Tình thầy trò thời bao cấp

20/11/2018 07:14
Nguyễn Cao
(GDVN) - Mỗi dịp 20/11 tôi luôn nhớ về những người thầy của mình hơn bao giờ hết. Nhớ lắm hình ảnh thầy cô xưa của thời bao cấp khó khăn mà chan chứa nghĩa tình.

LTS: Nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chia sẻ về tình thầy trò thời bao cấp tác giả Nguyễn Cao đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Mỗi năm, cứ vào dịp ngày 20/11 thì tôi luôn nhớ về những người thầy của mình hơn bao giờ hết. Nhớ lắm hình ảnh thầy cô xưa của thời bao cấp khó khăn mà chan chứa nghĩa tình.

Hình ảnh người thầy lúc bấy giờ thanh bạch và cũng vất vả quá. Cuộc sống khó khăn nên thầy cô cũng không thoát khỏi sự nghèo túng.

Vậy mà mỗi ngày lên lớp các thầy cô luôn giữ được hình ảnh cao đẹp của người thầy trước học trò.

Ngày đó, khi vào cấp 1, chúng tôi học ở một ngôi đình cũ tuyềnh toàng của làng, bốn bề lộng gió mát.

Tình thầy trò thời bao cấp ảnh 1Thầy trò trường quê

Cô giáo dạy chúng tôi đúng là cô giáo làng đúng nghĩa, cô từ làng khác sang dạy chúng tôi. Nhưng mỗi buổi sáng chúng tôi đến lớp đều đã thấy cô có mặt trong lớp rồi.

Cô kèm cặp, dạy chúng tôi từ những chữ viết đầu đời. Nhớ nhất là mỗi giờ ra chơi, nhiều đứa học trò vây quanh cô trò chuyện, nhiều đứa còn nhổ cho cô những sợi tóc bạc trên đầu.

Hết buổi, cô trò ra về, cái dáng cắp chiếc cặp nặng sách vở, đội chiếc nón lá đi bộ trên con đường làng của cô khiến chúng tôi nhớ mãi đến bây giờ.

Khi lên cấp 2, đúng vào những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống lúc bấy giờ hình như khó khăn hơn.

Mỗi sáng trước khi đến trường, nhiều thầy cô đã đi được phiên chợ về. Lúc đó, nhiều thầy thường mua gạo từ trong làng trở ra thành phố bán kiếm lời. Nhiều hôm, trên đường đến trường, chúng tôi vẫn gặp các thầy đang đạp xe vội vã về trường.

Lúc bấy giờ, những thầy cô dạy chúng tôi thường đi những chiếc xe đạp cà tàng mà xung quanh lốp xe (vỏ xe) luôn chằng chịt dây chun quấn quanh.

Những chiếc xe dã chiến ấy nếu bây giờ cho học sinh chắc cũng chẳng đứa nào thèm đi nhưng lại là mơ ước của học trò quê chúng tôi ngày ấy.

Chúng tôi cứ nhớ mãi thầy giáo dạy Toán thời cấp 2 của mình mặc những bộ quần áo mà có rất nhiều chỗ vá nhưng những đường chỉ được khâu rất cẩn thận, sạch sẽ.

Ngày nhà giáo Việt Nam lúc đó mới được ra đời nên chỉ có những học sinh cuối cấp mới để ý và đến thăm thầy. Ngay cả nhà trường cũng chưa tổ chức rầm rộ giống bây giờ.

Những bài hát, những điệu múa chúc mừng thầy cô cũng toàn là làm chay. Không loa đài, không điện đóm và quần áo của trò thì đi học sao, lên diễn văn nghệ cũng y chang là vậy.

Thế mà đứa nào cũng thích thú, vây quanh để xem bạn mình biểu diễn và vỗ tay nhiệt liệt.

Tình thầy trò thời bao cấp ảnh 2Cô ơi, chúng em nhớ cô!

Chúng tôi đến thăm thầy khi ấy rất giản dị, trò đến thăm thầy là những bông hoa của các bạn hái từ vườn nhà mình. Mỗi đứa góp một vài bông rồi gom lại để tặng cho các thầy cô.

Đến nhà thầy, chúng tôi cũng vụng về lắm. Không biết chúc thầy như thế nào, nhưng chỉ nhớ là thầy cô mang cái gì ăn được ra là hết ngay tức thì.

