Thủ khoa Trường Lục quân 1 sẽ rời Thủ đô, dạy chữ cho trẻ em nghèo

27/08/2012 12:03
Xuân Trung
(GDVN) - "Em không có ước mơ gì xa nhưng ít nhất là em có thể vận động các sĩ quan trong đơn vị mở các trường học dạy thêm cho trẻ em ham học ở vùng khó khăn. Em sẽ là cầu nối giữa chính quyền địa phương và người dân để hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con cùng nhau phát triển kinh tế"- Trần Minh Cường, thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân 1 chia sẻ.
Trần Minh Cường quê ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ sớm nắng chiều mưa với thửa ruộng cằn nuôi 4 anh em ăn học thành người (ba người anh của Cường cũng đang phục vụ trong quân đội). Sinh ra tại vùng quê nghèo khó như thế nên hơn ai hết Cường hiểu được những gì mà người dân vùng sâu, vùng xa đang cần. Điều đó cũng là động lực để em thi vào trường quân đội. 
Trong chương trình tuyên dương thủ khoa được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, sau khi TS Đoàn Hương "thử" tinh thần cống hiến, lý tưởng tuổi trẻ bằng câu hỏi có ai dám hy sinh 3 năm để về các vùng sâu, vùng xa dạy chữ, duy chỉ có Cường dứt khoát bày tỏ quyết tâm được cống hiến. Em cho biết, nguyện vọng này không chỉ khi đã là thủ khoa em mới nghĩ tới, mà trước đó trong môi trường học viện em đã sẵn sàng. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhanh với thủ khoa Trường sĩ quan Lục quân 1.
Thủ khoa Trần Minh Cường mong muốn được về vùng sâu, vùng xa dạy chữ cho trẻ em nghèo ham học. Ảnh Xuân Trung
Thủ khoa Trần Minh Cường mong muốn được về vùng sâu, vùng xa dạy chữ cho trẻ em nghèo ham học. Ảnh Xuân Trung
PV: Chào Cường, cảm giác của em bây  giờ như thế nào khi biết mình đỗ thủ khoa và được ghi danh sổ vàng tại Văn Miếu?

Trần Minh Cường: Đối với em thủ khoa là niềm vui, niềm vinh dự và tự hào cho bản thân. Tuy nhiên, thủ khoa cũng chỉ là một danh hiệu, điều quan trọng khi mình ra trường mình thực hiện những ước mơ, những hoài bão của mình như thế nào. Tuy nhiên, khi có được danh hiệu thủ khoa em càng thêm động lực cho những việc làm cụ thể của em cho xã hội, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Khi xem những chương trình thời sự nói về cuộc sống nghèo khó của trẻ em ở những vùng khó khăn như vậy, em lại càng quyết tâm được về đó để cống hiến sức trẻ của mình. 

Em suy nghĩ như thế nào về việc tuyên dương các thủ khoa các trường đại học, học viện?

Thực sự đây là một chương trình đầy ý nghĩa, tuy nhiên em có một chia sẻ là thay vì tuyên dương hãy để chúng em tham gia những hoạt động xã hội như tham gia đóng góp các quỹ, quyên góp sách vở để mang lên cho học sinh nghèo vùng cao. Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa. Thủ khoa như chúng em cần phải có những lý tưởng, những cống hiến cho đất nước. 
"Các bạn có thể giỏi về chuyên môn, kinh tế, kỹ thuật nhưng việc nhận thức về lý tưởng cách mạng chưa chắc các bạn đã đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi người đều có một mục tiêu riêng, có người muốn ở lại Hà Nội làm cho các công ty tư nhân nước ngoài, các bạn vẫn có thể phát triển kinh tế tại nơi đó. Em khẳng định lại nếu được chọn em vẫn chọn vùng sâu, vùng xa để nhận nhiệm vụ".

Trần Minh Cường
Khi TS Đoàn Hương có hỏi các thủ khoa về sự hy sinh để cống hiến cho đất nước, cụ thể là dấn thân ở vùng sâu, vùng xa để dạy chữ cho các em nhỏ khó khăn, vì sao Cường dứt khoát như vậy?
Đối với bản thân em xuất phát từ một vùng quê khó khăn, khi nghe TS Đoàn Hương nói về lý tưởng của tuổi trẻ, em rất tâm huyết với câu nói của cô. Hiện nay đồng tiền và những mặt trái của nền kinh tế tác động vào tuổi trẻ rất nhiều. Tuy nhiên, em dám khẳng định trong 107 thủ khoa rất ít người dám hy sinh để bỏ "mảnh đất màu mỡ" Hà Nội để về các vùng cao, vùng khó khăn.

