Thực hư chuyện TS Lê Thẩm Dương bị "tố" đạo văn

22/09/2012 07:28
Đông Phong
(GDVN) - Báo Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả chỉ ra tới 36 dẫn chứng "tố" TS Lê Thẩm Dương đạo văn. Vậy đâu là sự thật?
LTS: Những ngày qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của độc giả cho rằng TS. Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) đạo văn của người khác từ năm 2008 cho đến nay. Về vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với TS. Lê Thẩm Dương để làm rõ vấn đề gửi đến độc giả được tường tận.36 nghi vấn TS Lê Thẩm Dương đạo văn Những dẫn chứng trong phản ánh của độc giả đã chỉ đích danh TS. Lê Thẩm Dương đạo văn: Thứ nhất, những nội dung được dẫn ra trong các bài báo có trích dẫn phát biểu của TS. Lê Thẩm Dương gần như trùng lặp với phát biểu của người khác trước đó. Thậm chí, có đoạn trùng nhau đến 100%, từ câu từ đến dấu chấm, dấu phẩy. Thứ hai, thời điểm đăng ý kiến được cho là của TS. Lê Thẩm Dương trên báo bị nghi vấn đạo văn đều sau thời điểm đăng bài của người phát biểu trước đó. Trong 36 nghi vấn mà độc giả gửi về, có những nghi vấn TS. Lê Thẩm Dương đạo văn từ năm 2008, cũng có những nghi vấn mới nhất là tháng 9/2012. Cũng trong 36 nghi vấn đạo văn này, có những nghi vấn cho rằng TS Lê Thẩm Dương đạo một cách rất công phu từ nhiều bài khác nhau, thậm chí có bài đạo hoàn toàn của người khác. Mới đây, ngày 4/9/2012, trong một bài báo nói về Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, những vấn đề đặt ra từ cuộc sống của tác giả Hoàng Đức, đăng ý kiến được cho là của TS Lê Thẩm Dương trên báo điện tử của một tỉnh có đến 14 đoạn trùng lặp với ý kiến của nhiều chuyên gia phát biểu trên 6 bài khác nhau ở những ngày trước thời điểm 4/9.
Trích đoạn nội dung bài viết được cho là bị TS. Lê Thẩm Dương đạo.
Trích đoạn nội dung bài viết được cho là bị TS. Lê Thẩm Dương đạo.
Bài viết này đã lặp lại y nguyên một số nội dung trong bài Vai trò của CEO trong quá trình tái cấu trúc DN của TS Phan An đăng trên Vef.vn ngày 24/7/2012. Dưới đây là 1 trong 14 đoạn được cho là đạo văn:

Bài: Vai trò của CEO trong quá trình tái cấu trúc DN

Bài: Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, những vấn đề đặt ra từ cuộc sống

Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi và chọn lựa lại ngành/danh mục kinh doanh cũng là một trong những quyết định chiến lược mà CEO phải nắm bắt, kiểm soát và thường xuyên đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, "trồng cây gì, nuôi con gì", kinh doanh sản phẩm nào, hạn chế/ không kinh doanh sản phẩm nào cũng là một thay đổi, một quyết định lớn đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao nhất phải quyết định dứt khoát dựa trên cơ sở thực tiễn và có tính khả thi cao.

Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi và chọn lựa lại ngành/danh mục kinh doanh cũng là một trong những quyết định chiến lược mà CEO phải nắm bắt, kiểm soát và thường xuyên đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, "trồng cây gì, nuôi con gì", kinh doanh sản phẩm nào, hạn chế/ không kinh doanh sản phẩm nào cũng là một thay đổi, một quyết định lớn đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao nhất phải quyết định dứt khoát dựa trên cơ sở thực tiễn và có tính khả thi cao.

