Tiến sĩ Sái Công Hồng: Thi đánh giá năng lực sẽ ổn định, tin cậy, phân loại cao

29/09/2016 13:15
Thùy Linh
(GDVN) - Kết quả cho thấy, các hợp phần của bài thi đánh giá năng lực có khả năng phân loại rất tốt.

LTS: Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tổ chức thí điểm từ năm 2014, trong đó có 2 năm thực hiện đánh giá trên diện rộng với số lượng gần 65.000 lượt thí sinh năm 2015 và gần 85.000 lượt thí sinh dự thi năm 2016.

Vừa qua, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành phân tích, đối sánh kết quả thi của các năm và đánh giá tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực với điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12 với mẫu khảo sát khoảng 1.600 sinh viên đã trúng tuyển vào một số trường Đại học thành viên và khoa trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về kết quả phân tích này, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Sái Công Hồng (Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

PV: Được biết, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể sẽ còn được nhân rộng hơn nữa vì tính khả thi và trách nhiệm xã hội của kỳ thi này mang lại.

Là người đứng đầu trung tâm khảo thí, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi đánh giá năng lực qua quá trình phân tích kết quả bài thi sau 2 năm áp dụng?

Tiến sĩ Sái Công Hồng: Kết quả phân tích tổng điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2015 và năm 2016 cho thấy phổ điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2015 và năm 2016 không có sự khác biệt, phổ điểm của cả hai năm đều có phân bố chuẩn, cân đối cả hai phía.

Điều này khẳng định với các câu hỏi thi và đề thi được chuẩn hóa theo quy trình khảo thí hiện đại có độ tin cậy và độ phân biệt cao, tính giá trị hay nói cách khác khả năng đo năng lực của các câu hỏi thi là không đổi theo năng lực của người trả lời câu hỏi.

Điều này được thể hiện trong phân tích, đối sánh phổ điểm của bài thi đánh giá năng lực năm 2015 so với năm 2016 vừa qua của Đại học Quốc gia Hà Nội dưới đây:

Từ phổ điểm ở hình 1 cho thấy:

Năm 2015: điểm trung bình là 76,60 với độ lệch chuẩn là 14,586.

Năm 2016: điểm trung bình là 75,21 với độ lệch chuẩn là 13,936.

Như vậy, độ biến thiên của điểm thi năm 2016 gần như là không thay đổi so với năm 2015 (18,88% năm 2015 và 18,5% năm 2016). Hay nói cách khác, bài thi đánh giá năng lực đã được chuẩn hóa, có mức độ phân hóa tốt.

Để khẳng định chắc chắn cho các luận điểm này chúng tôi tiếp tục phân tích, so sánh, đánh giá kết quả thi của các từng hợp phần của bài thi đánh giá năng lực là Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội của các thí sinh tham dự thi năm 2015, 2016.

Kết quả cho thấy tính ổn định, phân loại, của các hợp phần qua 2 năm hoàn toàn tương đồng nhau và có thể khẳng định các hợp phần của bài thi đánh giá năng lực có khả năng phân loại rất tốt.

Điều này được minh họa trong hình 2, 3, 4 dưới đây:

(Nguồn: Phân tích kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội).
(Nguồn: Phân tích kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội).
(Nguồn: Phân tích kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội).
(Nguồn: Phân tích kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đặc biệt khi chúng tôi tiến hành phân tích, so sánh chi tiết điểm trung bình và độ lệch chuẩn của các phần Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội trong 2 năm 2015 và 2016 thì sự tương đương về kết quả của hai thông số này gần như không đổi.

Điều này được minh họa trong biểu đồ so sánh ở hình 5 dưới đây:

Với phân tích sâu này kết hợp với phân tích tổng thể bài thi đánh giá năng lực, có thể khẳng định bài thi đánh giá năng lực đã đo đúng được năng lực của các thí sinh tham gia dự thi và có tính ổn định rất cao với toàn bài thi và từng hợp phần của bài thi.

PV: Qua quá trình phân tích kết quả dữ liệu, ông có đánh giá gì về tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia?

