Tiến sĩ, không phải là con số, thì là vấn đề gì?

24/11/2017 07:37
Trần Thị Tuyết
(GDVN) - Việc tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ không đồng nghĩa với việc tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm khoa học. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

LTS: Trước vấn đề đào tạo tiến sĩ đang được nhiều người quan tâm trên nhiều diễn đàn giáo dục, cô giáo Trần Thị Tuyết từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ những vấn đề khiến đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam chưa hiệu quả.

Đặc biệt, vấn đề hỗ trợ hậu tiến sĩ vẫn còn chưa được đề cập đến.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong thời đại kinh tế tri thức, xã hội càng có nhiều người có trình độ cao thì tính cạnh tranh càng lớn.

Ở nhiều nước phát triển, khi đào tạo đại học trở thành phổ cập, để duy trì chất lượng, sinh viên phải nộp học phí khá cao.

Đơn cử như ở Úc, đa phần sinh viên người Úc đều phải tìm đến nguồn cho vay của chính phủ để giảm nhẹ gánh nặng học phí.

Tuy nhiên, nếu là nghiên cứu sinh, họ sẽ không phải đóng một đồng học phí nào dù theo mặt bằng chung, chi phí cho một nghiên cứu sinh luôn cao hơn rất nhiều chi phí cho một sinh viên các cấp độ dưới.

Việc đầu tư cho nghiên cứu sinh được coi là việc đầu tư cho những nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách cho tương lai.

Họ chính là những người được kỳ vọng là nhân tố dẫn dắt xã hội, nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước trong thời đại cạnh tranh bằng tri thức.

Vấn đề đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam cần chú trọng đến môi trường nghiên cứu. (Ảnh minh họa: VOV)
Vấn đề đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam cần chú trọng đến môi trường nghiên cứu. (Ảnh minh họa: VOV)

Chính vì vậy, khi biết quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giảng viên đại học, đặc biệt là hướng đến việc đầu tư đào tạo tiến sĩ, tôi đã rất mừng.

Tuy nhiên, khi được tiếp cận dự thảo đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với dự kiến chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ, tôi lại thấy băn khoăn.

Nguyên nhân của việc đưa ra quyết định đầu tư tiếp 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là do tỷ lệ công bố khoa học của nước ta còn quá thấp.

Kết quả công bố khoa học ở nước ta chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore.

Tuy nhiên, trình độ của đội ngũ giảng viên đại học tăng khá ấn tượng, trong năm học 2016-2017, tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16,514 người, chiếm 22,68% tổng số giảng viên (72.792 người).

Như vậy việc tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ không đồng nghĩa với việc tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm khoa học.

Vấn đề không nằm ở số lượng, vậy nó nằm ở đâu?

Ngoài việc xã hội vẫn băn khoăn về chất lượng tiến sĩ được đào tạo trong nước còn một vấn đề rất lớn cũng đang bị bỏ qua. Đó là vấn đề môi trường nghiên cứu nghèo nàn trong các trường đại học.

Ở các nước tiên tiến, trường đại học là môi trường lý tưởng để phát triển sự  nghiệp nghiên cứu.

Ở đó không chỉ có các trang thiết bị, thư viện, các phần mềm hỗ trợ nghiên cứu hiện đại, người làm nghiên cứu được tận hưởng vị thế cao với mức lương thưởng cao hơn hẳn mặt bằng thu nhập chung của xã hội.

Ở đó, những người mới tốt nghiệp tiến sĩ luôn có điều kiện để học hỏi và dẫn dắt bởi những tiền bối đầy kinh nghiệm, được tham gia vào các nhóm nghiên cứu để dần hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu của mình.

Tiến sĩ, không phải là con số, thì là vấn đề gì? ảnh 2Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩ

Ở Việt Nam, các điều kiện trên hầu như không có.

Môi trường nghiên cứu ở trong các trường đại học đa phần đều nghèo nàn.

