Tính hộ ông Trần Đăng Tuấn: Suất ăn không bằng cốc trà đá!

28/09/2011 16:00
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - “Đọc mà thấy xót xa. 2.000đ ở HN chỉ mua được cốc nước chè vỉa hè", trong khi đó, HS miền núi thì chỉ mong được cốc trà ấy...
Sao không bớt lễ hội đình đám...?

Trong những dòng viết tâm sự gửi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều bạn đọc bày tỏ sự xúc động chân thành trước những trải nghiệm của nhà báo Trần Đăng Tuấn ở nơi học sinh vùng cao Suối Giàng (Yên Bái).

Bạn đọc Nguyễn Nam Đô chia sẻ: “Tôi đọc bài này thấy cảm động đến rớt nước mắt. Thương các cháu vùng cao, vì học cái chữ mà phải chịu đói, khát và nhiều thiếu thốn. Gần đây xem các phóng sự trên VTV thấy các cháu phải bơi qua sông trong mùa nước lũ để đến trường thật xót xa quá. Và nghĩ đến các dự án đầu tư không hiệu quả, thất thoát, rồi tham ô lãng phí... thì thấy xã hội ta còn nhiều bất cập. Chúc cho dự án 9 triệu của nhà báo Trần Đăng Tuấn sớm thành công và được nhân rộng ra khắp các miền quê còn khó khăn trên cả nước”.

Nhiều bạn đọc chia sẻ rằng, bản thân đã từng đi đến những vùng quê ấy, nhìn những em bé vừa thương, lại vừa yêu, nhìn những ánh mắt trong sáng, ngây thơ của các em mà thấy lòng nhói đau và mong ước rằng giá mình có thể làm được nhiều hơn nữa cho các bé.
Cần lắm những tấm lòng như nhà báo Trần Đăng Tuấn
Cần lắm những tấm lòng như nhà báo Trần Đăng Tuấn
Xót xa cho số phận những trẻ em nghèo vùng cao, nhiều người đọc đặt câu hỏi, liệu “bữa cơm có thịt” như mong muốn của bác Tuấn có quá xa vời khi mà người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ để mua một cầu thủ. Nếu mấy trăm tỷ đó để đầu tư vào những Dự án 9 triệu như của bác Tuấn có phải tốt hơn không? Đất nước mình liệu có nghèo đến thế không? Rất mong nhà báo Trần Đăng Tuấn thành công với dự án 9 triệu”, bạn đọc Nguyễn Minh Tuấn nhắn nhủ.

Đồng quan điểm với bạn Minh Tuấn, một độc giả cũng bình luận: Thiết nghĩ rằng Nhà nước có bao nhiêu chính sách hỗ trợ này nọ nhưng cũng chẳng thấm vào đâu vì nước ta còn nghèo mà, nhưng mà vẫn thấy đắng trong cổ họng khi nghĩ đến số tiền mà Vinashin đốt ra tro bụi, rồi bao nhiêu tiền tổ chức lễ lạt linh đình, những khoản tiền ấy thừa sức nuôi được mấy chục vạn những chủ nhân tương lai của đất nước mỗi ngày có hai bữa cơm đậu thịt?

“Đọc mà thấy xót xa. 2.000đ ở HN chỉ mua được cốc nước chè vỉa hè" - Bạn đọc L.A tâm sự.

Biết rằng cứ nói đến những hoàn cảnh khó khăn ấy thì có lãnh đạo sẽ bào chữa rằng vì nước ta còn nghèo. Vâng nghèo lắm, nghèo quá nhưng lại luôn chơi sang, muốn cái gì cũng phải nhất. Cầu to nhất, nhà máy rộng nhất... thế còn cả cái lương tâm, trách nhiệm vì dân thì sao?.Buồn quá”. Thành viên Hiepnguyen chia sẻ.