Tiến sĩ Sái Công Hồng: Năm 2015, chúng tôi đã tiến hành khảo sát khoảng 1.600 sinh viên đã trúng tuyển vào một số trường Đại học thành viên và khoa trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội để đánh giá tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực đánh giá năng lực với điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12.

Phân tích phổ điểm cho thấy điểm bài thi đánh giá năng lực và điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia tổng hợp ba môn theo khối đều khá gần đường cong chuẩn (phân phối hình chuông theo Hình 6), nhưng phổ điểm bài thi đánh giá năng lực có độ phân tán cao, trong khi phổ điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia có độ chụm cao.

Phân tích tương quan giữa kết quả thi đánh giá năng lực và kết quả tổng hợp 3 môn thi theo khối của số sinh viên được khảo sát có kết quả như sau:

Tổng điểm bài thi đánh giá năng lực

Tổng 3 môn tốt nghiệp

Tổng điểm bài thi đánh giá năng lực

Hệ số Pearson

1

0,545**

Mức ý nghĩa

0,00

Tổng 3 môn tốt nghiệp

Hệ số Pearson

0,545**

1

Mức ý nghĩa

0,00

**. Hệ số có ý nghĩa ở mức 0.01.

Bảng 1: Tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Kết quả phân tích trong Bảng 1 cho thấy có mối tương quan ở mức trung bình giữa điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Mức ý nghĩa cho thấy: sinh viên có điểm thi đánh giá năng lực cao thì có điểm thi Trung học Phổ thông (tổ hợp ba môn theo khối) cũng cao.

Tuy nhiên chưa thể suy theo chiều ngược lại, do đó vẫn có  sinh viên đạt điểm thi Trung học Phổ thông (tổ hợp ba môn theo khối) cao nhưng điểm thi đánh giá năng lực chưa cao.

Kết quả này có thể do bài thi đánh giá năng lực cần một kiến thức tổng hợp hơn so với việc thi theo khối thi truyền thống của thí sinh.

Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan giữa từng phần thi với điểm thi tương ứng: điểm thi so với điểm môn Toán của thí sinh trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia thì thấy đói với điểm thi  đánh giá năng lực phần Toán có độ biến thiên cao hơn một chút so với điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia môn Toán (23% so với 18%).

Tương tự như vậy, điểm thi đánh giá năng lực phần Ngữ văn và điểm thi Trung học Phổ thông môn Văn có độ biến thiên khá tương đương (22% so với 20%) và điểm thi đánh giá năng lực phần tự chọn và điểm thi Trung học Phổ thông các môn tự chọn có độ biến thiên khá tương đương (16% so với 15%).

PV: Vậy còn tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực so với kết quả học tập lớp 12 thì sao, thưa ông?

Tiến sĩ Sái Công Hồng: Cũng theo kết quả khảo sát điểm trung bình cả năm học lớp 12 của nhóm sinh viên được chọn chúng tôi thấy: Hầu hết các sinh viên đạt điểm thi đánh giá năng lực từ 70 điểm trở lên đều có kết quả học tập năm học từ mức trung bình trở lên (6,0).

Những sinh viên ở trong nhóm khoảng điểm thi đánh giá năng lực từ 90 điểm trở lên đều có kết quả học tập trung bình ở mức giỏi (từ 8,0 trở lên).

Như vậy bài thi đánh giá năng lực phản ánh đúng năng lực của các sinh viên khi học tập ở bậc phổ thông (hình 9).

Còn đi phân tích chi tiết theo từng phần thi bài thi đánh giá năng lực và kết quả học tập lớp 12 ở các môn tương ứng, kết quả cho thấy:

(i) Đối với môn Toán: kết quả học tập trung bình môn Toán của khối tự nhiên là 8,79 lớn hơn kết quả học tập trung bình của khối xã hội (8,26). Điều này dẫn tới việc, sinh viên có kết quả học môn Toán cao thì điểm thi đánh giá năng lực phần Toán cao.

