Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ 8 trí thức Việt kiều

29/07/2014 21:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Giáo sư Ngô Bảo Châu và 8 trí thức Việt kiều dự định nghiên cứu huy động trí tuệ của trí thức, sinh viên Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.

Chiều 29/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thân mật tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục, gồm 8 trí thức Việt kiều với mục đích nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng, gợi ý, kiến nghị với đất nước trong lĩnh vực giáo dục đại học và nhiều lĩnh vực khác.

Tham dự buổi tiếp có Giáo sư Ngô Bảo Châu - Đại học Chicago, Hoa Kỳ kiêm nhiệm Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; Giáo sư Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Hoa Kỳ; Giáo sư Đỗ Quốc Anh - Đại học Sciences Po Paris, Pháp; Giáo sư Vũ Hà Văn - Đại học Yale, Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đang triển khai mạnh mẽ Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo, tập trung đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học; trước hết là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; giáo dục con người có tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, có khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với các Giáo sư trong nhóm Đối thoại giáo dục.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với các Giáo sư trong nhóm Đối thoại giáo dục.

Nhấn mạnh những thành tựu trong phát triển giáo dục-đào tạo, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ, giáo dục ở bậc đại học và dạy nghề nước ta vẫn còn thấp so với quốc tế, nhất là về thực hành, tư duy thực tiễn. Do vậy, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc đại học, đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Nhóm đối thoại giáo dục ra đời từ gần 1 năm nay với mục tiêu tập hợp những trí thức Việt Nam trưởng thành và thành đạt ở nước ngoài, có trải nghiệm về nền giáo dục Việt Nam, thông qua các hoạt động thiết thực để trao đổi, thảo luận, nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra các ý tưởng, giải pháp mang tính khả thi nhằm đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.

Nhóm cũng dự định nghiên cứu chính sách cả trong và ngoài lĩnh vực giáo dục với tinh thần khoa học, độc lập và thiện chí với mong muốn lớn nhất là gắn kết, huy động và sử dụng trí tuệ của hàng chục ngàn trí thức sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc trên thế giới phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó còn là vấn đề toàn cầu hóa, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của một trật tư thế giới đang thay đổi, của xu hướng hội nhập sâu rộng gắn với sự đề cao lợi ích quốc gia dân tộc; của nền kinh tế thị trường toàn cầu đòi hỏi vừa phải hợp tác vừa phải cạnh tranh khốc liệt; của các các thay đổi mang tính cơ cấu cũng như đòi hỏi về tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền của mỗi quốc gia.

“Thách thức đó cũng là thách thức trên con đường phát triển và hội nhập với thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Thách thức ấy chỉ có người Việt Nam mới tự giải quyết cho mình và chỉ có thể giải quyết nó bằng bản lĩnh trí tuệ, tri thức và phải xuất phát từ nền tảng của một nền giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ ở trình độ cao”,  Thủ tướng chia sẻ.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trẻ tuổi và tài năng đối với đất nước, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu về việc đưa ra ý tưởng nhằm đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục tiếp tục tư vấn, góp ý để cùng các Bộ, ngành của Việt Nam hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục, đồng thời bằng các hình thức hoạt động của mình để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Tại buổi làm việc, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, qua 3 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phát triển rất tốt, đặc biệt là trong nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của các nhà toán học Việt Nam đang làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước. Hiện Viện đã thu hút được khoảng 80 đợt các giáo sư từ nước ngoài về giảng dạy, qua đó đã tạo cho sinh viên, học viên Việt Nam môi trường nghiên cứu, tiếp xúc với các nhà khoa học quốc tế.

Ngọc Quang