Thủ tướng đồng ý rút đề án đổi mới sách giáo khoa

05/05/2014 16:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã đồng ý đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT xin rút đề án ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Chuẩn bị nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chuẩn bị, trình báo cáo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Đối với Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng, triển khai chương trình - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT về việc xin rút đề án ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII để xây dựng đề án cụ thể bao gồm cả nội dung về dự kiến kinh phí và lộ trình thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giao Bộ trưởng Bộ GD & ĐT có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này.

Thủ tướng đồng ý dừng đề án đổi mới chương trình - SGK. Ảnh minh họa, TTO.
Thủ tướng đồng ý dừng đề án đổi mới chương trình - SGK. Ảnh minh họa, TTO.

Trước đó, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 14/4, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT – ông Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày về đề án đổi mới chương trình – SGK sau năm 2015, đồng thời đưa ra khoản kinh phí thực hiện là 34.257 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đề án này đã ngay lập tức bị “mắng té tát”. Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộ nói: “Làm 14 năm rồi mà vẫn cãi nhau mãi về sách giáo khoa. 10 năm nữa mà thay đổi toàn diện thì sẽ như thế nào? Giáo viên thay đổi như thế nào? Không đơn giản đâu. Thứ hai là thời gian học đưa vào an ninh quốc phòng, an toàn giao thông vào, liệu tích hợp có loại trừ nhiều bộ môn đưa vào không? Tôi thấy cần tính toán cân nhắc cho đầy đủ hơn… Tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái gì? Nói nhiều về SGK rồi, giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Khó mới yêu cầu Bộ giáo dục làm, dễ thì không cần”.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội – ông Nguyễn Đức Hiền thì đề cập tới báo cáo tác động của đề án và cho rằng, đề án lớn, nhưng báo cáo tác động chưa rõ, chỉ có 2,5 trang nhưng trong đó đa phần là thuận lợi, mà không nêu khó khăn.

"Vậy chương trình sách giáo khoa phổ thông tác động tới các chương trình khác như: Đại học, dạy nghề, cuộc sống như thế nào? Có quá ít đánh giá phân tích cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực để bảo đảm, ông Hiền đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý cũng đặt vấn đề: "Ai viết báo cáo tác động chỉ có 2,5 trang? Chúng ta cứ đổi mới mãi. Làm gì phải tương xứng vì 2 tỷ USD không phải là nhỏ, chứ không phải lần nào trình ra Quốc hội xin đổi mới rồi cứ loay hoay, mà cần làm đầy đủ hơn".

Phân tích sâu thêm, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội nói: "Nghị quyết đổi mới chương trình, SGK phổ thông căn cứ theo báo cáo giám sát là chưa đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, bởi báo cáo giám sát không phải là căn cứ để đổi mới… Vậy đầu ra của Nghị quyết này là như thế nào? Phải làm sao chỉ rõ được lần đổi mới này khác với những lần trước như thế nào? Tức là phải đạt cao hơn về chất, phải được lượng hóa, chứ không thể định tính”.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng thẳng thắn: "Báo cáo đánh giá tác động quá ngắn, đọc mà tưởng báo cáo tóm tắt!".

Sau khi chỉ ra, chương trình phổ thông là bước đầu trang bị kiến thức, nhân cách để các em bước vào đời, ông Dũng chỉ  ra những "yếu điểm" của đề án, đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phải chính là việc: "Chương trình ảnh hưởng đến nhân cách của nhiều thế hệ học trò ra sao? Tác động đến phát triển kinh tế xã hội thế nào?”.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: “Còn có 1,5 năm nữa thôi, từ nay dựng xong chương trình - SGK, nâng cao năng lực trình độ, đáp ứng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để triển khai. Hai điều kiện này có khả thi không, có làm được không? 10 năm đổi mới chương trình, bổ sung SGK thì hay dở phải tiếp tục. Đổi mới có kế thừa chứ không phải cái gì cũng mới cả. Mới mà không kế thừa thì gay go. Từ đó mới ra quan điểm, mục tiêu yêu cầu đối vói chương trình, sách, tiếp tục thì như thế nào? Viết thế này chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Bây giờ là cải cách hành chính, vậy chương trình sách mới phải thế nào? Ba lô giờ to hơn là không được. Thủ tục phải công khai minh bạch, cái gì có lợi cho dân thì áp dụng”.

Sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã lên truyền hình (tối 20/4) để lý giải về số tiền mà cấp dưới là ông Nguyễn Vinh Hiển nêu ra tại TVQH chưa phải là quan điểm chính thức của Bộ GD & ĐT. Từ sau phát biểu mang tính “chữa cháy” của ông Luận đến nay, Bộ GD & ĐT cũng chưa thể đưa ra con số chính xác để đổi mới chương trình – SGK là bao nhiêu? Bộ GD & ĐT cũng thừa nhận thiếu tổng chủ biên khoa học cho đề án đổi mới chương trình – SGK.

Ngọc Quang