Trong nghi vấn thứ 33, độc giả đưa ra dẫn chứng để chứng minh TS. Lê Thẩm Dương đạo văn đến 100%. Nghi vấn này cho rằng TS. Lê Thẩm Dương đã đạo văn từ bài Chi trả cổ tức bằng tiền: Liệu cao đã là tốt? của tác giả Hồng Kỳ đăng trên VnEconomy ngày 11/11/2008 để trả lời phóng viên đăng bài có tên Thận trọng với cổ tức tiền mặt trên một tờ báo khác.

Bài: Chi trả cổ tức bằng tiền: Liệu cao đã là tốt?

Bài: Thận trọng với cổ tức tiền mặt

“Bên cạnh những doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ cao, cũng có những doanh nghiệp lại chia cổ tức bằng cổ phiếu. Để tránh thuế thu nhập, cổ đông có thể tự tạo cổ tức tiền mặt bằng cách bán cổ phiếu được chia trước ngày 1/1/2009. 

Đối với những doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu, mục tiêu hỗ trợ cổ đông tránh thuế thu nhập vẫn có thể thực hiện trong khi vẫn giữ lại được nguồn lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư sản xuất kinh doanh cho giai đoạn khó khăn sắp tới. 

Tuy vậy, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ gây ra hiện tượng “pha loãng”, có thể tác động không tốt tới giá của cổ phiếu”.

“Để tránh thuế thu nhập cổ đông có thể tự tạo cổ tức tiền mặt cho mình bằng cách bán cổ phiếu được chia trước ngày 01/01/2009.

Đối với những DN thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu, mục tiêu hỗ trợ cổ đông tránh thuế thu nhập vẫn có thể thực hiện được trong khi vẫn giữ lại được nguồn lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ gây ra hiện tượng "pha loãng", có thể tác động không tốt tới giá của cổ phiếu”.

Đến nghi vấn thứ 34, độc giả cho rằng TS Lê Thẩm Dương đã đạo nội dung từ 3 bài (“Thời” của trái phiếu doanh nghiệp của Công Vinh đăng trên báo Đại biểu Nhân Dân Ngày 14/11/2009 (http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=89497); Tín dụng: những câu hỏi chờ giải đáp của Hải Lý đăng trên Thời bào Kinh tế Sài Gòn ngày 12-11-2009 (http://www.thesaigontimes.vn/home/dothi/nhadat/25218/); Tăng trưởng tín dụng vượt hạn mức cả năm: Siết mạnh tín dụng cuối năm của Trần Văn đăng trên SGTT ngày 11/11/2009  (http://sgtt.vn/Kinh-te/Tai-chinh-va-dau-tu/114532/Siet-manh-tin-dung-cuoi-nam.html)) khác nhau để trả lời phỏng vấn trong bài Trái phiếu lên ngôi của tác giả H.N.

Bài: Tăng trưởng tín dụng vượt hạn mức cả năm: Siết mạnh tín dụng cuối năm

Bài: Trái phiếu lên ngôi

Khó huy động vốn từ dân cư, nhiều ngân hàng tìm đến thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản nhưng cũng gặp khó khăn. Theo nhận định của một công ty chứng khoán, nguồn vốn cung ứng trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các ngân hàng. Lãi suất cho vay liên ngân hàng tuần qua cao nhất đã đụng trần 10,5%/năm (phát sinh đối với các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng), lãi suất cho vay thấp nhất là 5%/năm.

Khó huy động vốn từ dân cư, nhiều ngân hàng tìm đến thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản nhưng cũng gặp khó khăn. Rất nhiều nhận định cho rằng, nguồn vốn cung ứng trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các ngân hàng. Lãi suất cho vay liên ngân hàng tuần qua cao nhất đã đụng trần 10,5%/năm (phát sinh đối với các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng), lãi suất cho vay thấp nhất là 5%/năm.

