Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đi gia sư

05/11/2012 07:19
Độc giả: Như Ngọc
(GDVN) - Tuổi thơ là điều kỳ diệu mà người lớn đã trải qua, cớ sao lại tước đi mất đối với những đứa con mình. Thương em, tôi quyết định tâm sự với mẹ của em về suy nghĩ của mình và xin nghỉ việc. Bởi không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình, tôi không thể dạy khi em không muốn học và tôi cảm thấy có lỗi.
LTS: Bộ GD & ĐT quy định nhà trường không giao bài tập về nhà, học sinh tiểu học chỉ phải mang ít sách vở đến trường. Nhưng thực tế có rất nhiều em vẫn phải “cõng” chiếc cặp quá kích cỡ và nặng đi học. Bộ GD-ĐT quy định không được dạy thêm cho học sinh (HS) tiểu học, HS học 2 buổi/tuần. Nhưng tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn xảy ra phổ biến. Hãy cùng chia sẻ những trăn trở trong việc dạy học thêm cho học sinh tiểu học khi nhìn nhận từ suy nghĩ của một sinh viên gia sư. Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả Như Ngọc.

Là sinh viên năm nhất, tôi lơ ngơ giữa Hà Nội ồn ào và náo nhiệt, không xác định được hướng xe bus đến và đi. Nhưng do điều kiện kinh tế gia đình nghèo khó nên khi bạn bè chưa ổn định chỗ trọ, tôi đã đi tìm việc làm thêm. Đọc được thông tin tuyển gia sư của một trung tâm trên một tờ rơi dán gần trường, nên tôi đã đến xin đăng ký làm gia sư. Mất 40% tháng lương đầu tiên gọi là “phí môi giới”, tôi được giới thiệu là sinh viên năm cuối, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Làm gia sư giống như bao sinh viên khác, mục đích quan trọng nhất của tôi là để có thêm thu nhập hàng tháng và để có thêm những kinh nghiệm đứng lớp cho nghề nghiệp tương lai, để hiểu thêm tâm sinh lý các em và chủ động đối phó trước những tình huống phức tạp trong cuộc sống. Những điều này chắc hẳn sau này tôi sẽ được học kỹ lưỡng trong nhà trường, thế nhưng hiện tại tôi vẫn muốn thử sức và trải nghiệm.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Học trò đầu tiên của tôi là một cô bé học lớp 9, xinh đẹp như một hot girl. Tôi dạy kèm môn văn, ngày đầu tiên em đã "tuyên bố": "Bố đã mua cho em một suất vào cấp 3 rồi, chị chỉ cần đến và làm bài hộ cho em, để điểm cao lên là được". Vì thế, ngày nào em cũng năn nỉ: "Chị viết hộ em đi, các chị gia sư trước của em cũng thế, khó thế này em làm sao viết nổi. Bạn bè em toàn nhờ gia sư viết giúp thôi". Với tư tưởng đó, mỗi buổi dạy là em lại tìm cách khoe hàng hiệu, đồ trang điểm, cũng như… cả bạn trai gần hết thời gian. Sau đó 30 phút còn lại tôi ngồi... làm bài hộ cho em. Chưa đầy hai tuần sau tôi nghỉ việc, số tiền lương lấy được hòa với số vốn đóng phí cho trung tâm gia sư. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã cố gượng để làm công việc ấy suốt hai tuần. Thật là tệ khi được nhận lương chỉ để làm bài hộ cho một học sinh lớp 9.
Tôi lại tiếp tục tìm việc, và lần này học trò là một cậu bé học lớp 1, bám mẹ và hay khóc nhè. Tuy mới học lớp 1 nhưng sợ con thua kém bạn bè nên phụ huynh đã xếp lịch học cho cậu bé học kín cả ngày. Sáng em học chương trình tại trường, ở lại ăn cơm trưa, chiều học thêm nhà cô giáo và chiều tối tôi kèm em môn Toán, tiếng Việt. 
Bao giờ cũng thế, khoảng thời gian tôi bước chân ra khỏi nhà cũng là lúc mẹ của em sẽ gọi điện cho tôi để tâm sự và để dặn dò ngày hôm nay sẽ dạy cho em những gì. Mẹ của em có chia sẻ, trước khi tôi đến dạy, tối nào mẹ cũng kèm em học. Nhưng tính mẹ rất nóng nảy nên mỗi lần em làm bài không được là mẹ lại la mắng xối xả khiến đầu óc em rối thêm. Vì vậy mà đêm nào em cũng phải học đến khuya mới xong…

Học lớp 1 cũng phải thi đầu vào, lớp 2 đã phải chọn đội tuyển thi học sinh giỏi cấp trường, lớp 3 lớp 4 cấp quận, lớp 5 cấp thành phố. Tức là sách giáo khoa ít chữ sẽ được đảo qua rất nhanh thôi, còn chủ yếu là học sách nâng cao sách bồi dưỡng. Tuy mới lớp 1, nhưng nhìn số sách tham khảo của em đã cao ngất trên bàn học luôn sẵn sàng, chỉ chờ tôi đến và dạy.

