Tiến sĩ Ngô Gia Võ: "Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ"

24/02/2015 06:08
TS Ngô Gia Võ
(GDVN) - Học sinh lớp 5 đã học theo kiểu cũ 4 năm rồi, độp một cái không chấm điểm, không giao bài tập về nhà,... liệu các em có đạt chuẩn bước vào lớp 6 không?

Bài viết Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30 của TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bài viết nhận được nhiều ý kiến bình luận. Đồng tình có, phản biện cũng có.

Để làm rõ hơn nội dung bài viết và thêm vài suy nghĩ của tác giả sau khi bài báo được đăng tải, TS Ngô Gia Võ có bài viết mới gửi đến tòa soạn.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến quý độc giả.

1. Cảm xúc sau bài báo

Tôi thật bất ngờ khi có quá nhiều bạn đọc quan tâm tới bài viết của mình. Có rất nhiều người truy cập và hàng trăm ý kiến bình luận. Có một số ít tôi biết, còn hầu như không biết. 

Tôi đọc kỹ các ý kiến của độc giả và rất xúc động trước sự chân thành, tình cảm quý trọng và cả sự quan tâm lo lắng của các bạn đối với tác giả. Tôi xin cảm ơn tất cả và gửi tới độc giả sự tri ân sâu sắc của mình. Xin cảm ơn cả những ý kiến phản biện nữa. Tất nhiên, trong các ý kiến không đồng tình, phê phán tôi có những ý kiến tôi không thích vì cách nói như muốn dạy dỗ người viết. Tôi nghĩ rằng đó là những người còn trẻ, khá non nớt trong sự nghiệp giáo dục, nên nói năng “lởm khởm” cũng là lẽ thường. Tôi đã dạy học 35 năm rồi, tôi cảm thông cho họ.

Tôi cho rằng sự quan tâm của đông đảo bạn đọc với những thông tin đa chiều ấy là may mắn đối với những người cả đời dạy học như chúng tôi nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Chúng tôi đã rút ra được nhiều điều rất có ý nghĩa và giá trị. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả!

2. Về cơ bản, nội dung Thông tư 30 là đúng đắn, tiến bộ

Tôi không hề có một câu chữ nào phủ nhận nội dung tiến bộ của Thông tư 30. Thậm chí, tôi còn đánh giá rất cao Thông tư này.

Ở phần cuối bài viết trong mục 5 - Nguồn gốc của vấn đề, tôi đã khẳng định nếu thực hiện tốt, đúng lộ trình thì: “Sau 5 năm ta sẽ có một phương pháp kiểm tra đánh giá hoàn toàn mới và khoa học; đáp ứng được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đất nước như Nghị quyết của Đảng” “Việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo Thông tư 30 sẽ nâng cao ý thức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cho người giáo viên”.

TS Ngô Gia Võ đánh giá cao Thông tư 30 là đúng đắn, tiến bộ. Ảnh minh họa (Nguồn: baophapluat.vn)
TS Ngô Gia Võ đánh giá cao Thông tư 30 là đúng đắn, tiến bộ. Ảnh minh họa (Nguồn: baophapluat.vn)

Tôi cũng thấu hiểu sự trăn trở, khát khao và công sức của những người soạn thảo Thông tư này và cả những người quản lý giáo dục ở Bộ. Tất cả đều mong muốn đem đến những điều tốt đẹp cho con em mình, muốn các thế hệ tương lai được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến, hiệu quả, trở thành những công dân tốt, có đầy đủ năng lực và phẩm chất để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta như mong muốn của Đảng và Nhân dân.

Chỉ có vài điểm nhỏ trong nội dung Thông tư tôi chưa đồng ý là việc bỏ điểm 0 (không) và hết học kỳ chỉ xếp học sinh vào hai loại: Đạt - Không đạt. Tôi không phân tích thêm sự bất cập của hai điểm này nữa vì bài báo của tôi và bài báo của tác giả Xuân Dương ngày 5/2/2014: Hệ lụy đổi mới giáo dục nhìn từ Thông tư 30 của Bộ Giáo dục & Đào tạođã chỉ rõ.

Tôi nghĩ, ngay cả bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh lãnh đạo cao cấp của Nhà nước mà Quốc hội đã tiến hành, chúng ta thấy toàn những con người giỏi giang ưu tú cả, vẫn còn được chia làm 3 loại: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp. Hà cớ gì mà ở tiểu học, học sinh điểm 5,6 lại xếp cùng một loại với học sinh điểm 9,10?

3. Điều đáng bàn nhất trong “Nhìn lại Thông tư 30 sau học kỳ I” là cách làm, cách triển khai Thông tư này

Tôi vẫn cho rằng cách triển khai Thông tư 30 rất vội vàng, thiếu cân nhắc, thậm chí duy ý chí và phản khoa học.

Tôi nhất trí với ý kiến bình luận của nhiều tác giả, trong đó có tác giả Nguyễn Ngọc Huân. Để thực hiện tốt Thông tư này, cần có một lộ trình phù hợp và những điều kiện đảm bảo một cách đồng bộ, thực tiễn và khoa học. Tôi cũng rất xúc động trước ý kiến của Bảo Thy - một cô giáo tiểu học đầy tâm huyết và trách nhiệm. Tôi cũng đồng cảm với những bức xúc của các thầy cô giáo khác…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ráo riết chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK các cấp học sau 2015 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học và cũng đang đề nghị Nhà nước có lộ trình tăng lương cho giáo viên.

