Thưa Bộ trưởng Luận, cần phải xem lại hình phạt "tàn khốc" ở ĐHCN HCM

05/06/2012 07:03
Độc giả Lê Thanh Nam
(GDVN) - "Suốt cuộc đời đi dạy, tôi chưa bao giờ nghe đến có câu chuyện phi lí và ngược đời như thế ở một trường ĐH công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân".
Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những bài viết về việc Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh áp dụng hình phạt "tàn khốc" với những sinh viên đóng học phí muộn, tòa soạn tiếp tục nhận được những ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Hầu hết các ý kiến phản hồi về tòa soạn đều thể hiện sự bức xúc, thất vọng trước cách hành xử của Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh. Nhiều độc giả đã bức xúc gọi đó là hành xử kiểu chợ búa, kinh doanh, trục lợi trên đầu sinh viên... Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải những phản hồi của độc giả xung quanh câu chuyện hình phạt "tàn khốc" ở Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận của độc giả Lê Thanh Nam. Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng nguyên văn nội dung lá thư.
Hình phạt "tàn khốc" mà ĐHCN TP Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng khiến dư luận bức xúc
Hình phạt "tàn khốc" mà ĐHCN TP Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng khiến dư luận bức xúc

 Kính gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận!
Tôi là một giáo viên về hưu và là độc giả thường xuyên của báo Giáo dục Việt Nam. Tôi viết lá thư này gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhưng không dám hy vọng nhiều những điều tôi sắp nói dưới đây Bộ trưởng sẽ trực tiếp đọc được, vì rằng Bộ trưởng rất bận. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nói ra những điều bản thân tôi đang thấy vô cùng bức bối, vô cùng lo lắng và bất bình.
Thưa Bộ trưởng! Gần đây tôi có theo dõi những thông tin về vụ Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh áp dụng hình phạt “tàn khốc” với những sinh viên đóng học phí trễ. Sinh viên đóng học phí trễ sẽ phải nộp tiền hai lần/môn và bị lùi môn học đó sang học kỳ sau khiến nhiều sinh viên khóc dở, mếu dở và có nguy cơ ra trường muộn. Bản thân tôi thấy vô cùng bức xúc và tức giận khi tiếp nhận những thông tin này. Suốt cuộc đời đi dạy, tôi chưa bao giờ nghe đến có câu chuyện phi lí và ngược đời như thế ở một trường ĐH công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cách đây không lâu, dư luận cũng được phen xôn xao khi Trường ĐH FPT phạt sinh viên đóng học phí trễ 100 USD (nói cách khác họ đưa các sinh viên nộp trễ học phí vào diện tự ý nghỉ học và phải nộp 100 USD để được học lại). Thế nhưng, nếu đem câu chuyện của hai trường ra so sánh thì lại có phần khập khiễng và tính chất câu chuyện cũng có phần khác đi rất nhiều. Trường ĐH FPT là trường NCL tự hạch toán thu chi còn ĐHCN TP Hồ Chí Minh lại là một trường công lập, trường trực thuộc quản lý của Bộ Công thương. Không cần nói thì ai cũng biết rằng, sinh viên của hai trường này sẽ có những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau. Và tất nhiên, sinh viên trường công lập phải được hưởng nhiều sự ưu tiên của Nhà nước hơn sinh viên trường NCL. Mọi hoạt động của trường công lập cũng phải có những quy chuẩn nhất định của nó. Không chỉ có nhiệm vụ đào tạo đơn thuần, chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng đào tạo với ngành giáo dục, các trường công lập còn phải có những chính sách khuyến học, khuyến tài, khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên nghèo được học tập. Thế nhưng, Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh đang làm gì? Phải chăng tất cả những điều mà ngôi trường này đã và đang làm chỉ là thu học phí và phạt những sinh viên nghèo khó đóng học phí muộn? Tất nhiên không phải thế, vì với lịch sử hình thành và phát triển, ngôi trường này cũng đã cung cấp cho xã hội hàng vạn lao động. Nhưng mặt tích cực ấy không thể khỏa lấp cho hình phạt "tàn khốc" mà ngôi trường này đang áp dụng cho sinh viên của mình. Cái sự lôi thôi ở đây là ngôi trường này lại trực thuộc sự quản lý của Bộ Công thương, thế nhưng đã là giáo dục thì mọi sự Bộ Giáo dục & Đào tạo đều có quyền can thiệp. Quyền tối cao của Bộ trong mọi tình huống vẫn luôn là điều quan trọng nhất. Và tôi tin rằng, nếu một Bộ trưởng Bộ Giáo dục yêu cầu dừng ngay hình phạt "tàn khốc" này thì hàng triệu người dân trên cả nước ngay lập tức sẽ hô vang tên ngài, nhất là các bạn sinh viên. Điều khiến người ta bất bình hơn là mức phạt mà Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh đang áp dụng lại quá nặng nề, quá tàn khốc với chính sinh viên. Đa số sinh viên chưa có việc làm, và phụ thuộc vào kinh tế gia đình, một số khác thì phải tự đi làm, lo trang trải mọi thứ... Vậy thì dù xét ở góc độ nào, các sinh viên cũng cần được thông cảm đấy chứ! Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục của ta có quyết định chính thức nào bằng văn bản quy định những sinh viên đóng học phí trễ sẽ chịu phạt tiền và số tiền phạt là bao nhiêu không? Bộ trưởng nghĩ gì về việc Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh áp dụng hình phạt "tàn khốc" như vậy với sinh viên của mình? Nếu Bộ trưởng đọc được những dòng tâm huyết này của tôi, rất mong Bộ trưởng hãy lưu tâm, để những việc như thế này không được phép tái diễn tại ngôi trường này, và nói rộng ra là nó không thể trở thành "trào lưu" ở khắp các trường Đại học, Cao đẳng của nước ta. Thưa Bộ trưởng! Sinh viên đóng học phí muộn có nhiều nguyên nhân lắm. Nếu Bộ trưởng đã từng nhìn thấy những khu nhà trọ ổ chuột của sinh viên giữa lòng thành phố, đã từng biết đến những bữa ăn đạm bạc, thiếu chất mà hàng ngày, rồi mọi thiếu thốn mà hàng vạn sinh viên của chúng ta đang nỗ lực vượt qua... có lẽ Bộ trưởng sẽ hiểu hơn về lý do đóng trễ học phí. Nếu Bộ trưởng nhìn thấy hình ảnh những ông bố, bà mẹ lam lũ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở các vùng quê... họ vất vả thế nào, khổ sở thế nào khi nuôi một đứa con ăn học Đại học... chắc hẳn Bộ trưởng sẽ rất thương cảm những hoàn cảnh ấy. Nếu Bộ trưởng đã từng nhìn thấy những cô, cậu sinh viên sau mỗi giờ học vất vả trên giảng đường lại tất bật đi gia sư, đi chạy bàn, đi rửa bát thuê, đi làm các công việc tay chân nặng nhọc để có thêm thu nhập trang trải cho việc học hành ở thành phố… thì có lẽ Bộ trưởng sẽ hiểu, sẽ thông cảm… và cũng sẽ bức xúc như tôi lúc này. Nhưng vấn đề là chỉ Bộ trưởng thương cảm thôi thì không biết có giải quyết được gì không, bởi những người thực thi công việc ở ĐH CN TP Hồ Chí Minh có lẽ không thấy được những hoàn cảnh như vậy, hoặc chẳng buồn quan tâm, vì thế mới "thản nhiên" phạt học phí gấp đôi và bắt sinh viên phải học lại môn đó vào kỳ sau. Nhà trường có hiểu được rằng có nhiều bạn sinh viên tỉnh lẻ nghèo lắm, họ phải trang trải tiền ăn ở, tiền học phí hàng tháng, rồi đủ thứ chi phí lặt vặt khác nữa...? Tôi được biết, trung bình một học kì mỗi sinh viên Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh được đăng kí từ 10 đến 20 tín chỉ. Học phí theo quy định là 245.000 đồng/tín chỉ. Nếu sinh viên lỡ đóng học phí chậm 10 tín chỉ thì sẽ bị phạt gần 2,5 triệu đồng; 20 tín chỉ thì số tiền nộp cho trường là 4,9 triệu đồng. Số tiền này không hề nhỏ, thưa Bộ trưởng. Nó đủ để nuôi sống cả một gia đình ở quê. Nó cao hơn cả lương cử nhân của con gái tôi khi ra trường. Nó cao hơn nhiều số tiền lương hưu hàng tháng tôi vẫn nhận… Tại sao Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh lại có thể "nhẫn tâm" áp dụng một hình phạt nặng đến "tàn khốc" như vậy với sinh viên của mình? Sinh viên đóng học phí muộn môn nào sẽ bị đóng học phí hai lần/môn học đó. Không những thế, môn học đó còn bị nhà trường cho lùi xuống học kỳ sau. Vậy là không chỉ mất tiền oan, sinh viên còn bị nhà trường không tạo điều kiện thuận lợi cho hoc tập. Học tín chỉ mà môn học bị lùi lại sang học kỳ sau, năm sau thì sinh viên có nguy cơ ra trường muộn rất cao. Tôi đang băn khoăn và suy nghĩ, không biết những sinh viên của Trường ĐHCN TP Hồ Chí Minh, những bậc phụ huynh đang đón nhận thông tin này với tâm trạng như thế nào? Chắc chắn họ đang bức xúc, đang phẫn nộ, đang thất vọng hơn tôi rất nhiều. Bởi lẽ, họ chính là những “nạn nhân” trực tiếp của hình phạt này. Tôi không dám bình luận quá nhiều nhưng thiết nghĩ, môi trường giáo dục ĐH là một môi trường học thuật và nhân văn. Chúng ta cần có những ứng xử nhân văn, nhân đạo với nhau hơn. Lợi ích của người học cần được đặt lên hang đầu chứ không phải hở môt chút là phạt, hở một chút là quy ra trách nhiệm kinh tế như thế! Giáo dục mà như thế thì… Buồn lắm!

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đáp án 6 môn thi tốt nghiệp 2012

Kết thúc thi tốt nghiệp: Thí sinh hò hét vì ngoại ngữ... quá dễ

Đáp án chính thức ba môn Văn-Sử-Địa từ Bộ GD&ĐT

Đáp án chính thức ba môn Toán-Hóa-Ngoại ngữ từ Bộ GD&ĐT

Chùm ảnh: Những nụ cười thỏa mãn sau ba ngày thi tốt nghiệp

Chùm ảnh: Sĩ tử đi thi tốt nghiệp bằng... “xế hộp”

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Lê Thanh Nam