“Tỉnh Nam Định làm vậy là tước quyền lao động của người dân”

20/10/2011 13:40
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Đây là một sự phân biệt thái quá, chỉ thuộc về tư duy của một số cá nhân, không thể triệt tiêu quyền được lao động của biết bao con người”.
Trước thông tin “Nam Định nói không với dân lập, tại chức”, Luật sư Đăng Quang - Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang đã bảy tỏ quan điểm của mình với Báo Giáo dục Việt Nam.

Những ngày qua, dư luận đang sôi sục vì thông tin tỉnh Nam Định tuyển công chức nhưng không nhận hồ sơ thi tuyển của các cá nhân tốt nghiệp hệ dân lập, tư thục, tại chức. Ông có thể phân tích ở khía cạnh pháp lý về vấn đề này?


LS.Nguyễn Đăng Quang: Ban đầu nghe dư luận xì xào, tôi cứ ngỡ là một số cán bộ nào đó ở tỉnh này đã vô tình làm như vậy, nhưng khi đọc báo và biết rằng chính ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Tuấn phát biểu như vậy thì tôi thấy bị sốc, thấy buồn và thấy chuyện này thật nực cười: “Tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức”.

Trước hết, tôi xin nói rằng, tất cả các trường đại học hệ công lập hay dân lập đều do Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý, cấp phép theo đúng trình tự, quy định của Nhà nước. Như vậy, vị trí pháp lý của các trường là như nhau, không thể nói là dân lập kém hơn công lập, hay công lập sẽ được quyền ưu tiên hơn với dân lập.

Việc lãnh đạo tỉnh Nam Định chủ trương không tuyển những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục, tại chức rõ ràng là cho rằng những người tốt nghiệp ở hệ công lập giỏi hơn dân lập. Nhận định như vậy là có phần phiến diện và không thể lấy làm tiêu chuẩn đánh giá chung, không nên cào bằng tất cả như vậy.

Đây là một sự phân biệt thái quá, nó chỉ thuộc về tư duy của một số cá nhân, nhưng không thể vì thế mà triệt tiêu quyền được thi tuyển, được lao động của biết bao con người.

Sinh viên đã tốt nghiệp đại học hệ công lập hay dân lập, tư thục và tại chức thì về mặt pháp lý họ phải được đối xử như nhau.
LS Đăng Quang: “Tỉnh Nam Định làm vậy là tước quyền lao động của người dân”
LS Đăng Quang: “Tỉnh Nam Định làm vậy là tước quyền lao động của người dân”
Nhưng tỉnh Nam Định lại “vin” vào cái cớ là lâu nay có một số cơ sở giáo dục đào tạo không nghiêm túc. Liệu đó có phải là lý do tỉnh Nam Định “phòng xa”?

LS. Đăng Quang: Chất lượng đào tạo của mỗi trường là khác nhau, ý thức phấn đấu học hỏi của mỗi người cũng khác nhau, vì thế không thể nói rằng cứ học đại học dân lập, tư thục hay học tại chức là năng lực yếu kém, còn cứ học hệ công lập là giỏi.

Học và tốt nghiệp ra trường cũng chỉ là cái căn bản thôi, cái bằng ấy không đủ để khẳng định năng lực làm việc của cá nhân ấy, mà còn là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nữa.

Thậm chí tôi dám nói thẳng là có khối thanh niên bây giờ ra trường chỉ muốn đi làm cho tư nhân chứ không muốn vào nhà nước để nhận những đồng lương còm cõi, thậm chí có những người đã là lãnh đạo cũng xin nghỉ sớm để ra làm ngoài – một dạo báo chí đã nói về “chảy máu chất xám ở khối các cơ quan Nhà nước”.

Với tính chất công việc của mình, tôi biết rất rõ có nhiều cán bộ của các tòa án, viện kiểm sát được tuyển dụng tại chỗ thông qua học tại chức và sau đó thi tuyển để biên chế vào công chức. Thử hỏi có bao nhiêu người được học chính quy? Nếu cần dẫn chứng tôi có thể chỉ ra vô khối người học dân lập, tư thục, tại chức còn giỏi hơn cả những người học công lập.

Còn nếu các bạn nhìn lại lịch sử của dân tộc từ nhiều năm trước và thậm chí là ngay ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cũng chỉ học tại chức, vì họ không có điều kiện học tập bài bản, ấy vậy mà vẫn giỏi, vẫn được nhân dân đánh giá cao, đó là bởi họ có ý chí phấn đấu và tự tìm tòi, rèn luyện. Vậy những vị lãnh đạo ấy không xứng đáng là công chức nhà nước hay sao?

Ở khía cạnh pháp lý thì những ai đã học ở những hệ được Bộ Giáo dục cho phép mở ra và cấp bằng thì phải được đối xử như nhau.

Xu hướng phát triển hiện đại bây giờ là tuyển dụng công chức phải thông qua thi tuyển để tìm người tài bất luận là bằng công lập hay bằng ngoài công lập.

Có thể là lãnh đạo tỉnh Nam Định đang nóng lòng muốn tuyển chọn người có năng lực thực sự, nhưng cách làm như vậy là không ổn, đặc biệt ông Chủ tịch tỉnh Nam Định là người điều hành, chăm lo cuộc sống của nhân dân cả một tỉnh mà phát biểu như vậy thì mang tính chủ quan và áp đặt cá nhân nhiều quá.

Vậy việc làm của những người có trách nhiệm ở tỉnh Nam Định có vi phạm pháp luật không, thưa ông?

LS. Đăng Quang: Hiến pháp năm 1992 đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ được lao động, được học hành đối với mọi người dân. Tỉnh Nam Định tự đưa ra tiêu chuẩn riêng thì cũng phải đảm bảo được quy định chung, đảm bảo quyền lợi của tất cả các công dân trong tỉnh, chứ không nên hành xử trái khoáy như vậy.
Sinh viên đã tốt nghiệp đại học hệ công lập hay dân lập, tư thục và tại chức thì về mặt pháp lý họ phải được đối xử như nhau.
Sinh viên đã tốt nghiệp đại học hệ công lập hay dân lập, tư thục và tại chức thì về mặt pháp lý họ phải được đối xử như nhau.
Về việc này, nếu vin vào luật để quy kết trách nhiệm cụ thể hay là một cái gì đó tương tự với lãnh đạo tỉnh Nam Định thì tôi thấy cũng không cần thiết. Tuy nhiên, vô hình chung thì tỉnh đang tước đi quyền lao động của người dân.

Cách hành xử như vậy là không được lòng dân, mà tôi thấy trên các diễn đàn người ta cũng phản ứng dữ dội lắm. Hai đứa con cùng do một ông bố đẻ ra vậy mà lại bị đối xử thiên vị quá đáng như vậy thì không có phản ứng của dư luận mới là chuyện lạ.

Chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa giáo dục, đó là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vậy nếu tỉnh nào cũng làm như Nam Định thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cách làm này của tỉnh Nam Định, theo tôi là vô tình ngăn cản quá trình xã hội hóa giáo dục ở một phạm vi nhất định. Tôi mong rằng lãnh đạo Nhà nước sẽ có ý kiến để không còn những sự việc đáng tiếc như thế này nữa.
Ngọc Quang (Thực hiện)