Tôi đi bộ quãng hết 15 phút thì cũng là lúc cuộc điện thoại tạm dừng. Khi tôi đứng trước cửa nhà em cũng là lúc hai bố con em trở về sau giờ tan tầm. Người đầu tiên em gặp khi về nhà lại là “cô giáo”, điều này đã trở thành nỗi sợ hãi của em. Vì vậy, cứ gặp tôi là hai mắt em lại rưng rưng như muốn khóc. Ban đầu tôi không thể hiểu nổi lý do, tự trách mình không “có duyên” với con trẻ. Thế nhưng, sau vài buổi kèm cho cậu bé, tôi đã hiểu được nguyên nhân chính bởi em quá mệt mỏi và… sợ học. Cậu bé sợ học không phải vì lười, mà vì bị ép học quá nhiều. Học kín cả ngày, không còn thời gian cho một trận đá bóng với các bạn, hay đơn giản là chạy nhảy ngoài hành lang.

Khi còn chưa ăn hết que thịt xiên đang cầm trên tay thì em đã phải "cõng" chiếc cặp sách to hơn cả tấm lưng lên tầng hai, đặt lên bàn học và bắt đầu ca học thứ ba trong một ngày. Một tuần đầu tiên tôi dạy thử, mẹ của em ngồi ngay bên cạnh, theo dõi sát sao xem phương pháp dạy của tôi là gì? Theo ý của mẹ em, mỗi buổi học, tôi thường giúp em giải quyết hàng đống bài tập được giao và ôn trước kiến thức cho em theo kiểu: “Cầm đèn chạy trước ô tô”. Bên cạnh đó, ngày nào tôi cũng phải giao những đề thi cho em làm thử, chấm điểm, tổng kết điểm. Sau một tuần khá nặng nề cho cả em và tôi, tôi chính thức được nhận vào dạy.

Thế nhưng, em học khá uể oải, tiếp thu bài chậm, bài học về cộng phân số bao gồm: “Hàng đơn vị cộng với hàng đơn vị, hàng chục cộng với hàng chục” tôi đã phải nhắc đi nhắc lại cả chục lần trong nhiều ngày em mới nhớ. Những dòng chữ em viết đều mệt mỏi, nghiêng đổ mà tôi đã rát họng để nói, mỏi tay để uốn cho em. Ngày nào cũng thế, sau khi học được nửa buổi em lại buồn ngủ, mắt díp lại, học hành không còn tiếp thu được nữa. Nếu tôi cố gắng nhét chữ vào đầu em thì em sẽ kiếm đủ mọi lý do để…khóc.

Thương em, tôi cố gắng có những giờ nghỉ giải lao để giúp em thêm tỉnh táo, đọc những câu chuyện cổ tích, kể chuyện vui để khơi dậy sự ham học trong em. Thế nhưng, mẹ em lại biết được điều đó và cấm, vì cho rằng tôi lười dạy, em lười học, và nói rằng nếu một lần nữa bắt gặp tôi đang chơi cùng em thì ngay lập tức sẽ đuổi việc tôi.

Bị ép học quá nhiều, cậu học trò nhỏ của tôi lại trở nên… câm như hến, tỏ vẻ biết vâng lời theo kiểu bảo sao làm vậy. Ngày thêm ngày, tôi thấy tính em trầm hơn, ít đùa nghịch hơn xưa, đi-ốp lại thêm nặng, người thêm gầy gò.

Thương em, tôi cảm thấy có lỗi. Nhớ lại tuổi thơ của mình những ngày học cấp 1, tôi không hề thấy gánh nặng học tập nào trong đó. Không phải làm bài tập về nhà, không có sách tham khảo, chúng tôi vừa học, buổi sáng tôi đến trường, buổi chiều chăn trâu, thả diều ngoài đê, buổi tối về chơi cướp cờ, trốn tìm… Cả thế hệ bạn bè tôi cũng như vậy, lớn lên cũng có thua kém gì học sinh thành phố? 

Soi vào em, tôi cảm thấy tuổi thơ mình đã may mắn hơn những đứa trẻ thành thị, lớn lên trong sự chăm chút kĩ lưỡng của gia đình. Cả ngày chỉ có một con đường đến trường, về nhà. Em rất ít được vui chơi, có chăng là những điểm vui chơi bị… đóng hộp hiếm hoi vào cuối tuần, cuối tháng với điều kiện phải có điểm số cao. Lớn lên, em không có kỷ niệm tuổi thơ mà chỉ có ám ảnh tuổi thơ với bài học quá tải, những chiếc cặp nặng còng lưng, những lần đánh đòn vì điểm kém. Liệu các em có còn đủ sức mạnh, nhiệt huyết để bước tiếp cho sự học, đường đời gian nan phía trước khi các em được nuôi dạy theo phương pháp "công nghiệp"?

Tuổi thơ là điều kỳ diệu mà người lớn đã trải qua, cũng mơ về, cớ sao lại tước đi mất đối với những đứa con mình. Thương em, tôi quyết định tâm sự với mẹ của em về suy nghĩ của mình và xin nghỉ việc. Bởi không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng cũng như không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình, tôi không thể dạy em khi em không muốn học và tôi cảm thấy có lỗi.

Bước ra khỏi căn nhà cao tầng của em, tôi thấy mình nhẹ nhõm hơn. 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

ĐH Bách khoa Hà Nội đưa các nhà khoa học lão thành vào thế bí?

Những cái chết thương tâm của trẻ tại trường mầm non

Nghi vấn cô giáo đâm kim vào tay bé mầm non: Giáo viên chuyển công tác

Cậu bé nghèo từ cõi chết trở về, thi đỗ hai trường đại học

"Hãy nghĩ đến Ireland nếu có quyết định đi du học"

 Clip hot: Sinh viên nhảy Gangnam Style đón Halloween kinh dị

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Độc giả: Như Ngọc