Thực hư chuyện trường ĐH Luật Hà Nội mở lớp đào tạo tại chức chui?

19/03/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - 1 học viên tại chức lớp Luật K4 đã tố cáo trường ĐH Luật Hà Nội mở lớp đào tạo tại chức chui, gian lận trong tuyển sinh đầu vào, cấp bằng đầu ra... 
Học viên tại chức tố trường Luật cố tình làm sai luật Vừa qua, báo Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư tố cáo của bà Lê Thị Thu Hương, nguyên học viên tại chức lớp Luật K4 của trường ĐH Luật Hà Nội. Trong đơn thư tố cáo gửi đến báo Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hương tố cáo trường ĐH Luật Hà Nội có nhiều mập mờ trong việc cấp phép mở lớp tại chức Luật K4, truy thu học phí vô lý, có hiện tượng mua bán điểm đầu vào, cấp bằng đầu ra cho 1 số cá nhân và cá nhân bà Hương bị trù dập dẫn đến việc bị ép ký vào biên bản vi phạm quy chế thi không được xét tốt nghiệp ra trường. Cụ thể: 1. Bà Hương tố cáo trường ĐH Luật Hà Nội mở lớp tại chức Luật K4 niên khóa 2006 -2011chui để trục lợi từ người học. 2. Trường hợp học viên Nghiêm Xuân Nam của lớp tại chức Luật K4, sinh năm 1973 ngay từ khi thi đầu vào đã trượt nên không có tên trong danh sách trúng tuyển đầu vào của lớp Luật K4. Tuy nhiên, sau khi lớp tại chức Luật K4 vào học được một tháng thì học viên Nghiêm Xuân Nam lại xuất hiện với tư cách học viên chính thức của lớp. 3. Trường hợp học viên lớp Luật tại chức K4 là anh Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1977 không hề có tên trong danh sách 39 học viên được xét tốt nghiệp cấp bằng nhưng lại được nhận bằng tốt nghiệp trong ngày khoa Tại chức ĐH Luật Hà Nội phát bằng cho học viên tại chức Luật K4 ngày 1/3/2012. 4. Lớp tại chức Luật K4 bắt đầu khóa học từ 9/2006 và kết thúc chương trình học vào giữa tháng 9/2010. Nhưng phải đến tháng 4 – 5/2011 (tức quá nửa năm) mới được thi tốt nghiệp với điều kiện phải đóng khoản tiền truy thu học phí thêm là 785.000 đồng/học viên. Bà Hương đề nghị trường ĐH Luật Hà Nội có sự giải thích, làm rõ khoản tiền truy thu học phí 785.000 đồng/học viên này. 5. Cũng trong đơn thư tố cáo gửi đến báo Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hương có phản ánh việc cá nhân bị Thanh tra trường ĐH Luật Hà Nội trù dập dẫn đến việc bị bắt ép ký vào biên bản vi phạm quy chế thi khiến bài thi bị hủy, không ra được trường đúng thời hạn quy định. Bà Hương đề nghị trường ĐH Luật Hà Nội xem xét, thẩm tra lại việc lập biên bản thi với bà Hương.Trường ĐH Luật Hà Nội không làm sai luật Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của bà Lê Thị thu Hương, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã làm việc trực tiếp với trường ĐH Luật Hà Nội để làm rõ từng nội dung bà Hương khiếu nại. Trong buổi làm việc, theo chỉ đạo của Hiệu trưởng, Khoa Tại chức ĐH Luật đã cung cấp đầy đủ văn bản phản bác lại các điều cáo buộc của bà Hương.Cụ thể:1. Về việc cấp phép đào tạo cho lớp tại chức Luật K4 mở tại Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin: TS. Lê Văn Long, Chủ nhiệm khoa Tại chức khẳng định: “Không có việc trường ĐH Luật Hà Nội mở lớp tại chức chui. Lớp tại chức Luật K4 được mở theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nằm trong kế hoạch đào tạo hệ vừa học vừa làm của trường”. Trong buổi làm việc với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, khoa Tại chức đã dẫn ra những luận điểm và văn bản khẳng định việc minh bạch trong mở lớp tại chức Luật K4. Thứ nhất, thông báo tuyển sinh lớp tại chức Luật K4 mở tại Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin. Thứ hai, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tại chức năm 2006 của trường ĐH Luật Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao. Thứ ba, Quyết định công nhận 118 thí sinh trúng tuyển vào khóa 4 (2006 -2011) ĐH Luật hệ vừa học, vừa làm mở tại Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin (có danh sách đi kèm) Thứ tư, kế hoạch đào tạo, thời khóa biểu từng học kỳ với lớp tại chức Luật K4 mở tại Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin. Thứ năm, trường ĐH Luật Hà Nội đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp hệ vừa học vừa làm cho 39 học viên đủ điều kiện tốt nghiệp của lớp tại chức Luật K4 mở tại Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin vào ngày 1/3/2012.
Bộ Kế hoạch và Đàu tư giao chỉ tiêu đào tạo cho trường ĐH Luật Hà Nội năm 2006
Bộ Kế hoạch và Đàu tư giao chỉ tiêu đào tạo cho trường ĐH Luật Hà Nội năm 2006
Chỉ tiêu tại chức năm 2006 của ĐH Luật Hà Nội là 1.300 học viên
Chỉ tiêu tại chức năm 2006 của ĐH Luật Hà Nội là 1.300 học viên
PGS.TS Trần Ngọc Dũng, Trưởng phòng Thanh tra, ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Hằng năm, trường ĐH Luật Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho chỉ tiêu đào tạo chính quy và giao 70% chỉ tiêu đào tạo hệ vừa học, vừa làm (so với chỉ tiêu chính quy). Bộ giao chỉ tiêu cụ thể cho trường và trường có nhiệm vụ đào tạo đủ số chỉ tiêu được Bộ giao cho. Việc mở bao nhiêu lớp, ở những cơ sở liên kết nào lại nằm trong phạm vi, quyền hạn, sự cân đối, co giãn của nhà trường. Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ có trách nhiệm báo cáo chi tiết về chỉ tiêu đầu vào năm đó với Bộ Giáo dục và Đào tạo…” Giải thích về nghi vấn của bà Lê Thị Thu Hương rằng, trường ĐH Luật Hà Nội mới chỉ có kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo xin mở lớp ĐH tại chức ở Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin, Bộ Văn hóa – Thông tin và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đồng ý cho mở lớp, PGS.TS Trần Ngọc Dũng lý giải: “Đó là kiến nghị của Bộ Văn hóa – Thông tin đến Bộ Giáo dục và đến trường ĐH Luật Hà Nội. Sau khi nhận được kiến nghị này của Bộ Văn hóa – Thông tin, trường ĐH Luật Hà Nội đã đồng thuận cho mở lớp ĐH tại chức ở trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin căn cử trên cơ sở đào tạo trong phạm vị giới hạn cho phép của chỉ tiêu năm 2006.

Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ có trách nhiệm báo cáo chỉ tiêu và danh sách học viên trúng tuyển đầu vào của lớp tại chức luật K4 mở tại Trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nhiệm vụ phải có văn bản trả lời về vấn đề này…”
TS. Đặng Thanh Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Tại chức, ĐH Luật Hà Nội cho biết thêm: “Tôi là người trực tiếp chịu trách nhiệm công tác đi mua phôi bằng cho các lớp tại chức mở tại trường. Trong hồ sơ mua phôi bằng, chúng tôi phải thỏa mãn những nội dung: Báo cáo chỉ tiêu đào tạo năm; Quyết định công nhận trúng tuyển; Công nhận tốt nghiệp với học viên; Lịch trình đào tạo… Nếu lớp không được Bộ cấp phép mở thì không thể nào Bộ bán phôi bằng cho chúng tôi…” TS. Lê Văn Long nhấn mạnh: “Không có chuyện 1 trường ĐH trọng điểm của Quốc gia như trường ĐH Luật Hà Nội đi mở chui 1 lớp đào tạo để kiếm vài đồng bạc trục lợi. Đó là điều khập khiễng và vô lý.”2. Về trường hợp Nghiêm Xuân Nam, nguyên học viên lớp tại chức Luật K4 nhập học là hoàn toàn đúng với quy chế thi tuyển tại chức. Học viên Nghiên Xuân Nam đã được công nhận trúng tuyển lớp ĐH vừa học, vừa làm Luật K3 mở tại tỉnh Hà Tĩnh.
Học viên Nghiêm Xuân Nam có tên trong danh sách học viên trúng tuyển tại tỉnh Hà Tĩnh
Học viên Nghiêm Xuân Nam có tên trong danh sách học viên trúng tuyển tại tỉnh Hà Tĩnh
Theo đúng như quy định của đào tạo tại chức, do yêu cầu công việc nên học viên Nghiêm Xuân Nam đã được xét chuyển lớp và trở thành học viên chính thức của lớp tại chức luật K4 mở tại trường Quản lý cán bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Văn hóa – Thông tin.3. Về trường hợp học viên Nguyễn Quang Huy:
Học viên Nguyễn Quang Huy là 1 trong 2 học viên được xét tốt nghiệp bổ sung đợt 2
Học viên Nguyễn Quang Huy là 1 trong 2 học viên được xét tốt nghiệp bổ sung đợt 2
PGS.TS Trần Ngọc Dũng giải thích: “Các học viên tại chức trước khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp đều phải trải qua quá trình xác minh bằng cấp. Xác minh bằng cấp 3 với học viên tại chức học lấy văn bằng 1. Xác minh văn bằng 1 với học viên tại chức học lấy văn bằng 2.