Khối tự nhiên có kết quả học tập môn Toán cao hơn khối xã hội thì điểm thi đánh giá năng lực phần toán của khối tự nhiên cũng cao hơn khối xã hội;

(ii) Đối với môn Ngữ văn: điểm thi đánh giá năng lực phần Ngữ văn cũng như kết quả học tập môn Văn của khối tự nhiên thấp hơn của khối xã hội tuy nhiên, độ chênh lệch điểm giữa hai khối này không quá lớn.

Điều đó khẳng định đúng tính chất của bài thi đánh giá năng lực là đánh giá về mặt tư duy, tính toàn diện chứ không đơn thuần chỉ là kiểm tra kiến thức;

(iii) Đối với phần thi tự chọn: kết quả kiểm định tương quan cho thấy điểm thi đánh giá năng lực phần tự chọn có mối quan hệ không chặt chẽ với kết quả học tập tổng hợp 3 môn theo khối.

Sinh viên có điểm thi đánh giá năng lực phần tự chọn cao chưa chắc đã có kết quả học tập cao, ngược lại, sinh viên có điểm thi đánh giá năng lực thấp cũng chưa phải đều có kết quả học tập kém.

Điều này, cần được nghiên cứu chi tiết để giải thích tính tương quan chưa chặt này (Bảng 2).

Khối

Điểm đánh giá năng lực

phần Toán

Kết quả học tập môn Toán

Điểm đánh giá năng lực

phần Văn

Kết quả học tập môn Văn

Điểm thi đánh giá năng lực phần Khoa học Tự nhiên

Kết quả học tập 03 môn theo Khoa học Tự nhiên

Điểm thi đánh giá năng lực phần Khoa học Nhân văn

Kết quả học tập 03 môn theo Khoa học Nhân văn

Tự nhiên

Điểm TB

36,06

8,79

34,27

7,53

Độ lệch chuẩn

5,81

0,63

3,70

0,71

Xã hội

Điểm TB

27,65

8,26

35,91

7,94

Độ lệch chuẩn

7,81

0,82

3,31

0,68

Tổng

Điểm TB

33,04

8,6

34,86

7,68

24,75

8.47

23.22

8.26

Độ lệch chuẩn

7,73

0,75

3,65

0,73

4.81

0.69

4.18

0.60

Bảng 2: So sánh kết quả thi đánh giá năng lực các phần với điểm thi trung bình các môn học lớp 12

(Nguồn: Sái Công Hồng - Đánh giá tương quan giữa điểm thi đánh giá năng lực và kết quả học tập lớp 12; Tạp chí Khoa học giáo dục 131 (2016))

PV: Tóm tắt ngắn gọn những ưu điểm của kỳ thi đánh giá năng lực để chứng tỏ nó phù hợp các kỳ thi trên diện rộng thì ông sẽ nói gì?

Tiến sĩ Sái Công Hồng: Từ kết quả phân tích chúng tôi có một số đánh giá chung như sau:

Một là, bài thi đánh giá năng lực có tính ổn định về độ tin cậy, độ giá trị và khả năng phân loại cao trong việc tổ chức tổ chức thi diện rộng. Đặc biệt, là tổ chức rất gọn nhẹ và hiệu quả về mặt kinh tế cho cả đơn vị tổ chức, gia đình thí sinh và xã hội.

Hai là, bài thi đánh giá năng lực có mối tương quan với kết quả học tập lớp 12 và điểm thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Đặc biệt khi đi phân tích các hợp phần Toán, Ngữ văn và tự chọn đều có thể đánh giá phân loại được các thí sinh tương đối tốt.

Ba là, hình thức thi đánh giá năng lực không những thuận lợi cho thí sinh mà còn đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh, tránh hiện tượng học lệch, học tủ, đảm bảo công bằng khách quan nhất trong các hình thức đánh giá hiện nay.

Bốn là, hình thức thi phù hợp với những kỳ thi trên diện rộng, vừa tiết kiệm, đơn giản mà vẫn đảm bảo đánh giá được đầy đủ, chính xác năng lực người thi. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá là xu hướng phát triển của khoa học đo lường và đánh giá trên thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Sái Công Hồng!

Thùy Linh