“Tôi học trường Tây để làm thầy giáo trường Ta"

27/04/2014 07:24
Nhà giáo Nguyễn Thiết Thực
(GDVN) - Tâm sự của một "ông giáo già" về cuộc đời từ lúc học trường "Tây" đến khi làm giáo viên trường "Ta" mà ngẫm ngợi cho giáo dục hôm nay.

Đây là tâm sự của nhà giáo Nguyễn Thiết Thực gửi đến tòa soạn Giáo dục Việt Nam và độc giả. Ông là giáo viên, đã nghỉ hưu 25 năm, hiện đang sống tại Hà Nội, nhưng cho đến giờ, ông luôn đau đáu với nền giáo dục nước nhà. Giờ đây, ngành giáo dục đang muốn đại cải tổ, ông kể lại câu chuyện của mình, qua đó nhắc đến những điều mà ngành giáo dục đang muốn làm, có gì chưa đúng, có gì cần cải tiến và cách đổi mới ra sao? Chuyện của ông, một ví dụ thực tế, đáng được trân trọng và lắng nghe...

Ông viết:

Chỉ biết rằng để làm được một nhà giáo ở thời Ta, tôi đã phải trải qua bao giằng xé về tư tưởng, từ việc phải thích ứng với không ít những quan niệm làm người rất mới lạ, đến việc phải tiếp thu những chủ trương chính sách của nền giáo dục mới thường xuyên thay đổi.

Còn nhớ ngày đi học, chỉ riêng phần gọi là toán đố, chúng tôi từng giải rất nhiều trong suốt thời gian học tiểu học. Những đề toán mang nhiều nội dung khác nhau, từ những nội dung “chiết khấu”-tính lỗ lãi trong kinh doanh đến những bài toán mang nội dung thiên văn học… Mỗi lần hiểu một đề toán chúng tôi lại thu lượm được một tri thức nào đó ở một lĩnh vực ngoài toán… Rồi cũng qua những  đề toán đó, khả năng  đọc hiểu và vốn từ, cũng ngày một được trau dồi. Thú vị nhất, là những tiết thầy yêu cầu lớp sáng tác đề toán. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thôi thì mỗi người mỗi kiểu, chúng tôi chấm cho nhau, đề nào hay thì được thầy cho chép lên bảng để cả lớp cùng giải. Thời đại của tôi đã quá xa rồi, tôi không dám có phán xét gì, chỉ xin kể lại một vài chuyện nhỏ nhặt về học toán như thế. Và không hiểu với cách dạy và học toán như thế ở thời nay, được gọi là phương pháp gì? nó có phù hợp không?

Tôi đã quá xưa cũ rồi chăng, nên nghe những ngôn từ tranh luận về giáo dục, tôi thấy rất mơ hồ. Nhìn các cháu tôi đi học, và bố mẹ các cháu đánh vật với việc học hành của con cái, tôi thấy mà thương chúng, nhưng chẳng giúp được gì. Tôi cảm thấy rằng giáo dục hiện thời không chỉ có phần đang làm hỏng những tâm hồn non trẻ, mà còn đang bào mòn sức lực của các thế hệ cha anh chúng. Đi làm để có tiền cho con ăn học, mà nhà trường-nơi con họ đang học, đâu có làm cho họ được yên thân. 

Một hiện tượng không hiếm là, bất chấp năng lực bản thân và thực tế, để làm liều, để nhoi lên những vị trí vượt quá khả năng bằng mọi giá, rồi những phụ huynh bắt ép con cái học hành quá đỗi, hay chạy đua cho con vào những nơi học hành quá sức với trẻ,  phải chăng cũng là những hậu quả của một nền giáo dục chưa trưởng thành-đã sản sinh ra những lớp người mãi mãi không trưởng thành-không thể tự lượng sức  mình  với  lòng  tham  vô độ.

