Tôi không đồng ý để cả nước chỉ có 10 trường sư phạm

21/01/2019 06:15
Thùy Linh
(GDVN) - Các trường sư phạm không thể có quy mô vô hạn tuy nhiên, nếu cả nước chỉ còn 10 cơ sở thì các trường không đảm nhận hết được nhiệm vụ.

Từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi chuyển sang làm ở Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ theo rất sát tình hình giáo dục đại học ở Việt Nam đặc biệt là vấn đề quy hoạch mạng lưới trường sư phạm.

Những tín hiệu tích cực từ Bộ trưởng Nhạ

Tuy nhiên, thầy Nhĩ không tán thành phương án quy hoạch mạng lưới trường sư phạm tập trung vào 8 -10 trường đại học trọng điểm.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Các trường sư phạm không thể có quy mô vô hạn tuy nhiên, nếu cả nước chỉ còn 10 cơ sở thì các trường không đảm nhận hết được nhiệm vụ.

Bởi lẽ, trường sư phạm ngoài việc đào tạo chuyên môn thì còn có nhiệm vụ hướng dẫn giáo sinh cách kết nối giữa gia đình – nhà trường – xã hội”.

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Các trường sư phạm không thể có quy mô vô hạn tuy nhiên, nếu cả nước chỉ còn 10 cơ sở thì các trường không đảm nhận hết được nhiệm vụ. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Các trường sư phạm không thể có quy mô vô hạn tuy nhiên, nếu cả nước chỉ còn 10 cơ sở thì các trường không đảm nhận hết được nhiệm vụ. (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Nhĩ cũng cho hay, lâu nay các đại học sư phạm đào tạo chủ yếu là giáo viên cấp trung học phổ thông, còn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở lại chủ yếu do các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo.

Do đó, các trường cao đẳng sư phạm có bề dày kinh nghiệm đào tạo giáo viên các bậc học này hơn hẳn trường đại học. Vậy tại sao lại bỏ qua nhóm trường này?

Số phận, bề dày kinh nghiệm 50-60 năm đào tạo của các trường này sẽ ra sao?

Hơn nữa, hiện nay chúng ta chuẩn bị bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới với những yêu cầu dạy kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm… thì việc giữ lại các trường cao đẳng sư phạm là hợp lý.

Bộ trưởng yêu cầu không vội vàng giải thể, sáp nhập các trường sư phạm

“Khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm chúng ta cần giao nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên cho các trường cao đẳng sư phạm chứ không thể để các Sở Giáo dục và Đào tạo tự hợp đồng với trung tâm nọ, trung tâm kia”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội thảo Giáo dục 2018 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 17/8/2018, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần sớm quy hoạch mạng lưới trường sư phạm.

Ông Minh đề xuất xây dựng hệ thống trường sư phạm theo hướng khu vực phía Bắc có 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên một.

Các cơ sở khác, trường cao đẳng sư phạm có thể quy hoạch thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố giúp phát triển giáo dục địa phương.

Ý kiến của Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó một số chuyên gia giáo dục đồng tình với quan điểm cần sớm điều chỉnh, nhưng đưa ra hướng quy hoạch hoàn toàn khác.

Theo thống kê của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2018, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Thùy Linh