Thư gửi con gái chuẩn bị bước vào đại học

01/05/2017 06:42
Jenna An
(GDVN) - Đại học có giúp con có những tri thức và kỹ năng mà ai đó trong xã hội cần đến, để "bán sức lao động"? Hay nó sẽ đè nặng lên tương lai con với số nợ tiền học?

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được lá thư của một người mẹ gửi con gái chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3 và đứng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời là cánh cửa đại học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Con gái, chỉ còn 7 tuần nữa, con sẽ tốt nghiệp cấp 3 và bước vào một ngưỡng cửa mới, đại học.

Đây là một mốc quan trọng của cuộc đời, vì con, lần đầu, phải đứng giữa ngã tư, ngã năm hay thậm chí ngã sáu của cuộc đời: lựa chọn ngành học, trường học, nơi học và định hướng nghề nghiệp sau này.

Để có thể đưa ra được định hướng cuộc đời ở những ngã rẽ nhiều ngả như thế này, không dễ chúng ta có được lựa chọn đúng, vì thiếu thông tin, vì mong muốn cá nhân lớn hơn tính toán của thực tế (mà nhiều người hay nói là hãy lắng nghe trái tim, nhưng thực tế thì trái tim mà không có gì ăn, cũng khó mà đập mạnh được!), và có thể, rất nhiều người lựa chọn sai vì thiếu tiền. 

Ai cũng rất ngại nói chuyện với người khác về tiền, nhưng chính tiền lại là điều cản trở lớn cho rất nhiều trí tuệ sáng tạo, những ước mơ lớn và cả nhân cách nữa. 

Thư gửi con gái. (Ảnh minh họa trên infonet.vn)
Thư gửi con gái. (Ảnh minh họa trên infonet.vn)

Mẹ muốn con hãy hiểu rõ vai trò quan trọng của đồng tiền, để nỗ lực tìm kiếm sự tự do về tài chính cá nhân, trong đó tiền đóng vai trò khá quan trọng! 

Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng lại giúp chúng ta giải quyết các vấn đề cơ bản của một đời sống thanh bình và an lạc. Không ai hạnh phúc khi không có tiền, và nếu có ai nói vậy, chắc chắn là họ nói không thật lòng.

Người Đức có câu: “Bạn chỉ có thể tốt với người khác, khi bản thân bạn phải ổn”. Vậy, hãy làm sao để con phải ổn, cả về sức khỏe, trí tuệ và tài chính, cùng với cuộc sống gia đình và bạn bè hài hòa. 

Cụ ngoại, bà ngoại và mẹ đều đã sống qua nhiều năm tháng, ở nhiều giai đoạn khác nhau và mô hình xã hội khác nhau, đều có cùng một nhận định:

Phải sống giản dị, phải làm việc hết mình, nhưng luôn nhớ là chúng ta chỉ thực sự tự do khi có tự do về tài chính và giàu tri thức, để tự lo cho bản thân”.  

Con hãy ghi nhớ điều quan trọng này.

Con có thể hỏi mẹ, tại sao mẹ muốn con ghi nhận sự quan trọng của tài chính và tri thức, trí tuệ trước khi con bước vào đời đại học? 

Bởi đây là thời điểm mẹ muốn con bắt đầu cuộc đời với những nhận thức mới: con bắt đầu đi vào cuộc đời thật, nơi không có sự công bằng, không có sự ưu ái cho những người như chúng ta, nơi con vừa phải nỗ lực phấn đấu bằng trí tuệ của bản thân vừa phải khôn khéo để “học bài” từ cuộc sống với giá phải trả chấp nhận được…

Thư gửi con gái chuẩn bị bước vào đại học ảnh 2

Lá thư của ông bố thay mặt ông già Noel gửi con gái lay động lòng người

Mẹ đã học nhiều, nhưng do rất ương bướng nên thường phải trả giá đắt và luôn là học sinh kém, nếu không nói đến là một học sinh thất bại, vì luôn ngược với thời cuộc!

Mẹ hy vọng con học được từ thất bại của mẹ và sẽ không lặp lại những lỗi mà mẹ đã gặp.

Con bắt đầu cuộc đời tự lập vào đại học với sự lựa chọn ngành và trường… Nhưng mẹ chưa thấy con tra cứu những thông tin sau:

1. Những người học ở ngành con sau này ra đời làm được cái gì? Có tỷ lệ kiếm việc làm ra sao? Lương như thế nào? Ở những mảng nào? Và những điều này có đủ hấp dẫn con dành 4 năm đại học để theo đuổi hết mình hay không?

