Thương con như thế bằng mười hại con

22/10/2016 06:29
Nguyễn Cao
(GDVN) - Tình thương của cha mẹ sẽ không đong đếm được khi dành cho con cái nhưng nếu ứng xử như phụ huynh C thì “thương con như thế bằng mười hại con”.

LTS: Trước vụ việc một phụ huynh ở trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đức Trí ở quận Hải Châu, Đà Nẵng tát vào mặt cô giáo L.A khi cô đang trả học sinh là một sự việc gây xôn xao trong ngành giáo dục.

Việc học sinh gây gổ, đánh nhau thì báo chí đã phản ánh nhiều nhưng giáo viên bị phụ huynh đánh thì từ trước đến nay rất ít được đề cập. Đánh giá trách nhiệm từ phía cả phụ huynh và giáo viên, thầy giáo Nguyễn Cao có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Là cha mẹ, ai cũng đều thương con mình - nhất là hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có 1-2 con.

Song, tình thương đó phải đặt đúng chỗ và có những phương pháp giáo dục phù hợp mới hướng con em mình trở thành con ngoan, trò giỏi, có ý thức trong học tập và sẻ chia với cộng đồng.

Sự việc bà L.T.C, mẹ của em H.G (học sinh lớp 3, trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đức Trí ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) tát vào mặt cô giáo L.A khi cô đang trả học sinh là một bài học đắng chát trong việc bảo vệ và nuôi dạy con mình.

Cô L.A đã bị “tát nhầm” bởi người đánh học sinh H.G là cô O. Nguyên nhân đánh học trò được cô O lí giải là do em H.G không ngủ trưa mà còn nói chuyện với bạn.

Cô đánh vào vai nhưng trượt lên má và do cô để móng tay dài nên mới vị xước má học sinh. Dù cô O có thanh minh như thế nào trong trường hợp này thì cô vẫn là người sai trong triết lí giáo dục hiện đại.

Khi mà những việc làm của cô đã vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Đức Trí (Đà Nẵng) nơi xảy ra sự vụ phụ huynh tát vào mặt giáo viên (Ảnh: vtc.vn).
Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Đức Trí (Đà Nẵng) nơi xảy ra sự vụ phụ huynh tát vào mặt giáo viên (Ảnh: vtc.vn).

Hành động của cô chắc chắn ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ có hình thức xử lí theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ của trường học. Song, những vết thương lòng trong lòng cô O và nhất là cô L.A (người bị đánh nhầm giữa sân trường) sẽ không dễ nguôi ngoai.

Điều mà dư luận hiện nay đang bàn tán không phải là hành động của cô O đánh học trò mà là hành động của phụ huynh L.T.C (một giáo viên Trung học Phổ thông trên cùng địa bàn).

Có lẽ tình yêu thương con đã vượt qua lí trí và cách ứng xử của một người thầy.

Lẽ ra, cùng là giáo viên với nhau, dù cô O có sai đến đâu thì cũng đã có Ban Giám hiệu nhà trường và các cấp lãnh đạo ngành xử lí nếu phụ huynh biết kiềm chế và giữ được bình tĩnh thì có lẽ cách ứng xử sẽ nhân văn hơn.

Song, phụ huynh C đã không làm được. Khi đi vào sân trường đánh một giáo viên trước mặt học sinh và phụ huynh như vậy có lẽ phụ huynh C vẫn chưa hả giận (dù sau đó biết là đánh nhầm).

Khi Ban Giám hiệu mời phụ huynh và cô O vào văn phòng thì phụ huynh C vẫn quay phim cô O để tung lên mạng xã hội cho mọi người “biết mặt”. Đây rõ ràng là một cách hành xử chưa văn minh trong xã hội hiện đại - vô tình tự đẩy mình từ sai phạm này đến những sai phạm khác.

Mặc nhiên, cô O là người sai phạm trước nhưng hành động của cô được dư luận cảm thông, còn phụ huynh C bị chê trách nhiều hơn.

Trong các cấp học hiện nay, không có cấp học nào vất vả hơn giáo viên Mầm non và Tiểu học. Người giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy về kiến thức mà còn phải uốn nắn các em từ tiếng nói, dỗ các em từng miếng ăn và giúp các em những kĩ năng sơ đẳng nhất của một đời người.

Đối với cấp Tiểu học nếu dạy một buổi/ ngày thì không nói làm gì, còn nếu học sinh học bán trú thì người giáo viên chủ nhiệm lớp vô cùng vất vả.

Mỗi giáo viên quản lí mấy chục học trò/ lớp và cũng chừng ấy tính cách khác nhau; mỗi em một số phận, một gia cảnh.

Có những em được cha mẹ dạy dỗ nghiêm túc, vừa có sự yêu thương và có cả trách nhiệm thì thầy cô trên lớp đỡ vất vả, còn những em được gia đình cưng chiều thì giáo viên chủ nhiệm vất vả gấp bội phần.

Thương con như thế bằng mười hại con ảnh 2

Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành?

Ta cứ tưởng tưởng trong mỗi bữa ăn chúng ta có cả cha và mẹ nhưng chỉ với 1 đứa con đã phải vất vả như thế nào thì con chúng ta mới ăn được, ăn cơm xong cho con đi ngủ trưa thì nó tìm hết cách này đến cách khác đối phó để… không ngủ.

Vậy lẽ nào ta vô tâm với giáo viên của con mình - họ cũng là con người - cũng phải có lúc nóng giận… bởi, nếu không có một nội quy, cách quản lí thì làm sao mỗi người thầy “quản” được một lúc mấy chục học sinh  cả chuyện học, chuyện ăn, chuyện ngủ…

Cách ứng xử của phụ huynh L.T.C cũng là cách ứng xử của một số phụ huynh hiện nay khi thấy “của đau, con xót”.

Tuy nhiên, có lẽ mỗi phụ huynh cũng cần có một sự bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo để trọn lí, vẹn tình.

Tình thương của cha mẹ sẽ không đong đếm được khi dành cho con cái nhưng nếu ứng xử như phụ huynh C thì “thương con như thế bằng mười hại con”.

Bởi rồi đây cháu H.G sẽ ứng xử ra sao khi tiếp xúc với môi trường học tập mới (H.G đã chuyển trường) và giáo viên, bạn bè của em “có dám” “dạy” và “chơi” với em H.G hay không? Bản thân phụ huynh C sẽ dạy học trò của mình trên lớp như thế nào?

Nguyễn Cao