Thứ trưởng Bộ Giáo dục đóng vai phụ huynh khuyên con ôn thi quốc gia

18/03/2015 17:31
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Chiều nay (18/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo về những băn khoăn còn lại trong Kỳ thi

Cuộc trao đổi thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ và đã nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh trong cả nước.

Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã giải đáp hàng loạt câu hỏi, và đặc biệt ông đã đóng vai phụ huynh để khuyên con mình nên ôn luyện như thế nào cho hiệu quả nhất, để có kiến thức tốt nhất cho Kỳ thi sắp tới.

PV: Mới đây trong cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo quá trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết những khó khăn và có phương án xử lí, không để bị động, không chủ quan với mục tiêu đảm bảo kỳ thi được diễn ra tốt nhất. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị những gì?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD&ĐT trước hết dự kiến phương án tổ chức thi, sau đó xin ý kiến của các thầy cô, các nhà trường, phụ huynh học sinh để rồi tổng hợp lại, từ Quy chế thi cũng được mọi người góp ý. Chính những quá trình góp ý từ các nơi đã cung cấp thêm thông tin để Bộ hiểu thêm được những khó khăn có thể xảy ra ở các địa phương để quan hành Quy chế tốt nhất.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục đóng vai phụ huynh khuyên con ôn thi quốc gia ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Xuân Trung

Sau khi Quy chết ban hành Bộ cũng tiếp tục chuẩn bị quy chế hướng dẫn thực hiện nghiệp nghiệp đối với Quy chế thi (với những người làm thi, các thầy cô và nhà trường).

Một trong những vấn đề người dân quan tâm là việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh và trong tỉnh đã được các địa phương và các trường đại học triển khai như thế nào? Có những khó khăn gì không, nhất là đảm bảo an toàn giao thông cho thí sinh đi lại?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đã xin ý kiến và quyết định có hai loại cụm thi, cụm thi liên tỉnh đảm bảo cho các em vào đại học, dư luận chung là tin cậy. Học sinh mà không có nhu cầu hay chưa có nhu cầu trực tiếp dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào đại học thì có cụm thi tại các địa phương.

Các địa phương sẽ cân nhắc việc này, có nhiều em đăng ký thi hay không với điều kiện địa lí, thời tiết, bộ và địa phương sẽ quyết định cụm thi này đặt ở đâu và quy mô như thế nào cho phù hợp.

Còn việc tổ chức ăn, ở cho học sinh thì hình dung cũng giống như mọi khi các em đi thi đại học, mình lo lắng thế nào thì giờ lo lắng thế.

Theo Quy chế thi thì không có sự phân biệt giữa các cụm thi liên tỉnh và trong tỉnh, nhưng không ít lo ngại các hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dẫn đến tình trạng tháo khoán, tư tưởng thành tích. Bộ GD&ĐT đã tính tới tình huống này chưa, phương án xử lí như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thực tế Bộ đã tính tới phương án này, đã nêu ra kĩ trước khi thực hiện phương án thi. Bộ cũng đã phân tích thử đề thi của mọi năm, phân tích phổ điểm của thi tốt nghiệp, phân tích phổ điểm thi tuyển sinh.

Nói chung các môn phổ điểm của học sinh được phân bố một cách tự nhiên, theo quy luật bình thường, không phải tất cả các em đều có điểm chụm vào giống nhau, nếu điều đó xảy ra thì kỳ thi đó thể hiện nhiều học sinh nhìn bài nhau.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục đóng vai phụ huynh khuyên con ôn thi quốc gia ảnh 2

Bắt buộc thi ngoại ngữ để có năng lực thực chất cho giới trẻ

(GDVN) - Trong Kỳ thi THPT quốc gia, việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc cũng là một trong những yếu tố, những giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ toàn diện

Trong lịch sử có những lúc chúng ta nghĩ thi Tốt nghiệp THPT là không nghiêm, có tình trạng tháo khoán, bệnh thành tích, chuyện này cũng có quá trình của nó. Hiện nay đã khác, thi cử nghiêm túc hơn, ra đề khoa học hơn, coi thi cũng có kinh nghiệm hơn trước, kết quả như vậy thì kỳ thi tốt nghiệp đã đảm bảo được nghiêm túc.