Và khi về các vùng khó khăn thì các bạn cũng đặt câu hỏi về đó có làm được hay không? Tâm lý các bạn đã đỗ thủ khoa ai cũng muốn ở lại Thủ đô. Với các trường kinh tế về các vùng sâu, vùng xa sẽ cần phải đặt câu hỏi, nhưng đối với các trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Nông nghiệp hay như các trường quân đội như chúng em sẽ có những đặc thù riêng, rất thích hợp để về những vùng sâu, vùng xa công tác.

Khi đỗ thủ khoa nhà trường có ý muốn giữ em lại nhưng em vẫn muốn về Bộ Tư lệnh Biên phòng và các vùng biên giới, ý định của em là sẽ làm gì đó để phát triển kinh tế cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là dân trí ở đó, đấy là tâm huyết của em. 
Danh hiệu thủ khoa là một động lực cơ bản để Cường dám dấn thân đến vùng sâu, vùng xa. Nếu Cường không có được danh hiệu này thì sao?

Không phải khi là thủ khoa em mới quyết định đi tới các vùng sâu, vùng xa mà khi đang là học viên khoác trên mình màu áo xanh bộ đội em đã xác định nếu sau này giúp được gì cho người dân ở vùng sâu, vùng xa thì em sẵn sàng, đây là lý tưởng, là hoài bão của em từ lâu rồi chứ không phải khi đạt thủ khoa em mới nghĩ tới. 

Em cũng chia sẻ với các bạn thủ khoa khác rằng, nếu hằng năm thành đoàn không tổ chức thì tổ thủ khoa sẽ tự tổ chức các chương trình, các hoạt động hướng về vùng sâu, vùng xa. Thay vì đi chơi, đi ăn, đi hát., mình dành chút thời gian và công sức cho những vùng còn khó khăn sẽ trở nên thực tế hơn và những nơi đó đang cần mình. 
Nếu được nói chuyện với các bác là Lãnh đạo Đảng và Nhà nước em có muốn chia sẻ gì về hoài bão của mình?
Hiện tại em thấy trong xã hội nhiều vấn đề còn lãng phí, các chính sách của Đảng chưa đi vào cuộc sống nhân dân, vùng sâu, vùng xa. Em sẽ chia sẻ những boăn khoăn này với các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vì em thấy cần cụ thể hóa những việc làm ở các đơn vị cơ sở. Em xuất phát từ nông dân em biết, nhiều người biết chính sách chưa được thực hiện ở cơ sở nhưng họ không dám tự đứng lên. Em nghĩ những chính sách, chủ trương phải đi sâu, đi sát vào các cơ sở không nên dừng lại ở các đường lối, chủ trương. 

Với thực trạng của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến giới trẻ, là thanh niên hiện nay đặc biệt với lý tưởng cách mạng cần phải trau dồi thêm rất nhiều, điều này thanh niên còn yếu, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương gì về vấn đề này? Đó là hai câu hỏi và chia sẻ của em đến các bác Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 
Em nói em mong muốn thực hiện được hoài bão của mình là đi tới các vùng sâu, vùng xa để giúp người dân ở đó. Vậy cho em 10 năm để hy sinh em có dám thực hiện tiếp hoài bão của mình không?

Nếu là 10 năm để thực hiện thì em cần có những người tâm huyết cùng tham gia với em, lúc đó em sẽ có đủ sức để làm. Nếu đơn phương độc mã như vậy sẽ có những lúc em cảm thấy hụt hơi, sắp tới khi về Bộ tư lệnh Biên phòng em sẽ sẵn sàng nhận theo điều động của Bộ tư lệnh đi bất cứ nơi đâu. 
Em đã chuẩn bị các mục tiêu cụ thể như thế nào để giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa?

Em có mục tiêu, nếu sau này về các đồn biên phòng, các vùng biên giới em phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, bằng những hành động cụ thể để giúp bà con phát triển dân trí. Em không có ước  mơ gì xa nhưng ít nhất là em có thể vận động các sĩ quan trong đơn vị mở các trường học dạy thêm cho trẻ em ham học ở vùng khó khăn. Em sẽ là cầu nối giữa chính quyền địa phương và người dân để hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con cùng nhau phát triển kinh tế. 

Em sẽ tìm hiểu các mô hình kinh tế phù hợp để đề xuất phát triển kinh tế tại vùng đó giúp bà con làm ăn. Đó là những dự định ban đầu của em.

Cảm ơn em, chúc hoài bão của em trở thành hiệc thực. 
Xuân Trung