Tiến sĩ chân trong chân ngoài, chạy sô khắp các trường

15/01/2017 05:27
An Nguyên
(GDVN) - Tiến sĩ cơ hữu ở trường này nhưng lại tham gia giảng dạy ở rất nhiều trường khác, lãnh đạo trường biết rõ nhưng không thể giải quyết được.

Đó là thực trạng chung của nhiều trường đại học hiện nay, được nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra mổ xẻ, phân tích tại một hội do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng mới đây.

Tỷ lệ Tiến sĩ nước ta rất thấp

PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Đại học khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM và nhiều lãnh đạo các trường Đại học trong cả nước cho rằng, tỷ lệ tiến sĩ của nước ta hiện nay rất thấp.

Nhiều Tiến sĩ là nhân sự của Trường này nhưng tham gia giảng dạy, đứng tên ở rất nhiều trường khác. Ảnh: giaoduc.net.vn
Nhiều Tiến sĩ là nhân sự của Trường này nhưng tham gia giảng dạy, đứng tên ở rất nhiều trường khác. Ảnh: giaoduc.net.vn

Cả chục năm nay mà cứ mãi ở con số 17% số lượng tiến sĩ là rất thấp. “Tôi rất buồn vì số lượng tiến sĩ quá thấp như vậy” ông Sen chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay, ông thực sự quan tâm đến vấn đề Tiến sĩ.

Bởi theo thống kê mới nhất thì hiện số lượng Tiến sĩ tăng lên được 2%. Như vậy số lượng Tiến sĩ của cả nước là 19% (cả nước tính theo bình quân toàn nghành ở hệ thống giáo dục bậc Đại học, có cả Cao đẳng).

Mặc dù số lượng Tiến sĩ đang có xu hướng tăng, tuy nhiên Bộ trưởng nhìn nhận: “Đây là chỉ số đáng báo động”.

"Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi"

"Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi"

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, với số lượng tiến sĩ quá ít thì sẽ rất khó khăn, khó lòng để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Một nền giáo dục mà chỉ có số lượng là Tiến sĩ như vậy thì lấy đâu ra chất lượng? Phải tạo sự cạnh tranh, thu hút và bồi dưỡng cho được những giáo viên giỏi, cơ hữu, trọng dụng họ” ông Nhạ phân tích thêm.

Người đứng đầu ngành giáo dục đặt ra câu hỏi: “Trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm hàng đầu của hiệu trưởng là đầu tư nâng cao chất lượng.

Gần đây, nhiều dự án như đề án 911 (đề án đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020) trình lên, tôi đã đề nghị phải làm lại.

Đồng thời, tôi đề nghị Chính phủ dành nguồn kinh phí này cho chính các trường rà soát lại đội ngũ.

Nguồn kinh phí này có kế hoạch dành cho cả trường công, trường tư như nhau, không phân biệt.

Mục đích để trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải đầu tư cho sinh viên đi du học xong không về” Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ ra thực tế: “Dù Tiến sĩ trình độ kém đi nữa thì cũng hơn Đại học”.

Theo đó, nhiều Tiến sĩ chưa chắc có trình độ, năng lực đã hơn thạc sĩ vì có rất nhiều thạc sĩ rất giỏi, nhưng chắc chắn sẽ hơn cử nhân.

1 chân trong trường 1 chân dạy khắp nơi

Đánh giá về chất lượng tiến sĩ, GS.TS  Đặng Kim Vui – Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên cho rằng, việc đào tạo Tiến sĩ hiện nay không đúng ngành nghề hoặc chỉ tập trung vào một số ngành nghề nhất định.

Còn đội ngũ Tiến sĩ thì phần nhiều học xong thường ham làm hiệu trưởng, hiệu phó hơn là chuyên môn.

GS. Vui chi sẻ: "Nhiều em học Tiến sĩ về lên gặp hiệu trưởng đề nghị xem xét, sắp xếp cho việc gì đó để làm (làm cán bộ quản lý – pv). Tôi bảo làm nghiên cứu và giảng dạy là chính chứ còn làm gì hơn được nữa?"

"Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị"

"Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị"

Theo Bộ trưởng Nhạ: “Sắp tới, Bộ sẽ xác định rõ phân tiêu đào tạo Tiến sĩ là đào tạo cho những giảng viên đại học chứ không phải đào tạo như là cứ có bằng Tiến sĩ.

Nên phải đưa vào chuẩn: một là học chuyên, đã là Tiến sĩ phải tham gia trợ giảng.

Tính chuyên của Tiến sĩ khác hẳn. Mục tiêu chính của việc đào tạo Tiến sĩ là để cho khoa học chứ không phải để “phổ cập” Tiến sĩ. Chúng ta tiếp cận đến hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Trong khi đó, GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM thì đánh giá, vấn đề Tiến sĩ đang rất cấp bách và cần phải có cơ chế đầu tư và quản lý.

GS. Qùy có đề xuất, để giải quyết vấn đề đội ngũ giảng dạy cần phải có kỷ cương rất chặt chẽ. Và giao cho Hiệu trưởng thẩm quyền giải quyết vấn đề về giảng viên.

Ngoài ra, GS. Qùy còn nêu lên một thực trạng đang xảy ra rất phổ biến ở các trường là, “Tiến sĩ là nhân sự của trường này nhưng tham gia giảng dạy, đứng tên ở rất nhiều nơi”. Lãnh đạo dù biết rõ mười mươi, nhưng không có biện pháp xử lý.

"Chúng tôi đầu tư cho đi học, gánh vác tất cả các thứ. Nếu trả lương gấp trăm lần mà không có cơ chế quản lý thì vẫn 1 chân ở Đại học này 1 chân đi dạy khắp các nơi. Mà hiệu trưởng các trường chẳng làm được gì trong vấn đề đấy cả".

GS. Quỳ nói tiếp, hiện nay các trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý đội ngũ Tiến sĩ. Dù biết rất rõ họ làm ở nhiều nơi, nhưng cũng bó tay.

 “Vậy Cục nhà giáo phải xem xét làm sao trong vấn đề này khi mà các trường chen nhau đua nở nhưng tiến sĩ thì chỉ có chừng đó thôi.

Ví dụ, hiện nay cả nước Tiến sĩ luật có bao nhiêu? đi dạy ở khắp nơi, đứng tên khắp nơi.

Tôi là hiệu trưởng cũng rất quyết liệt nhưng chẳng làm được gì. Bởi vì nếu làm gì đấy thì ‘Tôi xin lỗi cô, tôi đi trường khác, tôi làm trưởng khoa, tôi làm phó khoa, tôi không làm ở trường này nữa” GS. Quỳ nêu thực trạng.  

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ khẳng định, các trường cần tạo điều kiện tốt nhất để giữ chân những người làm chuyên môn chứ không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.

Đừng dùng hành chính để quản lý nhà khoa học mà phải có môi trường tốt để giữ chân và thu hút họ, tạo điều kiện cho họ tỏa sáng”.

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm: “Có những trường có rất nhiều giảng viên giỏi nhưng lại đang tỏa sáng ở những nơi khác, các giáo sư bây giờ quan hệ rộng lắm, quan hệ với toàn cầu”

Từ đó, Bộ trưởng khẳng định, để quy tụ và phát triển tạo điều kiện cho các giảng viên giỏi “tỏa sáng” là trách nhiệm của Hiệu trưởng.

An Nguyên