Nào bánh kẹo, trái cây trong vườn đều loáng cái là hết. Trò đói, mà lại đông và cũng chẳng đứa nào ý tứ nên có cái gì là ăn cái đó.

Nhiều khi, thầy cô có lẽ thương trò đói nên cây bưởi còn một số quả để dành đến Tết Nguyên đán nhưng rồi thầy cô cũng lấy vào bóc cho trò ăn.

Phải nói rằng mỗi khi đến nhà thầy là giống như “một cơn bão” quét qua vườn nhà thầy cô chẳng còn loại trái cây nào.

Khi vào đại học, lúc bấy giờ điều kiện kinh tế đã khá hơn nhiều nhưng tình yêu thương của thầy cô, nhân cách thầy cô luôn khiến chúng tôi ngưỡng vọng vô cùng.

Ngày Nhà giáo nhiều thầy cô thường căn dặn trước là đừng đến nhà thầy. Thế nhưng, ban cán sự lớp chúng tôi vẫn tổ chức đến nhà thầy, có điều khi đến khu tập thể giáo viên thì thầy đã khóa cửa đi vắng.

Nhiều thầy như đã thành thói quen là ngày Nhà giáo Việt Nam là khóa cửa…không tiếp sinh viên.

Một số thầy tâm sự với chúng tôi sau mỗi lần ngày lễ đi qua là các em còn khó khăn, đa số sinh viên sư phạm đều nghèo, tiền đó các em để lo cho việc học tập, sinh hoạt, thầy cô có trường và khoa lo rồi.

Bây giờ khi đã làm thầy, nhớ lại thầy cô đã từng dạy mình, chúng tôi luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đã học với những thầy cô như thế.

Tấm lòng thầy cô luôn bao dung, nhân ái, nhiều thầy cô đã làm tất cả những gì có thể cho học trò. Nhiều thầy cô đã luôn “cự tuyệt” mỗi khi trò tặng quà.

Những tấm lòng và nhân cách đó mãi mãi là bài học để chúng tôi học hỏi và ứng xử với học trò hôm nay.

Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: vietnammoi.vn).
Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: vietnammoi.vn).

Đất nước đổi mới, điều kiện kinh tế nhiều gia đình khá giả và cuộc sống của thầy cô cũng đang được nâng lên từng ngày. Tuy nhiên, có những điều mà ngày nay không còn vẹn nguyên như trước.

Tình thầy trò vẫn đẹp nhưng đâu đó đã không bắt đầu nhuốm màu thực dụng.

Ngày Nhà giáo bây giờ không phải là tặng thầy cô những món quà dân dã như trước nữa mà đâu đó, nhiều thầy cô nhận phong bì của phụ huynh, của trò xem như là một điều nghiễm nhiên.

Nghĩ cũng thật buồn khi những chiếc phong bao nhẹ hều nhưng chứa đựng những đồng tiền với rất nhiều điều gửi gắm của phụ huynh.

Nhiều trường tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh để bàn việc tổ chức ngày 20/11 cho giáo viên trong trường thấy mà chát chua.

Nhà nước trả lương cho thầy, chế độ quà cho ngày lễ dù không nhiều nhưng gần như ở đâu cũng có trong ngày này.

Vì sao, nhiều ban giám hiệu lại cứ làm những chuyện mà đáng lẽ ra không nên làm. Tiền, quà ai cũng cần nhưng đối tượng tặng mình phải là ai chứ đừng bắt buộc phụ huynh phải làm như vậy.

Nhiều phụ huynh có điều kiện thì không nói làm gì nhưng cũng có vô vàn những gia đình còn khó khăn, vất vả. Họ lo cho con em họ đến trường đã là sự cố gắng lắm rồi.

Vẫn biết, mỗi thời điểm, mỗi thời kỳ khác nhau nhưng thiết nghĩ muốn giữ được hình ảnh người thầy trong lòng xã hội, trước hết mỗi thầy cô phải nêu cao tấm gương về ứng xử trước học trò.

Mỗi năm, có một ngày để xã hội hướng về thầy cô, vì thế hãy đề cao sự trong sáng, thanh bạch của mình trước học trò. Đó là một tấm gương để học trò noi theo để tự rèn luyện nhân cách cho riêng mình.

Nguyễn Cao