Thực hư chuyện ĐHSP Hà Nội bị "tố" thu tiền không có hóa đơn

04/04/2012 06:15
Xuân Trung - Giàng A Cối
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Thị Tĩnh - Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đã có sự “rắc rối” trong lúc thu tiền làm khóa luận tốt nghiệp của học viên.
Trước thông tin SV hệ liên thông Khoa Việt Nam học (ĐH Sư Phạm HN) phải đóng 1,5 triệu lệ phí làm khóa luận tốt nghiệp, nộp tiền nhưng không nhận được hóa đơn, chiều 3/4, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm và Khoa Việt Nam học để làm rõ vấn đề trên.

Theo giải thích của lãnh đạo Khoa Việt Nam học, những sinh viên hệ liên thông từ Cao đẳng lên Đại học ngành Việt Nam học (Du lịch, Văn hóa...) trước khi bắt đầu khóa học đã được khoa phổ biến rất rõ về quy chế, yêu cầu đào tạo, nề nếp, tiêu chí khoa được quản lý những gì... Và, có sự phản ánh như trên là do một số sinh viên đi nghe phổ biến không đủ hoặc nghe chưa chính xác.
Hệ chính quy theo địa chỉ, liên thông, tại chức, văn bằng hai đóng như nhau

PGS.TS Nguyễn Thị Tĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, chủ trương của trường là không mở rộng hệ liên thông mà tập trung đào tạo hệ chính quy để có chất lượng. Tuy nhiên, hệ liên thông không phải là không có chất lượng.
PGS. TS Nguyễn Thị Tĩnh lí giải: Việc thu tiền không có hóa đơn là do giáo vụ khoa Việt Nam học chưa gửi lại cho sinh viên đóng tiền.
PGS. TS Nguyễn Thị Tĩnh lí giải: Việc thu tiền không có hóa đơn là do giáo vụ khoa Việt Nam học chưa gửi lại cho sinh viên đóng tiền.

Được biết, hiện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 4 khoa có đào tạo hệ liên thông (Việt Nam học, Toán, Văn, Sư phạm Tiểu học, sắp tới có Âm nhạc). Theo PGS.TS Tĩnh, sinh viên học hệ liên thông khoa Việt Nam học có nhiều em bỏ giữa chừng, do vậy đã có module chương trình riêng (tách phần học và tốt nghiệp). Đối với những sinh viên học chỉ cần kiến thức, không có nguyện vọng thi tốt nghiệp sẽ không phải đóng phí. Những sinh viên có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp sẽ được chia làm hai hình thức: Sinh viên đạt đến mức nào đó sẽ được làm luận văn cử nhân và ngược lại, những em chưa đạt sẽ phải thi tốt nghiệp.
“Những em thi tốt nghiệp sẽ phải đóng 450.000đ/sinh viên, những em được làm luận văn sẽ phải đóng 1,5 triệu/sinh viên. Số tiền này để phục vụ cho giáo viên hướng dẫn làm luận văn, giáo viên phản biện và Hội đồng.Lý do thu số tiền trên là dựa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của trường”, PGS.TS Tĩnh cho biết. 

Theo ông Nguyễn Khắc Hải – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong thiết kế chương trình cho hệ liên thông của Khoa Việt Nam học có một module riêng. Đối với ngành Việt Nam học là 100 đơn vị học trình (ĐVHT), trong đó 90 ĐVHT được dạy trong 4 học kỳ (2 năm), 10 ĐVHT còn lại được tính tương đương thi tốt nghiệp hoặc làm luận văn tốt nghiệp.

Nói về việc đóng kinh phí cho làm luận văn, ông Hải cho biết trường không coi trọng thu nhiều tiền, trong Quy chế của trường, việc thi tốt nghiệp đối với hệ liên thông có module riêng, kinh phí không nằm trong chương trình đào tạo. Thi tốt nghiệp, nếu kinh phí có thu được là dành cho việc ra đề, chấm thi và xét kết quả (SV được thụ hưởng điều đó).

