Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Có thể mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực ra cả nước

27/05/2016 07:50
Bài và ảnh Xuân Trung
(GDVN) - Đó là quan điểm của TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&Đ) khi ông chứng kiến phổ điểm thi của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 25/5, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm bài thi đánh giá năng lực chung và bài thi Ngoại ngữ, kèm theo đó là kết quả so sánh giữa hai năm thi đánh giá năng lực.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định về phổ điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là phổ điểm chuẩn, cân đối, đánh giá đúng được chất lượng học sinh và có thể tin cậy được.

TS. Khuyến cho rằng, lâu nay cách làm đề của Bộ GD&ĐT không theo tiêu chuẩn, mà chủ yếu do tư duy vỗ trán của người làm đề, đề không được đưa vào các công cụ đo lường, đánh giá. Ngược lại, nhìn từ phổ điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội thì đây là bộ đề tiêu chuẩn, và khi đề được đưa vào ngân hàng đề đã qua bước đo lường để loại ra những câu hỏi không đủ tiêu chuẩn.

Phổ điểm bài thi đánh giá năng lực chung của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phổ điểm bài thi đánh giá năng lực chung của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước đó, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để có được bộ đề phục vụ cho kỳ thi đánh giá năng lực thì đề đã được thử nghiệm đối với học sinh để chuẩn hóa. Còn TS. Lê Viết Khuyến thì cho rằng, đây là khâu hết sức quan trọng và thực tế đề thi đã được chuẩn hóa tốt. 

Theo TS. Khuyến, đối với những đề thi dành cho quy mô lớn thì đề đó phải làm các ngân hàng đề, ngân hàng đề này là những đề đã được thử nghiệm trong thực tế, đảm bảo các tiêu chuẩn, phù hợp với trình độ số đông người học.

Điều này khác hoàn toàn so với cách làm đề theo lối truyền thống, đó là cách làm do người thầy cảm nhận đề dễ hoặc khó, chứ không xuất phát từ người học. 

Qua đây, TS. Khuyến cũng chia sẻ thêm về nguyên tắc làm một bộ đề tiêu chuẩn: Theo đó, đề thi tiêu chuẩn là đề sẽ được thiết kế để đưa vào trong một kỳ thi nào đó mà có số lượng lớn, qua quá trình thử nghiệm để loại ra được bộ đề nào không chuẩn, nếu chuẩn mới chính thức đưa vào ngân hàng đề - gọi là bộ đề tiêu chuẩn.

“Bộ đề tiêu chuẩn làm rất công phu, còn cách làm đề như lâu nay là gọi người làm đề đến và “nhốt” người thầy một chỗ để làm, các thầy ra đề và theo tư duy của mình đề này là dễ, là khó. Ở đây dễ hay khó là chỉ với các thầy, chứ không phải khó, dễ đối với người học, đó là mang tính chủ quan của người ra đề, mặc nhiên coi người thầy là đúng, là chính xác” TS. Khuyến cho biết.

Còn chuyện làm đề cho một nhóm nhỏ thi (lớp học) thì không thể làm đề thi tiêu chuẩn mà đề đó sẽ có đáp án, đáp án đó mang tính chất tham khảo.

Dựa vào đáp án đó để chấm điểm, nhưng chấm xong sẽ không lấy kết quả chấm đó là chính xác, mà chọn ra trong số các bài thi (có thể là 5%) những bài có điểm cao nhất (VD điểm 7 là cao nhất) thì chỉnh điểm 7 đó thành điểm 10. Sau đó mới lấy theo ba-rem điểm đã được chỉnh.

Theo TS. Khuyến, Bộ GD&ĐT nên xem xét có thể áp dụng phương thức thi của Đại học Quốc gia Hà Nội cho cả nước.
Theo TS. Khuyến, Bộ GD&ĐT nên xem xét có thể áp dụng phương thức thi của Đại học Quốc gia Hà Nội cho cả nước.

Vậy, nhìn vào phổ điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội thì Bộ GD&ĐT sẽ rút ra được gì cho quá trình xây dựng đề, triển khai cách thức tổ chức thi? Câu hỏi này TS. Lê Viết Khuyến khẳng định, với phổ điểm này Bộ GD&ĐT nên lấy cách làm đề, xây dựng đề như của Đại học Quốc gia Hà Nội để làm cho kỳ thi THPT quốc gia.

Dựa vào kết quả này sẽ có căn cứ để xét tốt nghiệp. Ví dụ như xét 70% tốt nghiệp (với đề thi tiêu chuẩn thì tỷ lệ tốt nghiệp chỉ ở 70%), trong 70% này sẽ tự động lọc ra để thí sinh đạt được điểm sàn để vào đại học. Còn vào được đại học hay không là do từng trường đại học quyết định.

Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực

Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực

(GDVN) - Tối ngày 25/5, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công khai phổ điểm thi đánh giá năng lực, trong đó có phổ điểm môn Ngoại ngữ.

“Vấn đề này tôi đã nhiều lần góp ý với Bộ, tức là không cần có điểm sàn, cứ tốt nghiệp THPT là mặc nhiên đủ điều kiện cần để vào học đại học, cao đẳng, còn vào học một trường cụ thể nào thì còn phải đảm bảo điều kiện đủ do các trường đặt ra” TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Với quy mô như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua thì việc mở rộng phương thức thi cũng như làm đề  theo cách chuẩn hóa có gặp khó khăn gì? TS. Khuyến khẳng định, sẽ không gặp khó khăn và đáng lẽ kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội phải áp dụng chung cho cả nước, lấy đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Như vậy Đại học Quốc gia Hà Nội không cần phải tổ chức một kỳ thi thêm, mà có thể chỉ đặt ra thêm một số tiêu chí để tuyển sinh. Còn việc xét tuyển vào đại học theo phương thức của Đại học Quốc gia Hà Nội và theo các nhóm như hiện nay chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật” TS. Khuyến cho hay.

Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm cho bài thi đánh giá năng lực.

Bài thi Đánh giá năng lực theo thống kê dữ liệu điểm thi cho thấy: điểm trung bình của toàn bộ thí sinh là 75,2 (trên tổng 140); điểm trung vị (có 50% số thí sinh có điểm cao hơn mốc điểm này) là 75; tổng số thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên là 64,82%, trong đó điểm phổ biến mà thí sinh đạt được là từ 64 - 87 điểm. Thí sinh đạt điểm cao nhất là 124/140 điểm.

Bài và ảnh Xuân Trung