Thưa Bộ trưởng Luận, phải xem lại hình phạt "roi mây" ở Thái Nguyên

28/07/2012 05:45
Độc giả Nguyễn Tâm Anh
(GDVN) - "Tôi thấy xấu hổ khi có những người đồng nghiệp như những giáo viên của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 – TP. Thái Nguyên… Giáo dục bằng bạo lực như thế thì… xã hội dễ loạn lắm".
Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những bài viết về việc trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn – TP Thái Nguyên áp dụng hình phạt "tra tấn" học sinh bị điểm kém bằng roi mây, tòa soạn tiếp tục nhận được những ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải những phản hồi của độc giả xung quanh câu chuyện hình phạt "roi mây" ở Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 – TP. Thái Nguyên. Dưới đây là nội dung bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận của độc giả Nguyễn Tâm Anh. Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng nguyên văn nội dung lá thư.
Kính gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận!
Tôi là một giáo viên đang công tác ở tình Bắc Kạn và là độc giả thường xuyên của Báo Giáo dục Việt Nam. Tôi viết lá thư này gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhưng không dám hy vọng nhiều những điều tôi sắp nói dưới đây Bộ trưởng sẽ trực tiếp đọc được, vì rằng Bộ trưởng quá bận. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nói ra những điều bản thân tôi đang thấy xấu hổ, thấy vô cùng bức bối, vô cùng lo lắng và bất bình. Thưa Bộ trưởng! Gần đây, tôi có theo dõi những thông tin về vụ trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn – TP Thái Nguyên áp dụng phương pháp dạy học bằng bạo lực, dùng “roi mây” đánh phạt những học sinh đạt điểm kém, rồi đánh cả học sinh khi chưa cho phép đã chép bài... Xem clip thầy giáo đánh học sinh một cách tàn nhẫn và đọc những bài báo viết về sự việc này, tôi thấy sởn da gà. Bản thân tôi thấy vô cùng bức xúc và tức giận khi tiếp nhận những thông tin này. Là một giáo viên, tôi thấy xấu hổ vì có những đồng nghiệp như những giáo viên ở trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của anh Phạm Minh Tuấn. Giáo viên đánh học sinh có khác nào tự đánh vào mặt của mình. Năng lực của người thầy được phản ánh trực tiếp qua học sinh. Học sinh vẫn yếu kém, chưa giỏi thì chính người thầy phải xem lại cách dạy của mình, phương pháp sư phạm của mình chứ không nên đánh đập học sinh. Việc làm đó rất vô nghĩa! Nó thể hiện cho sự bất lực của người thầy… Trong gần 20 năm đứng lớp, tôi dám tự tin nói rằng, tôi luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Tôi chưa một lần buông lời thóa mạ, vung tay đánh học sinh dù là đó là những cô, cậu học trò ngỗ ngược, cá biệt nhất. Bởi lẽ, tôi biết một nguyên tắc không thể thay đổi đó là giáo dục bằng bạo lực là phản giáo dục. Đòn roi chỉ làm con người “chai lì” và tồi tệ hơn. Tâm sinh lý của các em học sinh cấp 2 cũng phức tạp không kém học sinh ở bậc THPT. Ở lứa tuổi này, các em đã bắt đầu có những “cái tôi” của mình, có lòng tự ái, tự trọng của mình rồi… và chúng ta phải biết tôn trọng trẻ. Tôi thấy buồn và lo lắng trước phương pháp giáo dục bằng bạo lực đã và đang được trung tâm này áp dụng và được một bộ phận phụ huynh, học sinh chấp nhận. Ngần ấy năm đứng lớp dạy học trò, tôi chưa bao giờ nghe biết đến một phương cách dạy học phi lí và ngược đời như thế. Câu chuyện khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ này lại xảy ra ở một trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 tư nhân. Điều nực cười hơn là nó đã tồn tại và được biết đến hàng 5 năm năm nay rồi. Thế nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc, phụ huynh vẫn ồn ồn đổ đến gửi con. Với tư cách là người quản lý cao nhất của ngành Giáo dục, Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này? Bộ trưởng có tán thành cách dạy học bằng bạo lực, đồng ý trước hình phạt “roi mây” nhẫn tâm này?...
Phương pháp dạy học bằng "roi mây" của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn - TP Thái Nguyên tiếp tục khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)
Phương pháp dạy học bằng "roi mây"  của Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn - TP Thái Nguyên tiếp tục khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)
Thưa Bộ trưởng! Dư luận chưa kịp lắng xuống với những tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang), những vụ bạo lực học đường dã man trong thời gian qua, nay lại thêm việc dạy học bằng roi mây. Liệu rằng đây có phải là một trong những căn nguyên khiến nạn bạo lực học đường ngày càng tràn lan, mối quan hệ thầy trò ngày càng đi xuống, đạo đức người thầy trong xã hội hiện đại tha hóa đến mức báo động không? Là người có thâm niên đứng lớp gần 20 năm nay, tôi hiểu hơn ai hết cái khó và đặc trưng của nghề trồng người. Dạy học, dạy người khó lắm! Người thầy ngoài tầm kiến thức còn phải có cái tâm. Điều quan trọng nhất trong giáo dục là người thầy phải làm được gương cho học trò. Khi người thầy không làm được gương thì còn dạy được học trò không? Học trò có thể tôn trọng một người thầy động chút là văng lời dọa nạt, vung tay đánh học sinh? Người thầy như vậy có xứng đáng làm thầy không? Thưa Bộ trưởng! Tôi suy nghĩ mãi nhưng vẫn không thể lí giải được tại sao trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông Phạm Minh Tuấn lại có thể "nhẫn tâm" áp dụng hình phạt như vậy với học sinh của mình? 0 – 3 điểm bị 3 roi, 4 điểm bị 2 roi, 5 điểm bị 1 roi. Cách đánh đòn cũng rất quy củ, học sinh bị đánh sẽ được gọi trèo lên một chiếc bàn học, nằm úp mặt xuống bàn. Giáo viên dùng roi mây to bằng ngón tay, được quấn kín băng dính đen rồi quật mạnh vào mông học sinh… Nguyên tắc bị đánh là không được kêu đau, không phản ứng. Tôi đang băn khoăn và suy nghĩ, không biết những học sinh và phụ huynh khác đang đón nhận thông tin này với tâm trạng như thế nào? Chắc chắn họ đang bức xúc, đang phẫn nộ, đang thất vọng hơn tôi rất nhiều. Bởi lẽ, họ chính là những “nạn nhân” trực tiếp của hình phạt này. Tôi không dám bình luận quá nhiều nhưng thiết nghĩ, môi trường giáo dục là một môi trường học thuật và nhân văn. Chúng ta cần có những ứng xử nhân văn, nhân đạo với nhau hơn. Lợi ích của người học cần được đặt lên hàng đầu chứ không phải hở môt chút là phạt, hở một chút là đánh, là dọa nạt… Giáo dục bằng bạo lực như thế thì… xã hội dễ loạn lắm!

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nếu ăn đòn là học giỏi, Bộ GD nên phổ biến cách dạy học bằng roi mây

Xúc động tâm sự của người mẹ lo lắng con bị "tra tấn" bằng roi mây

Kết thúc môn thi cuối khối A: Thí sinh "thở phào" với môn Hóa

Biết con bị đánh mà vẫn cho học thêm: Biến con từ tài thành tật

Thủ khoa Học viện Quân y 29 điểm

Cậu bé 9 tuổi "gặp mẹ trong mơ" khiến hàng triệu người xúc động

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Nguyễn Tâm Anh