Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Mục đích thi không phải để đánh trượt thí sinh”

05/06/2012 06:18
Xuân Trung
(GDVN) - Trả lời báo chí tại cuộc họp tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau năm 2015 sẽ bàn về đổi mới thi tốt nghiệp.
Thí sinh được phúc khảo bài thi trong 7 ngày
Trong buổi họp báo tổng kết kỳ thi tốt nghiệp năm nay, ông Trần Văn Kiên- Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước quy chế năm nay của Bộ sẽ không giới hạn quyền phúc khảo bài thi đối với thí sinh, sau khi niêm yết danh sách kết thi trong thời gian 7 ngày thí sinh được quyền phúc khảo bài thi  theo quy chế. Trong thời gian 10 ngày phải chấm xong bài thi phúc khảo.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp 2012. Ảnh Xuân Trung
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp 2012. Ảnh Xuân Trung

Rút kinh nghiệm từ những năm trước khi một số Sở GD&ĐT các tỉnh trước khi công bố điểm tới thí sinh đã không báo cáo Bộ, năm nay Bộ đã siết chặt vấn đề này: “Năm nay duyệt kết quả tốt nghiệp là Sở Giáo dục, thông báo kết quả tốt nghiệp vẫn là Sở,nhưng trước khi thông báo thì Sở phải báo cáo với Bộ, vì rút kinh nghiệm từ những năm trước các đơn vị chấm thi xong và chưa báo cáo Bộ cứ lần lượt đưa lên mạng, năm nay Bộ làm vậy  để tránh có sai sót” ông Kiên cho biết.

Thanh tra bộ: Phao thi được hạn chế rất nhiều?
Nhận định của Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng trước thông tin trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn còn rất nhiều địa điểm “trắng phao” sau mỗi môn thi, ông Bằng cho rằng ở khía cạnh nào đó trước tình hình trên là chưa chính xác. Tuy nhiên, nghiêm túc nhận định, Chánh thanh tra bộ GD&ĐT thừa nhận: “Nghiêm túc để nói rằng cũng có nơi nọ, nơi kia chưa chặt chẽ. Chúng ta đang cố gắng để có được một kỳ thi nghiêm túc nhưng cũng chưa thể 100%. Tinh thần nếu phát hiện ra đều xử lí rất nghiêm” ông Bằng  nhấn mạnh.

Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, tất cả các hiện tượng có dấu hiệu vi phạm quy chế cần phải có chứng cứ ban đầu, ông Bằng thông tin chung chung rằng sẽ kết hợp với cơ quan chức năng để xử lí và gửi tới báo chí.

“Những nhận định trong báo cáo ở khía cạnh nào đó là chính xác, tuy nhiên quan điểm của tôi là Chánh thanh tra, năm nay phao thi được hạn chế rất nhiều so với năm trước, có thể vẫn còn không ít nhưng mức độ theo quan điểm của tôi phao đã được hạn chế nhiều” ông Bằng cho biết.
Nhiều phao, nhiều tài liệu chưa hẳn là điểm thi đó yếu

Năm nay là năm đầu tiên các địa phương được Bộ GD&ĐT giao quyền chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều người lo ngại sẽ có tình trạng tiêu cực trong thi cử sẽ gia tăng. Giải thích vấn đề này Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, xuất phát từ những năm qua kết quả giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ, cả giáo viên và học sinh trong quá trình thi tốt nghiệp đảm bảo được tính nghiêm túc. Do vậy Bộ chủ trương giao quyền tự chủ cho các địa phương.

Theo ông Hiển, thực tế cho thấy có nhiều địa phương có những sáng kiến để thực hiện chủ trương của Bộ, của quy chế thi. Tuy nhiên, những sai sót, vi phạm trong kỳ thi vẫn chưa hết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau 2015 sẽ thay đổi hình thức thi. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau 2015 sẽ thay đổi hình thức thi. Ảnh Xuân Trung

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tiếp tục là một năm với hiện phao thi vứt quanh khu vực thi nhiều, giải thích về “thói hư” này, Thứ trưởng Hiển cho biết, học sinh đi thi ai cũng lo lắng về kết quả thi, thi xong thì cầm tài liệu ra đối chiếu với bài thi xem làm được đến đâu. “Không phải cứ nói tất cả giấy tờ, tài liệu vứt ra khu vực thi đều là phao thi được. Chỗ nào có nhiều tài liệu chưa phải là biểu hiện của việc thi yếu, tất nhiên qua những việc trên nhà trường cần phải rút kinh nghiệm, giáo dục học sinh tốt hơn, mang tài liệu đến học trước khi thi phải để ở bên ngoài”, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.

Qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua nhiều người cho rằng, đây là một kỳ thi được cho là tốn kém vật chất, tốn kém công sức và không mang lại kết quả chất lượng giáo dục nhiều, khi  mà nhiều chuyên gia nhận định việc có hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ) sát nhau là không nên và là thừa.

Các ý kiến cho rằng nên gộp hai kỳ thi làm một hoặc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vấn đề này không phải bây giờ mới đề cập tới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc đổi mới các kỳ thi ít ra cũng phải qua năm 2015 khi thực hiện đổi mới chương trình SGK.

“Hiện nay, Bộ đang trong quá trình đổi mới giáo dục đào tạo nói chung, ngày càng có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá được áp dụng trong nhà trường. Tôi nói rằng không có nước nào không thi, chỉ có điều làm sao cho kỳ thi tốt hơn, hiệu quả hơn. Có ý kiến cho rằng cứ thi xong tốt nghiệp là biết trước được kết quả thi, nào là 100%, 98% hay 94% , nhiều người cho rằng như thế không nên thi nữa, tôi xin nói lại mục đích thi không phải là để đánh trượt thí sinh. Đánh giá hiệu quả của một kỳ thi bằng đánh 30 thí sinh trượt là không phải, mà đánh giá ở chỗ có sát với chất lượng học tập của thí sinh hay không, hay từ kỳ thi này có tác động ngược trở lại xem rằng giúp cho việc học và thi của năm nay có đổi mới hay không, nâng cao chất lượng qua từng năm hay không?”, Thứ trưởng Hiển cho biết. 


Xuân Trung