Trong quá trình xác minh bằng cấp của học viên, 95% học viên nhận được kết quả xác minh trong thời gian ngắn. 5% học viên bị các Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chậm. Học viên Nguyễn Quang Huy là 1 trong những học viên nằm trong số 5% đó. Tuy nhiên, nhà trường đã rất linh động khi tạo điều kiện cho học viên tham gia kỳ thi tốt nghiệp.

Học viên Nguyễn Quang Huy đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp cùng với các học viên khác của lớp tại chức Luật K4 và đã đạt yêu cầu để tốt nghiệp với điểm số: 5.00 môn Luật hành chính; 5.00 môn TPQT; điểm TBKH 5.90; xếp loại Trung bình.

Tuy nhiên, do chưa có kết quả xác nhận bằng cấp 3 nên học viên Nguyễn Quang Huy không có tên trong danh sách 39 học viên được công nhận tốt nghiệp của lớp tại chức Luật K4 mở tại trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin, Bộ Văn hóa – Thông tin.

Và sau khi có kết quá xác nhận bằng cấp 3, học viên Nguyễn Quang Huy đã được công nhận tốt nghiệp đợt 2 cùng với lớp tại chức Luật K4. Học viên Nguyễn Quang Huy được nhận bằng cùng các học viên khác trong ngày 1/3/2012 là hoàn toàn đúng quy chế…”
4. Về việc truy thu học phí cuối khóa 785.000 đồng/học viên với lớp tại chức Luật K4 mở tại trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin:
Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định: Truy thu học phí đúng theo quy định
Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định: Truy thu học phí đúng theo quy định
TS. Lê Văn Long đã cung cấp cho phóng viên báo Giáo dục Việt Nam “Quyết định về việc quy định mức thu học phí hệ ĐH của trường ĐH Luật Hà Nội” ban hành ngày 18/8/2010. Theo đó, mức thu học phí với học viên tại chức là 435.000 đồng/học viên/tháng (thu 50 tháng/khóa học) tương đương 21.750.000 đồng/khóa học/ học viên... TS. Lê Văn Long cũng cho biết: “Việc áp dụng định mức học phí mới (2.175.000 đồng/học viên/kỳ) theo Nghị định 49/CP và Quyết định 1351/QD-ĐHLHN ngày 18/8/2010 của Hiệu trường trường ĐH Luật Hà Nội là hoàn toàn đúng quy định.