Có nhiều điều thế hệ chúng tôi đã nhìn thấy trước kết cục của nó. Tôi có bị nhầm không khi cho rằng, những lớp người của ngày hôm nay, những lớp người-con đẻ của một nền giáo dục chưa trưởng thành, đang làm những việc quá sức của họ. Mâu thuẫn giữa một bên là sự non yếu của nhiều thế hệ hôm nay về nhiều mặt, với những khát khao về những  điều đã và đang hiển hiện trước mắt họ-những nền giáo dục văn minh và từng trải. Rằng khoảng cách là quá lớn, không thể vượt qua một sớm một chiều, mà có khi phải tính bằng thế kỷ.   

Vì thế một điều rất quan trọng là, họ cần phải nhìn ra chính họ, cũng như hoàn cảnh của đất nước, để biết cái gì mà những thế hệ hôm nay  có thể làm được, và những gì không thể làm được vào  từng  thời điểm. Chưa kể liệu có phải chăng, lợi ích băng nhóm, cùng với sức hút của đồng tiền, cộng với lòng khát khao sự thay đổi của dân chúng, đã xô đẩy đất nước tới những cuộc chơi đầy phưu lưu mạo hiểm. Mà hơn bao giờ hết những người chân chính và những người cầm cân nảy mực cần phải tỉnh táo để nhìn nhận và tháo gỡ.

Tôi có lạc hậu không khi cho rằng, muốn cải cách gì thì cải cách, nhưng trước hết cần phải cải cách hệ thống giáo dục, cải cách các nhà quản lý, các nhà giáo, phải làm cho môi trường giáo dục trong sạch, trước đã. Tôi nghĩ rằng vẫn đội ngũ nhà giáo như thế, vẫn chương trình SGK như thế, nhưng thầy thương yêu học trò, đừng vì thành tích mà lừa dối nhau, hãy hết mình trên lớp với những kiến thức trong sách giáo khoa, đừng bắt học trò đến nhà thầy học thêm…thì đã hạnh phúc lắm rồi. 

Lương thầy còn thấp, ngân sách không đủ, thì nên chăng có thể thu tiền học phí, và những gia đình nghèo khổ thì nhà nước có thể giúp họ chi trả tiền học phí… Hãy nỗ lực để  môi trường giáo dục được trong sạch, được chuyên nghiệp… sau rồi hãy tổ chức “trận đánh lớn”, mà chỉ khi đó mới tìm ra tướng lĩnh, sĩ quan, những người lính xả thân cho trận chiến sống còn này!

Bất kỳ một cuộc cải cách lớn nào muốn thành công, thì ngoài yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa, còn cần phải có một người tổng chỉ huy xuất sắc, bên cạnh đó là những tướng lĩnh tài ba-chịu dấn thân và  hy  sinh… Thử hỏi hiện nay chúng ta đã hội  đủ những yếu tố này chưa?! Gần đây tôi hay nghe thấy   “đã đến lúc…” thế  này, “đã đến lúc…” thế  kia… mà  giật  mình. Từ nhỏ chúng tôi sớm được tiếp xúc với văn minh phương Tây và rất háo hức được áp dụng vào ta, sau này mới biết là mình quá nông nổi. Dường như mỗi một dân tộc đều có một số phận riêng, mà chính văn hóa và tính cách của họ đã tạo nên số phận riêng ấy. 

Những dân tộc vĩ đại, do văn hóa và tính cách của họ, nên thời đại nào họ cũng sản sinh ra những nhân tài kiệt xuất, những nhân cách lớn, những lớp người đầy khát vọng kiến tạo dân tộc mình… vì vậy họ đã luôn đi đúng hướng. Bởi thế họ luôn là những dân tộc tiên tiến của nhân loại.

Tôi tin rằng biết đánh giá đúng dân tộc mình, với quyền lợi của đất nước được đặt cao hơn tất cả, dân chủ và khoa học, biết kiên nhẫn và lắng nghe…, thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến!
Nhà giáo Nguyễn Thiết Thực