2. Ngoài những giá trị vật chất mà chúng ta phải tính như một bài toán về đầu tư học tập (giá của 4 năm đại học, mẹ và con đã ước lượng rồi), con đã làm bài tính, so sánh và đánh giá về những cơ hội khác, có thể thay thế hoặc có giá trị tối ưu, cho 1 bằng đại học hay chưa?

Lấy ví dụ, con học đại học chuyên ngành X. Có thể thay thế chuyên ngành X bằng những chứng chỉ nào khác không? Có thể dùng tiền học đại học để bổ sung tri thức bằng mô hình vừa học – vừa làm hay không?

Có thể đi làm, dù là với bằng diplome IB cấp 3 của con (rất có giá đấy con!), để có kinh nghiệm làm việc và dùng tiền làm việc để học online cho một vài khóa học thiết thực cho công việc mà con thấy thực sự thích học sau này không? 

Lý do tại sao mẹ muốn con tìm hiểu kỹ, và đánh giá lại những cơ hội thay thế việc học đại học, bởi mẹ mong con hiểu rõ mấy sự thật sau đây của cuộc sống hiện nay:

Thư gửi con gái chuẩn bị bước vào đại học ảnh 3

Người cha thất nghiệp và bức thư gửi con gái sắp thi lớp 10

• Đại học là một cỗ máy kiếm tiền toàn cầu mà nếu vì bất kỳ lý do gì, nó không còn duy trì được số lượng học sinh đầu vào, nó sẽ có vấn đề lớn. 

Chính vì vậy, không chỉ ở cấp đại học, ở các cấp học khác, chất lượng giáo dục không có ý nghĩa nhiều lắm khi ra đời, trừ một số ít các đại học lớn có những giáo sư đủ khả năng giúp cho học sinh bước vào đời một cách nghiêm túc, như những nơi con đã lựa chọn.

• Cuộc sống bây giờ đã được ghi nhận chính thức là “thời đại của đổ vỡ”! Đổ vỡ vì phát triển nhanh quá, con người và xã hội không đi theo kịp.

Đổ vỡ vì sự cách biệt quá lớn giữa các giai tầng trong xã hội, khi 8 người giàu đã làm chủ hơn nửa tài sản của toàn nhân loại, đổ vỡ là vì khi những giá trị nhân bản và tri thức, gọi chung là giá trị một xã hội dân chủ và vì con người đã bị biến dạng và méo mó dưới những tác động về lợi ích của các ông trùm, các tập đoàn kinh tế toàn cầu và đều dưới những khẩu hiệu rất kêu của các chính phủ hay các tổ chức.

Vậy, con hãy thử nghĩ xem, tại sao con cần dành 4 năm tuổi trẻ cho đại học? Chỉ để có bằng đại học hay để đạt được mục tiêu gì? Mục tiêu đấy có giúp con trở thành một người con muốn?

Đại học có giúp con có những tri thức và kỹ năng mà có ai đó trong xã hội cần đến, để con có thể “bán sức lao động” được? 

Hay nó sẽ đè nặng lên tương lai con với số nợ tiền học, và cả một tương lai, mà ai đó đã dọa “bị robot thay thế”? 

Điều này cần con tỉnh táo và thực tế, vì như cụ ngoại có dạy mẹ từ rất lâu rồi:

Cuộc sống như một trò chơi, người ta luôn bày ra hết trò xanh, trò đỏ, trò vàng, gọi nó dưới nhiều tên gọi, như một cửa hàng, mà nếu mình không rõ mình có thực sự cần không, mình luôn phải lao vào đấy, mua mua bán bán những gì chả có mấy giá trị. 

Phải xác định rõ được mình đang trả tiền để có được giá trị gì, và giá trị ấy giúp mình được những gì, không phải cho 3 năm hay 5 năm, mà là cả cuộc đời mình
”.  

Con nhớ nhé, đấy là cụ mình, từ những năm 1980 đã khuyên mẹ như vậy rồi, chứ không phải như cuộc sống bây giờ, vòng quay cuộc sống nhanh hơn rất nhiều và đồ hàng họ bày ra cho mẹ con mình còn nhiều hơn mình có thể nghĩ.  
Nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng lựa chọn những gì có giá trị (kiến thức, kỹ năng và tâm thế) lâu dài với cuộc đời mình, kiên định học hỏi, thực hành và ứng dụng vào hàng ngày của cuộc sống. 

