“Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại gấp đến vậy!”

26/05/2017 09:29
Trinh Phúc
(GDVN) - Tôi cho là, trong việc áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, thì chúng ta cần chuẩn bị kỹ

LTS: Dự thảo Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới đang hình thành.

Nhiều chuyên gia băn khoăn, đến năm học 2018 – 2019 đã áp dụng giảng dạy liệu có vội vàng?.

Về vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Qua trao đổi cho thấy, ông Dương Minh Tuấn lo lắng tiến độ cũng như chất lượng của chương trình phổ thông mới.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh nguồn media.quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh nguồn media.quochoi.vn).

 Lo Lắng đi vào vết xe đổ

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn cho rằng: “Về thay sách giáo khoa mới tôi đề nghị cần phải làm thận trọng, có khả năng sẽ không kịp tiến độ như yêu cầu”.

Phân tích sâu hơn về nhận định của mình, vị Đại biểu Quốc hội này cho biết:

“Sở dĩ tôi nói là không kịp tiến độ, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tiền lệ thực hiện không đúng như yêu cầu.

Bằng chứng chính là Đề án Ngoại ngữ 2020 đến nay làm không đạt yêu cầu đề ra. Vì đúng lộ trình thì đến năm 2018, từ lớp 3 trở lên là học tiếng Anh hết nhưng đến giờ nhiều nơi chưa học được nên mục tiêu đã không đạt.

“Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại gấp đến vậy!” ảnh 2Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 thất bại

Bằng chứng tiếp theo, chương trình VNEN cũng vội vàng. Cái này trong giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thừa nhận.

Trong năm 2016, các đại biểu Quốc hội từng có chất vấn lộ trình thay sách giáo khoa mới.

Nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2016 là phải ban hành được 4 Thông tư. Nhưng kết quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành được 2 Thông tư.

Bằng những vấn đề trên cho thấy lộ trình đưa sách giáo khoa mới vào giảng day cần thiết phải xem xét lại”.

Cảm giác mọi thứ rất vội vàng!

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, thông tin mà ông nắm được thì mọi thứ hiện nay rất đáng lo ngại và cũng rất mơ hồ.

Đúng lộ trình thì sách bắt đầu được đưa vào giảng dạy trong năm học 2018 – 2019 nhưng đến giờ cơ sở vật chất cũng như con người chưa đâu vào đâu, các trường đào tạo đến giờ chưa chuẩn bị được gì?

Tôi nghe có thông tin cho rằng, chương trình thay sách tất cả các lớp bây giờ có ý định rút lại bằng cách thay sách giáo khoa chỉ còn các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10.

Tức là bằng cách vừa dạy học, vừa soạn sách giáo khoa các lớp tiếp theo. Nếu đúng như vậy thì quả là đầy thử thách và bất an”.

“Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại gấp đến vậy!” ảnh 3Chương trình phổ thông mới: Cần thiết là chất lượng không phải là thời gian

Vị đại biểu Quốc hội này băn khoăn: “Tôi thấy rằng, công tác chuẩn bị vẫn còn rất dang dở.

Từ đây đến khi thực hiện còn một năm nữa nhưng quy trình còn nhiều việc phải làm như công bố chương trình khung, sau lấy khung chương trình là công bố các nhóm viết sách giáo khoa (có hội đồng khoa học thẩm định), lấy ý kiến hội đồng nhà trường.

Chỉ trong một năm để làm cả một quy trình nhiều bước như vậy liệu có vội vàng? Mọi việc lúc này theo tôi nên phải cân nhắc cẩn trọng”.

Theo Đại biểu Dương Minh Tuấn: “Đường đi là đúng nhưng cách làm triển khai, chất lượng có đúng hay không?

Nếu cần thiết thì lùi thời gian, trễ cũng được!

Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại vội vàng gấp đến vậy!

Tôi cho là, trong việc áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, thì chúng ta cần chuẩn bị kỹ lượng về mặt nội dung chương trình sách giáo khoa, các điều kiện cần thiết để thực hiện sách giáo khoa mới.

Khi nào chín muồi rồi thì chúng ta mới tiến hành áp dụng vào thực tiễn”.

Trinh Phúc