Mức lương của các tiến sĩ cũng như các giảng viên khác thường thấp và không đủ để họ có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào việc nghiên cứu và giảng dạy ở trường.

Tuy nhiên, tất cả các dự án đầu tư mạnh tay của ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc đào tạo để tăng nhanh giảng viên có trình độ tiến sĩ trước đây đều bỏ qua yếu tố quan trọng này.

Đây cũng là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả khiêm tốn của việc đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng.

Tôi đã kỳ vọng đề án mới có thể tìm thấy và lấp được lỗ hổng đó, nhưng không!

Tôi có nhiều bạn bè trở về nước sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ theo học bổng 322.

Trở về trường cũ mang theo khao khát được tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu để vừa phát triển năng lực nghiên cứu vừa tăng thêm thu nhập.

Khát vọng tưởng như hiển nhiên phải thực hiện được lại trở thành vô cùng khó khăn với họ.

Việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ nghiên cứu bên ngoài như Nafosted là không thể đối với những người mới chập chững bước vào con đường nghiên cứu và chưa có thành tích gì đặc biệt.

Còn các đề tài cấp trường, cấp Bộ hay cấp trọng điểm thì phải xếp hàng mà không biết bao giờ đến lượt.

Nhiều người, vì vậy, phải gác lại khát vọng làm khoa học, tiếp tục tìm việc chân trong chân ngoài kiếm sống.

Vậy câu hỏi đặt ra là đào tạo thêm nhiều tiến sĩ để làm gì khi chính những người đã được đào tạo trở về cũng không có điều kiện để trở thành nhà nghiên cứu độc lập và tạo ra sản phẩm cạnh tranh.

Rõ ràng, ngoài những vấn đề bất cập vẫn chưa được giải quyết triệt để như chất lượng đầu vào nghiên cứu sinh, chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước hay vấn đề quản lý du học sinh để đảm bảo việc học tập của họ có chất lượng và họ sẽ trở về phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp, thì vấn đề tạo điều kiện và gây dựng môi trường nghiên cứu cho những người đã có bằng tiến sĩ trở về vẫn còn bỏ ngỏ.

Đây chính là những nguyên nhân khiến sản lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học trong nước vẫn còn thấp hơn nhiều so với kì vọng đầu tư.

Có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc, nên chăng với cùng một lượng tiền như vậy nhưng chia thành các hạng mục đầu tư khác nhau.

Trong đó chỉ dành một phần đầu tư tiếp cho đào tạo tiến sĩ, chỉ tuyển những nghiên cứu sinh có chất lượng, có nguyện vọng cống hiến và được các cơ sở đào tạo có uy tín tiếp nhận.

Số lượng có thể giảm một nửa, thậm chí nhiều hơn. Nên dành một phần thành lập quĩ hỗ trợ hậu tiến sĩ (postdoc).

Quĩ có thể vận hành theo cơ chế tương tự như của Nafosted nhưng hướng tới đối tượng chính là các tân tiến sĩ hoặc nhóm tân tiến sĩ với sự hướng dẫn hoặc dẫn dắt của những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm quốc tế trong và ngoài nước.

Nếu có cơ chế vận hành tốt và minh bạch, đề án không những có thể tạo được một lớp nhà nghiên cứu trẻ kế cận đông đảo, mà còn có khả năng lôi cuốn được các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm là người Việt hoặc người nước ngoài cùng làm việc cho Việt Nam.

Đây sẽ là tiền đề nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nghiên cứu Việt và nâng cao hiệu quả đầu tư cho tầng lớp tinh hoa trong giáo dục.

Có như vậy mới có thể kì vọng việc đầu tư nguồn nhân lực đắt đỏ này mang lại hiệu quả thiết thực và họ sẽ trở thành những nhân tố dẫn dắt xã hội, nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước trong thời hội nhập.

Trần Thị Tuyết