Dù có giúp đỡ đến mấy thì...chúng ta cũng chỉ là "ngọn" Thành viên Tô Gia chia sẻ trên blog cá nhân của nhà báo Tuấn: “Tôi đã rất xúc động khi đọc bài viết của Trần Đăng Tuấn và tôi tin nó sẽ lay động trái tim của rất nhiều người vì đó là những trăn trở sự thực, chân thành và thánh thiện. Chúng ta rất cần nhiều bài viết như vậy nữa và sau đó là những tấm lòng. Nhưng Chúng ta chỉ làm được phần ngọn thôi, làm tận gốc chỉ có chính phủ Tôi cũng không hiểu bao nhiêu chính sách, thông tư, chỉ thị mà người dân Việt Nam tại vùng sâu, xa vẫn khổ như thế, ai tổ chức cuộc sống cho họ, chính quyền của họ đâu từ cấp thấp nhất đến các cấp liên đới như giáo dục, công đoàn, bảo vệ bà mẹ trẻ em v v v . Dù thế nào đi nữa, vẫn cám ơn tấm lòng của người viết với cuộc đời, bài viết đã tải được nhiều thông điệp quan trọng lắm và không chỉ cho trẻ em”.Nhiều cánh tay cùng giơ cao Trên Blog của nhà báo Trần Đăng Tuấn, ngay sau khi bài viết về những trẻ em Suối Giàng được đăng tải, rất nhiều những lời động viên, khích lệ và kêu gọi ủng hộ đã được gửi đi. Rất nhiều người hoan nghênh ý tưởng thành lập Quỹ Bữa cơm có thịt mà nhà báo Tuấn đề xướng. Họ hy vọng rằng mọi người sẽ cùng chung tay giúp cho các em bớt đi những nhọc nhằn, khó khăn. Thành viên Đức Hùng chia sẻ “Tôi đã khóc khi đọc bài viết này, thật cảm động, hàng ngày cứ bon chen quanh Hà Nội thấy mình thật ích kỷ, nhiều khi cứ nghĩ mình cũng bị lây căn bệnh vô cảm? Tôi rất ủng hộ kế hoạch này và giới thiệu những người quen cùng tham gia”. Ngoài những lời cảm ơn, nhiều thành viên chia sẻ rằng, họ rất sẵn sàng đồng hành cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn thực hiện ý tưởng đó. Thành viên Ngọc.Q.Như chia sẻ: “Rất xúc động vì bài viết của chú. Cháu đang thực tập cho một quỹ từ thiện vì trẻ em (Quỹ VinaCapital Foundation – chương trình Nhịp Tim Việt Nam) và cảm thấy những công việc vì thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn luôn là việc nên làm”.  “Mỗi khi có dịp đi miền núi, em vẫn biết đến sự thiếu thốn của các cháu nhỏ trên đó để chuẩn bị chút quà cho các cháu trước mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, em cũng tự nhận thấy điều đó chẳng thiết thực tý nào mà chỉ để lòng mình bớt chút áy náy. Đã từ lâu có mong muốn được đóng góp một điều  gì đó thiết thực hơn, đều đặn hơn... nhưng một mình thật khó. Thế nên em thực sự mong muốn được tham gia cùng anh trong dự án này, và hy vọng dự án không chỉ dừng ở Suối Giàng. Rất mong anh đồng ý nhận em là tình nguyện viên”. Một thành viên chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kêu gọi: “Chúng ta hãy đừng nói suông, đừng giáo điều nữa, để cho các cháu miền núi, miền sâu... được hưởng phúc lợi từ xã hội về ăn, ở, học đến nơi đến chốn. Bác Tuấn ơi, hãy lập quỹ để cho các cháu có thêm bữa ăn ngon, có thêm chăn ấm,... để các cháu đỡ khổ và các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy”. Hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều, nhiều hơn nữa những tấm lòng thắp thêm chút lửa để cuộc sống những em nhỏ vùng cao bớt đơn lạnh, khi một mùa đông mới lại đang về.
Hải Hà (tổng hợp)