Do đó, việc triển khai Thông tư này nếu làm từ từ, bắt đầu từ lớp 1, lớp 2 trước, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, làm đến đâu sẽ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, uốn nắn và chỉ đạo đến đó thì đến năm 2017, khi bộ SGK mới hoàn thành và đi vào thực hiện, kết quả sẽ tốt đẹp biết bao. Nếu làm như thế, việc quá tải của giáo viên không lớn và rất dễ giải quyết. Mỗi trường tiểu học có thể cử các giáo viên lớp trên hoặc giáo viên ít giờ hơn hỗ trợ và giúp đỡ các giáo viên lớp dưới, chắc chắn việc thực hiện Thông tư sẽ xuôi chèo mát mái, không gây ra những biến động lớn và sự bức xúc như hiện nay.

Còn phải tính toán thật kĩ sự vênh lệch giữa các vùng miền, các loại trường tiểu học khác nhau như trường Công lập, Dân lập, Tư thục, Quốc tế, trường Nội trú, các Điểm trường ở vùng sâu vùng xa, những lớp ghép nhiều trình độ… Thực tiễn giáo dục cực kì phong phú và phức tạp, cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và phù hợp thì việc thực hiện Thông tư 30 mới đạt kết quả tốt được.

Việc các Sở, các Phòng Giáo dục và các Trường chỉ đạo Thông tư không đúng mong muốn của người hoạch định chính sách, dẫn tới sự quá tải cho giáo viên và những hệ lụy như hiện nay không thể đổ lỗi cho Sở, Phòng, Trường và bản thân người giáo viên được. Trách nhiệm này thuộc về ai???

Tôi đã đọc ý kiến bình luận của Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD & ĐT Ninh Bình và được biết đội ngũ giáo viên tiểu học ở tỉnh này thực hiện rất tốt Thông tư 30. Tôi rất vui nhưng tôi có quyền hoài nghi đánh giá ấy. Vậy thì Sở GD & ĐT Ninh Bình siêu thật? Và, Phòng Giáo dục Tiểu học của Sở có lẽ nên được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhất. Ước gì các thầy cô giáo tiểu học cả nước sẽ về Ninh Bình học tập để nâng cao trình độ.

4. Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ!

Tôi nghĩ nhiều về lớp 5 trong năm học 2014 - 2015 này. Các em đã học tập theo kiểu cũ 4 năm rồi; tháng 8, tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2014 vẫn theo nếp cũ. Độp một cái, từ 15 tháng 10 năm 2014 không chấm điểm, không giao bài tập về nhà, thi học kì không có điểm 0 (không). Trong khi đó, chương trình, SGK, những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng trong từng bài học, từng môn học vẫn thế, vẫn rất nặng; phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa có gì thay đổi. Liệu các em lớp 5 có hoàn thành được nhiệm vụ học tập của mình để đạt chuẩn bước vào lớp 6 không ?

Bảy, tám tháng trời, học sinh lớp 5 học và chơi thoải mái. Đúng là “giảm tải, giảm áp lực (!)”; Đúng là “Hồn nhiên, trong sáng và sung sướng (!!!)”. Nhưng cuối tháng 8 này, các em lại trở về với cách đánh giá cũ, lại chấm điểm từng bài, lại được giao bài tập về nhà, lại có điểm 0 (không), lại xếp loại kiểu khác theo đặc thù của Trung học Cơ sở. Một năm có tới 3 lần thay đổi đối với lũ trẻ 11 - 12 tuổi liệu có phù hợp không ? Kết quả sẽ ra sao ? THCS sẽ phải hứng đón một thế hệ lớp 5 như thế nào đây ? Các cơ quan quản lý giáo dục đã chuẩn bị cho lớp 5 lên lớp 6 như thế nào ? Có Thông tư nào sắp ban hành chưa ?

Tôi lo sợ sự hẫng hụt và khác biệt quá lớn này sẽ ảnh hưởng xấu đến một lớp người trong tương lai. Các bậc phụ huynh có con em học lớp 5 hãy cẩn trọng !.

5. Vài suy ngẫm khác

Tôi cứ băn khoăn không biết những người làm công tác quản lý giáo dục ở nước mình đã trải qua bao nhiêu năm dạy học? Có thực tế là không ít người từ khi ra trường chủ yếu đi học rồi làm việc khác, thực tiễn và kinh nghiệm giáo dục chẳng có được là bao. Vậy mà, vẫn phán như thánh vậy. Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành phương pháp dạy học chưa hề dạy học hoặc dạy học rất ít. Ở lại trường Đại học xong - đi học thạc sĩ; thạc sĩ xong - đi học tiến sĩ; lý thuyết thì quá giỏi nhưng kinh nghiệm thì non nớt. Phải chăng đây cũng là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều chính sách giáo dục chưa đủ độ chín và thiếu tính ứng dụng ???

Thôi, năm mới đã đến rồi! Băn khoăn để đấy đã. Nhân dịp xuân Ất Mùi, tôi xin gửi tới quý Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và tất cả bạn đọc lời chúc sức khỏe, niềm vui và thành công. Mong sao những điều chưa tốt sẽ tốt lên, những hạn chế sai sót sẽ được chỉnh sửa và khắc phục để con cháu chúng ta được phát triển tốt nhất năng lực và phẩm chất của mình, để nền giáo dục nước nhà gặt hái được những thành tựu có giá trị.

TS Ngô Gia Võ