Thư gửi con gái chuẩn bị bước vào đại học ảnh 4

Gen học làm người tử tế

Còn lại, tất cả những thứ khác, cũng chỉ là xanh đỏ tím vàng, làm màu và cũng phôi pha đi rất nhanh!

3. Khi con nhìn mẹ và nói, “Tóc mẹ bạc nhiều quá”, mẹ đã trả lời con: “Màu của thời gian thôi, con gái!” 

Màu của thời gian, là những dấu ấn ghi lại trong cuộc đời mình, làm cho mình thấy tự hào, thấy hổ thẹn, thấy tội lỗi hay thấy xứng đáng… tất cả đều chỉ chuyển từ màu tóc đen sang màu tóc bạc.

Nhưng với mỗi cuộc đời, nó lại là những phấn đấu không mệt mỏi và hầu hết, đều phải trả lời câu hỏi: “Việc này có nên làm hay không? Nếu làm, làm như thế nào?”. 

Trong khi mẹ mong con phải nỗ lực học tập để có tri thức, luyện tập thể thao để có sức khỏe, tự lập làm việc để có tự do về tài chính, điều khó nhất, vất vả nhất với mỗi con người lại là con lựa chọn con đường nào để đi trong cuộc đời này. 

Lấy ví dụ đơn giản từ cuộc đời sinh viên. Cùng là học tập, có người sẵn sàng trộm cắp tri thức của người khác để có điểm tốt, có người phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để tự học. 

Để có được việc làm, có người phải lê người đi vòng quanh thành phố nhiều lần, mà vẫn không có việc, nhưng có người sẽ có lời mời làm việc ngay khi họ chưa nghĩ đến họ phải đi làm.  

Con đừng nghĩ đại học hay bất kỳ đâu là một môi trường lý tưởng để mà thất vọng…

Đại học, giống như bất kỳ môi trường xã hội thu nhỏ, đều có vô vàn hỉ nộ ái ố, mà hầu hết đều sống theo cảm xúc cá nhân, bất kể nó được che đậy dưới hình thức gì.  

Thế nên, quan hệ giao tiếp giữa các cá nhân quan trọng hơn bất kể điều gì. Nếu người ta thương con, người ta mới giúp con. 

Vậy, hãy luôn nhớ đến việc sống tử tế, tận tâm với tất cả mọi người, không phải để mưu cầu điều gì, mà chỉ mong là người ta thương con được phần nào, con hay được phần đó.

Còn với những người bắt nạt, chèn ép và chỉ mong vùi dập con, con chỉ có một vài lựa chọn, vì dù con cố gắng không gặp họ ở bối cảnh này, con lại gặp ở khung cảnh khác.  

Con hãy nhớ câu Mick, bạn mẹ đã nói đùa “Same shits, different sizes” (tạm dịch, ở đâu cũng vậy thôi).

Thư gửi con gái chuẩn bị bước vào đại học ảnh 5

Cha dạy con kỹ năng nhìn nhận cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, thành công

Lúc mẹ còn trẻ, mẹ luôn sống với những ước mơ và luôn tin vào điều đúng đắn sẽ chiến thắng. Thực tế không phải vậy.  

Trong nhiều hoàn cảnh, điều đúng đắn, điều có đạo đức sẽ bị vùi dập không thương tiếc. Khó khăn là làm sao chúng ta vẫn phải giữ được điều đúng đắn mà mình tin tưởng, bất chấp nó không được công nhận hay đề cao.

Con hãy luôn cẩn trọng với những mỹ từ, dù từ bất kỳ ai. Việc sống tử tế với mọi người là bổn phận của chúng ta, nhưng việc chúng ta bị những thứ từ ngữ trên mây đó lợi dụng, đấy là lỗi của chúng ta.

Hãy suy nghĩ như một người bắt đầu rời vạch xuất phát, lựa chọn con đường phù hợp và sống một cuộc đời không phải hổ thẹn. 

Hãy tận hưởng tuổi trẻ, tình yêu và sức mạnh của tử tế, của yêu thương, và cả những mặt trái mà chúng ta đều phải cố gắng vượt lên mỗi ngày.

Và dù có chuyện gì xảy ra, dù con có lựa chọn thế nào, con luôn được bố mẹ yêu thương, và chúng ta vẫn luôn là một gia đình. Con có thể tin vào bố mẹ, điều duy nhất là mãi mãi trong cuộc đời này.

Yêu con.

Mẹ

Jenna An