình quan tâm việc học của con, có gia đình không nên trong thời lượng 35 phút/tiết thì thầy cô chỉ truyền tải được lượng kiến thức trong sách giáo khoa, ít có thời gian quan tâm tới từng học sinh và chắc chắn trẻ ít được tiếp xúc với kiến thức nâng cao…

Khi con được học trong môi trường có nhiều bạn bè học tập tốt thì tôi nghĩ con sẽ cố gắng để học tập và có cơ hội phát triển tốt”


Ngoài ra, vị phụ huynh nói thêm lý do “chạy” trường cho con rằng: “Trường điểm, trường chuẩn, trường phố nên cơ sở vật chất được đầu tư tốt hơn, trẻ được tiếp xúc với các thiết bị học tập hiện đại như máy chiếu, phòng học Tin học,… cộng thêm thời gian đầu tư cho việc học nhiều nên chất lượng học sinh sẽ được nâng cao. 

Nếu trường ở làng thì trường chỉ chăm chăm làm tốt công tác giáo dục còn các phong trào thi đua về văn hóa như múa, hát, vẽ…thì chưa được chú trọng nhiều trong khi trường điểm làm rất tốt việc này. 

Làm cha làm mẹ thì chúng tôi muốn con được học trong môi trường tốt ngoài kiến thức văn hóa thì những hoạt động thi đua sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng sống tốt".

Nhiều tâm sự của vị phụ huynh này đến  nay có thể không còn thời sự hay phù hợp nữa bởi chuyện "chạy trường" giờ cũng khác lắm.

Thùy Linh