Tuy nhiên, đối với xã hội vẫn tin tưởng ở tính chất khách quan là kỳ tuyển sinh đại học hơn thi tốt nghiệp. Nên Bộ GD&ĐT đã chủ trương các trường đại học cùng làm thi với các trường phổ thông, cụm thi nào cũng có hai thành phần; trường đại học và các thầy cô ở phổ thông.

Hai cụm thi áp dụng một quy trình, đề, thanh tra, kiểm tra chung.

Việc chia các cụm thi như năm nay có khó khăn gì không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc thi liên tỉnh có khó khăn là học sinh phải đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác, điều này cũng không khó khăn hơn khi học sinh phải tập trung thi ở một số cụm thi. Năm nay nhiều cụm thi hơn thì học sinh đi lại gần hơn, nhưng cũng có thí sinh là đi về Thủ đô thì lại tiện hơn sang các tỉnh khác.

Phương án thì không đáp ứng được hết những khó khăn, nhưng tôi nghĩ những điều kiện tốt nhất có thể được thì đã dành cho học sinh.

Chúng ta có 38 cụm thi liên tỉnh và ít nhất là 60 cụm thi trong tỉnh, vậy công tác chấm thi sẽ được Bộ GD&ĐT tổ chức như thế nào? Có lo ngại tới chuyện chấm điểm chênh lệch giữa các cụm thi trong và ngoài tỉnh với nhau hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi tốt nghiệp năm trước đều đã đáp ứng được yêu cầu phân hóa học sinh, hình dung với đề thi tốt nghiệp năm trước chỉ có hơn 2% học sinh đạt được loại giỏi, khá khoảng 20%, còn lại là học sinh trung bình và không đạt yêu cầu. Điều đó cho thấy rằng đề thi năm nay so với năm trước cũng không khác biệt là nhiều.

Do đó, nhà trường và các em học sinh học và dạy theo các dạng đề thi năm trước là hoàn toàn yên tâm.

Với chấm thi, như những năm trước. Bộ có một bộ đề và có hướng dẫn chấm chung cho các nơi, trong quá trình đó từng hội đồng có động tác chấm thử, chấm tập thể, trong quá trình đó cũng có công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát.

Kỳ thi quốc gia đang tới gần, giáo viên các nơi cũng đang lúng túng trong việc ôn luyện cho học sinh khi học không nắm được cấu trúc đề thi và phạm vi ôn tập. Bộ sắp tới có định hướng gì khi không công bố cấu trúc đề thi?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc hướng dẫn ôn tập vẫn ôn tập bình thường, dạy như thế nào cho đạt yêu cầu thì đã có hướng dẫn trong nhiều năm qua.

Mức độ của đề thi năm nay cũng không cao hơn những năm trước bao nhiêu, cơ bản là như năm trước. Lo lắng cho việc thi là chuyện bình thường, nhưng không nên lo lắng quá, tự tin mới thắng lợi được.

Tôi muốn nói vì trước đây một số đơn vị của Bộ GD&ĐT có đưa ra cấu trúc đề thi (thi gì, được bao nhiêu điểm ở những phần nào), thì nay có điểm mới hơn là phải yêu cầu cao thấp ở những phần đó như thế nào, giáo viên cũng đã có hướng dẫn xây dựng ma trận đề thi.

Hiện trên thị trường có nhiều tài liệu tham khảo cho kỳ thi, học sinh có thêm nhiều lựa chọn, nhưng cũng có nhiều lo lắng không biết ôn tập như thế nào? Thứ trưởng có lời khuyên đến học sinh như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi và các đồng chí ở Bộ đã nhiều lần nói học sinh không nên tham khảo quá nhiều tài liệu, vì hiện có nhiều tài liệu có nội dung chất lượng không tốt, nếu phụ thuộc vào tài liệu đó thì sẽ mất thời gian tự học, mất thời gian định hướng hệ thống hóa kiến thức.

Nếu để khuyên con tôi, tôi chỉ khuyên là dùng sách giáo khoa với sự hướng dẫn của các thầy để tự học để có kết quả tối, chứ không phụ thuộc vào sách tham khảo, sách tham khảo cũng chỉ viết đi viết lại, dẫn đi dẫn lại và chỉ biến tấu một ít so với sách giáo khoa.

Học tốt thì thi sẽ tốt, việc này đã chỉ đạo từ nhiều năm và chất lượng giáo dục đã nâng qua từng năm, tự tin thì có thể thi đường và tôi hoàn toàn tin vào kết quả thi tốt.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Xuân Trung (ghi)