Ông Hải cũng thông tin, đối với hệ đào tạo chính quy theo địa chỉ (đào tạo nguồn nhân lực trong ngành giáo dục cho các tỉnh miền núi phía Bắc), hệ tại chức, văn bằng hai là đào tạo ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ nên vẫn phải đóng tiền như hệ liên thông. “Những em đủ điều kiện không muốn làm khóa luận sẽ thi tốt nghiệp, chúng tôi hoàn  toàn không ép chuyện đó. Hướng dẫn làm một khóa luận không hề đơn giản nhưng người thầy được an ủi là học trò có kiến thức. Thực tình 1 triệu hay 1,5 triệu chúng tôi rất quý, nhưng điều đó không quan trọng”, ông Hải nói.
Vì sao sinh viên đóng tiền chưa được nhận biên lai?
Theo ông Lê Quang Hưng - Trưởng khoa Việt Nam học, việc “giới hạn” 41/260 sinh viên hệ liên thông khóa 2 và 3 khoa Việt Nam học được làm luận văn tốt nghiệp là việc làm chú trọng vào chất lượng đào tạo, vì theo quy định khoa được 40% những sinh viên đủ điều kiện làm luận văn. Với danh sách 41 sinh viên này, khoa đã hoàn thành xong việc thu lệ phí làm luận văn.
Theo lãnh đạo nhà trường ĐH Sư phạm, trường không mở rộng đào tạo hệ liên thông, tập trung vào đào tạo chính quy để nâng cao chất lượng.
Theo lãnh đạo nhà trường ĐH Sư phạm, trường không mở rộng đào tạo hệ liên thông, tập trung vào đào tạo chính quy để nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, theo giải thích của PGS.TS Nguyễn Thị Tĩnh đã có sự “rắc rối” trong lúc thu tiền của học viên. Theo đó, việc thu tiền không được tập trung trong một đợt do sinh viên đóng rải rác nhiều lần nên Phòng Kế hoạch tài chính (KHTC) có nhờ giáo vụ của Khoa Việt Nam học thu hộ. Sau khi thu đủ mới gửi lên Phòng KHTC. Và, theo lời của ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Đào tạo thì: “Vì Phòng KHTC không có nhiều người để hàng ngày ngồi thu tiền các em, nên có nhờ Khoa Việt Nam học thu hộ tiền, có danh sách, sau đó Khoa mang tiền lên Phòng KHTC nộp cho nhà trường”.

Tiếp theo, Phòng KHTC viết lại hóa đơn sau đó mới trả lại khoa Việt Nam học để đến với sinh viên. Theo ông Hải: “Trong quá trình thực hiện cần phải có 1-2 ngày chứ không phải làm ngay được. Tuy nhiên không phải Phòng KHTC không làm được ngay, mà còn nhiều việc khác. Vấn đề tổ chức thế nào cho hợp lí, trong quá trình muốn “hợp lí” thì nảy sinh những cái mà sinh viên không hiểu, cái này chúng tôi chấp nhận, nhưng tôi khẳng định có hóa đơn đàng hoàng”.

Theo đề nghị của PV được xem lại các hóa đơn, phiếu thu và danh sách 41 sinh viên được làm luận văn, phía nhà trường và khoa Việt Nam học có cung cấp. Tuy nhiên, những phiếu thu và hóa đơn theo quan sát không có chữ ký của người nộp. Và theo giải thích của bà Tĩnh là do sinh viên nộp tiền rải rác, sau khi thu tiền của sinh viên xong Phòng KHTC mới tiến hành làm hóa đơn, phiếu thu và sẽ gửi lại giáo vụ Khoa Việt Nam học để phát cho người nộp tiền. Bà Tĩnh cho biết: “Số hóa đơn này đã đưa cho giáo vụ Khoa Việt Nam học, nhưng chưa đưa tới tận tay người đóng tiền”.

Trước yêu cầu của PV muốn được đăng công khai hình ảnh hóa đơn, phiếu thu để chứng tỏ những việc làm của khoa, của trường là minh bạch thì bà Tĩnh từ chối, và nói: “Chúng tôi đào tạo, chúng tôi có trách nhiệm với xã hội, với sinh viên”.

(Các sinh viên của hệ liên thông Khoa Việt Nam học chưa hài lòng với câu trả lời của các lãnh đạo Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội có thể tiếp tục cung cấp thông tin tới Báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn)

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung - Giàng A Cối