Như vậy, lớp tại chức Luật K4 mở tại trường Cán bộ quản lý Văn hóa – Thông tin phải thu bổ sung kỳ 10 sẽ là 2.175.000 đồng/kỳ/ học viên - 1.390.000 đồng/kỳ/học viên = 785.000 đồng/kỳ/học viên.

Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định việc truy thu học phí là hoàn toàn đúng với quy định và không có dấu hiệu trục lợi, gây khó dễ cho học viên…”
5. Về việc chị Lê Thị Thu Hương có hay không bị Thanh tra trường ĐH Luật Hà Nội trù dập, ép ký biên bản vi phạm quy chế thi tốt nghiệp:
Học viên Lê Thị Thu Hương đã ký vào biên bản vi phạm quy chế thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong đơn thư gửi đến báo Giáo dục Việt Nam, bà Hương cho biết đã bị ép ký
Học viên Lê Thị Thu Hương đã ký vào biên bản vi phạm quy chế thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong đơn thư gửi đến báo Giáo dục Việt Nam, bà Hương cho biết đã bị ép ký
Ngày 28/12/2011, TS. Lê Văn Long đã có báo cáo chi tiết với Ban giám hiệu trường ĐH Luật Hà Nội về xử lý khiếu nại của học viên Lê Thị Thu Hương.
Những tài liệu PGS.TS Trần Ngọc Dũng cung cấp cho phóng viên báo Giáo dục Việt Nam và khẳng định: Đó là những tài liệu của học viên Lê Thị Thu Hương
Những tài liệu PGS.TS Trần Ngọc Dũng cung cấp cho phóng viên báo Giáo dục Việt Nam và khẳng định: Đó là những tài liệu của học viên Lê Thị Thu Hương
Báo cáo nêu rõ: “Qua đối chất giữa đương sự với các bên có liên quan và ý kiến của các nhân chứng, chúng tôi kết luận về các nội dung theo đơn khiếu nại như sau:

- Ban coi thi đã phổ biến nội dung, quy chế phòng thi và giám thị phòng thi số 1 đã nhắc nhở quy chế thi theo đúng quy định. Học viên Lê Thị Thu Hương có nghĩa vụ phải thực hiện đúng quy chế khi dự thi.

- Học viên Lê Thị Thu Hương khi dự thi môn Luật hành chính đã có hành vi mang tài liệu không được phép đặt dưới ngăn bàn.

- Thanh tra Trần Ngọc Dũng đã thực hiện nhiệm vụ thu tài liệu và lập biên bản là đúng quy định, hoàn toàn có cơ sở và mang tính khách quan.

- Không có chuyện thanh tra Trần Ngọc Dũng xưng hô “mày tao” và dùng uy quyền ép học viên Lê Thị Thu Hương ký vào biên bản…

- Ra quyết định kỷ luật với học viên Lê Thị Thu Hương theo Điều 05, 06, Điều 17 Thông tư số 09/2010/TT-BGDĐT ngày 10/3/2010 về Quy chế học viên các trường ĐH, CĐ, TCCN hình thức vừa học vừa làm.
…”
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, TS Lê Văn Long khẳng định các điều tố cáo của bà Lê Thị Thu Hương. Bà Hương mới chỉ thấy các hiện tượng bên ngoài đã vội vàng quy kết nhà trường làm sai luật.  Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả Lê Thị Thu Hương cùng quý độc giả những ý kiến trả lời của trường ĐH Luật Hà Nội để bà Hương cũng như độc giả hiểu rõ hơn vụ việc này.
Thu Hòe