TS Lê Thẩm Dương nói gì? Trước những nghi vấn bị cho là đạo văn, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng: “Trước hết, tôi xin cảm ơn các ý kiến của độc giả vì đã quan tâm và phản ánh rất cụ thể. Tôi cảm ơn vì trong thời gian đó tôi đã tham gia hàng trăm bài viết trên các phương tiện, bản thân tôi cũng không có thời gian cập nhật mà độc giả đã cập nhật và chỉ ra giúp". Tiếp đó, khi đề cập thẳng vào vấn đề bị nghi ngờ đạo văn, TS Lê Thẩm Dương bức xúc: "Từ năm 2008, tôi đã tham gia đóng góp dưới các hình thức báo chí, hội thảo, truyền hình và các dạng tham gia của tôi bao gồm: tự tay viết bài, tự tay viết tham luận, trực tiếp trên truyền hình và trả lời các phỏng vấn. Trong 36 nghi vấn đó, chủ yếu tập trung ở một số phóng viên và ở một số tờ báo thôi và đều là các bài do tự tay phóng viên viết, trong đó có trích ý kiến tôi, chứ không có phần nào tự tay tôi viết bài hay trao đổi trên truyền hình. Ở đây, phóng viên đạo chứ không phải tôi đạo”.
TS Lê Thẩm Dương trình bày nội dung Tái cấu trúc và Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
TS Lê Thẩm Dương trình bày nội dung Tái cấu trúc và Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nói về nghi vấn thứ 35, TS Lê Thẩm Dương khẳng định: “Tại Quảng Trị, tôi làm hội nghị ngày 22/7, những bài mà độc giả nghi vấn tôi đạo văn được viết từ ngày 24/7, một bài nữa viết ngày 30/7. Bài viết của tác giả Hoàng Đức có 2 đặc điểm: Thứ nhất là không phải bài tóm tắt; Thứ hai, giả sử tôi đạo đi, thì tôi làm ngày 22 lại đi đạo bài của ngày 24, hay ngày 30 à? Hóa là là sinh con rồi mới sinh cha sao?”. “Có một số người tự trích đoạn hay gọi là xào nấu ý kiến của người khác rồi gắn tên của tôi vào. Rất nhiều phóng viên tôi không biết tên, không biết mặt, không phỏng vấn mà tự nhiên tôi cứ chềnh ềnh ra trên báo” - TS Lê Thẩm Dương giải thích việc vì sao mình có tên mình trên một số tờ báo. Việc bị nghi vấn là đạo văn, TS Lê Thẩm Dương nói: “Những đoạn mà gọi là đạo và gắn tên tôi vào toàn là những kiến thức cơ bản được vận dụng vào tình huống cụ thể. Đạo cái gì đáng đạo chứ, nếu mà kiến thức cao siêu hay ý tưởng gì đó thì mới đạo, chứ kiến thức phổ thông thì đạo làm gì? Với kiến thức 30 năm giảng dạy, lẽ nào tôi lại đi đạo những kiến thức đó sao?”. Nhắc đến việc làm sao để chứng minh mình không đạo văn, TS Lê Thẩm Dương cho hay: “Ngày 18/9, tôi có gửi đơn đề nghị đến tòa soạn (tôi xin được giấu tên tòa soạn như đã nói trước khi làm việc) có phóng viên viết không đúng để làm rõ các vấn đề mà bạn đọc đang thắc mắc. Rất may, tòa soạn đã có một tinh thần làm việc rất hợp tác. Đồng thời làm việc với 2 cá nhân phóng viên, họ đều xác nhận sao chép của người khác và gắn tên tôi vào, tôi đã gửi các bằng chứng xác nhận đó. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ việc này”.*Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên đến vụ việc đến bạn đọc sau khi có kết quả.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Việt Nam đã mấy lần đổi mới giáo dục?

Sự thật về các bảng xếp hạng đại học thế giới, Việt Nam xấu hổ

Thầy giáo gây sốt cư dân mạng

Đại học Quốc Gia có thực sự lọt vào top 700 của thế giới?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh nói về thu hút nhân tài ở Bộ Quốc Phòng

Nếu không nâng cao được chất lượng thì nên xóa bỏ hệ tại chức

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Đông Phong