Tiếng Việt đang bị "đày đọa" trên chính quê hương của mình

08/01/2012 12:00
Theo PLTPHCM
Bực mình. Càng ngày càng bực mình. Khi cứ mỗi bước đi lại phải thấy tiếng Việt viết ra chữ bị phá hoại, bị coi khinh.
Như tối nay, một người học trò mời ra quán Tre-BBQ ở đường Giảng Võ. Mới đến nơi, chưa vào quán đã thấy không thể ăn ngon được vì cái băng rôn treo ở giữa hai cái cây phía trước quán với dòng chữ: MỚI KHAI TRƯƠNG, FREE RƯỢU VANG. Người ta ngang nhiên đày đọa tiếng Việt đến “vong nhân thất thổ”, không thèm nói “miễn phí” mà phải là “free” mới là kinh! 

Chuyện nhỏ, ai đó sẽ tặc lưỡi, bây giờ đi đâu, ở đâu mà chẳng thấy tiếng Anh, chữ Anh đang lấn lướt tiếng Việt, chữ Việt. Viết chữ ngoại quốc thì người ta nắn nót, chăm chút để khỏi sai, từ một chữ s sở hữu cách trở đi. Còn như viết chữ Việt thì sai chính tả tùm lum cũng cứ là vô tư, “chuyện nhỏ như con thỏ”, có gì phải lăn tăn, lo lắng. Thật buồn.

Đây, dẫn chứng.

Tại một khách sạn ở Thái Nguyên: “Đề nghị rọn lại phòng”.

Tại một khách sạn ở Tuyên Quang: “Mong quý khách vui lòng kiểm tra tư trang cá nhân trước khi trả phòng. Xin trân thành cám ơn!”.

Tại làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên, ở huyện Đồng Văn (Hà Giang), du khách đọc thấy tấm biển giới thiệu: “Ngôi nhà đã được trọn làm địa điểm đóng bộ phim nhựa “Truyện của Pao””.

Tiếng Việt đang bị "đày đọa" trên chính quê hương của mình

Dâu Tây - Joe Ruelle (Canada) nổi tiếng như một “ông Tây nói tiếng Việt hay kinh điển”. Đã xuất bản Tớ là Dâu - 2007, Ngược chiều vun vút - 2011.

Đi các nơi, chịu khó lượm lặt những lỗi sai này thì còn khối. Chẳng hiểu các phòng văn hóa thông tin, các nhà hàng, khách sạn thiếu người biết chính tả tiếng Việt hay sao mà để đến nông nỗi này. Mà cũng chẳng trách người ở vùng sâu vùng xa viết sai chữ Việt, nói sai tiếng Việt, khi ngay giữa thủ đô cũng vẫn sai như thường mà không thấy ai sửa.

Không phải cứ tiếng mẹ đẻ là người bản ngữ tự nhiên hiểu hết, biết hết và dùng đúng, dùng chính xác. Tôi đọc những bài viết bằng tiếng Việt của chàng thanh niên người Canada Joe Ruelle được gọi thân mật bằng cái tên Dâu Tây mà kinh sợ thán phục cho khả năng tiếp thu và vận dụng ngôn ngữ ngoại quốc của anh chàng này. Và kinh sợ, đau buồn cho sự nghèo nàn tiếng mẹ đẻ của một bộ phận không nhỏ người Việt hiện nay, nhất là lớp trẻ.

Joe có lòng yêu tiếng Việt hơn nhiều người Việt, yêu đến độ anh chàng thấy khó chịu khi ở trên đất Việt Nam mà cứ phải nghe người Việt nói tiếng Anh với khách du lịch, không dám và không tự hào nói tiếng Việt. Nhiều người cứ cho thế là sang, là có học, là thức thời. Có biết đâu trong mắt người ngoại quốc, như Joe, đó là biểu hiện tự ti và khinh khi tiếng mẹ đẻ.

Tiếng Việt đang bị phá hỏng từng ngày. Chữ Việt đang bị viết sai dần dần. Đó là một nguy cơ. Nguy cơ hơn nữa là khá đông người Việt không thấy đó là nguy cơ, cứ thản nhiên phá tiếng Việt, cứ dửng dưng trước sự lâm nguy của tiếng mẹ đẻ.

Khó có ở một quốc gia nào mà người ta ngang nhiên tự hào dùng tiếng nước người đè tiếng nước mình như ở ta. Đã đến lúc mỗi người dân Việt cần phải tập thói quen dùng từ điển tiếng Việt để viết cho đúng từ ngữ. Đã đến lúc Chính phủ cần có một đạo luật ngôn ngữ về tiếng Việt để bắt buộc người dân tuân thủ khi sử dụng tiếng mẹ đẻ trong các văn bản, trong các biển hiệu, trong các giao tiếp công cộng.

Nghĩa là tiếng Việt đã đến lúc phải được bảo vệ khỏi sự xâm lấn của các thứ tiếng nước ngoài, khỏi sự phá hoại cố ý và vô ý của người dùng trong nước bằng luật pháp. Nhưng trên hết, tiếng Việt phải được nâng niu, nuôi dưỡng và phát triển bằng chính những người Việt có lòng tự tôn dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Ngôi sao giảng đường

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Theo PLTPHCM