Tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được nhiều học trò quý mến

20/11/2017 10:00
THIÊN ẤN
(GDVN) - Khi các em ra trường rồi mà vẫn nhớ, dành tình cảm quý mến đối với thầy, cô giáo từng dạy, chủ nhiệm thời phổ thông, đại học lại càng đáng quý trọng biết bao.

LTS: Với hơn 20 năm đứng lớp, thầy Thiên Ấn cho rằng việc tặng quà cho các thầy cô giáo để thể hiện tấm lòng quý mến của học sinh là rất đỗi bình thường.

Bản thân thầy sẽ không vì các món quà giá trị khác nhau mà phân biệt đối xử với học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Với 22 năm trong nghề dạy học, tôi có hàng ngàn học trò bậc trung học phổ thông.

Hằng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi từng nhận được nhiều lời chúc mừng và đủ loại quà của học sinh, phụ huynh tặng.

Hàng ngàn học sinh của tôi giảng dạy và chủ nhiệm, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, phần lớn thuộc gia đình nông dân, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhất là những năm 90, những năm đầu 2000.

Tôi chẳng bao giờ câu nệ, quan tâm, để ý đến những học sinh, phụ huynh nào tặng quà, những học sinh, phụ huynh nào không tặng quà.

Thầy cô sẽ không vì quà tặng mà phân biệt đối xử với học trò. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Thầy cô sẽ không vì quà tặng mà phân biệt đối xử với học trò. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Lớp nào, em nào, tôi đều dạy bảo, đối xử công bằng như nhau. Lâu nay, về điểm số, các điểm miệng, điểm 15 phút, điểm 1 tiết trở lên, tôi đều đọc, công khai trước lớp sau khi chấm, trả bài.

Cuối học kỳ, cuối năm, em nào điểm số dọc đường như thế nào thì phết, phẩy như thế ấy, không hề châm chước, vớt vát bất cứ trường hợp nào.

Trong trường hợp, bài kiểm tra nào đó, mặt bằng điểm quá thấp thì tôi nâng, cộng điểm đều cho cả lớp.   

Về mặt xếp loại hạnh kiểm cũng vậy, em nào xứng đáng loại tốt thì xếp loại tốt, em nào chưa ngoan, vi phạm nội quy nhiều thì chấp nhận loại trung bình, thậm chí loại yếu.

Tôi rất nghiêm khắc và luôn công bằng đối với tất cả học trò. Chính vì vậy mà các thế hệ học trò lại nhớ, dành cho tôi nhiều tình cảm, nhất là ngày 20/11 và các ngày lễ, tết trong năm.

Tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được nhiều học trò quý mến ảnh 2Có nên tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 không?

Tôi thấy việc các học sinh, bậc phụ huynh bây giờ quan tâm, thể hiện lòng biết ơn thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (bằng lời chúc mừng, những món quà), âu cũng là chuyện rất đỗi bình thường.

Thế mà có một số người trong và ngoài ngành lại suy diễn, thêu dệt nên đủ thứ.

Tặng quà, tặng phong bì cho giáo viên là một hình thức hối lộ, mua chuộc, làm nảy sinh nhiều chuyện tiêu cực, mất công bằng trong giáo dục, điểm số, xếp loại…

Thầy, cô giáo cần biết chối từ quà cáp, phong bì để các bậc phụ huynh và học sinh bớt “khổ”, bớt “lo” và không nghĩ xấu về thầy cô giáo…

Rồi, nhận quà như thế nào, có nên mở quà tại lớp hay không

Tôi thấy thật buồn cười cho lối “cảnh báo, nhắc nhở” thiếu căn cứ như thế.

Quà cáp, phong bì của học sinh, phụ huynh có nghĩa gì đâu so với lương tâm, trách nhiệm, công sức của thầy cô giáo đã, đang dành cho các thế hệ học trò.

Tôi tin rằng, mặc dù lương bổng, đời sống vật chất của không ít nhà giáo chúng ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng họ chẳng bao giờ trông chờ đến ngày 20/11 để nhận quà, phong bì của phụ huynh và học sinh cả.

Nếu thầy, cô nào mà trông mong được nhận quà, phong bì và đối xử bất công với học sinh thì hãy nên xem lại tư cách, đạo đức của mình.

Còn các bậc phụ huynh đừng quá nặng nề với chuyện tặng quà, phong bì cho giáo viên, có cũng được, không có cũng chẳng sao cả.  

Tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được nhiều học trò quý mến ảnh 3Quà 20/11 là một bông hoa, chiếc cốc làm tôi xúc động

Đối với tôi, niềm vui và hạnh phúc nhất của người thầy chính là sự tiến bộ, trưởng thành của các thế hệ học trò trong học tập và cuộc sống sau này.

Khi các em ra trường rồi mà vẫn nhớ, dành tình cảm quý mến đối với thầy, cô giáo từng dạy, chủ nhiệm thời phổ thông, đại học lại càng đáng quý trọng biết bao.

Lúc này chỉ còn cái tình, cái nghĩa giữa thầy và trò đọng lại (đâu còn những ràng buộc, lo ngại nào khác).

Đến ngày Nhà giáo Việt Nam, cũng như các ngày lễ, tết khác, trong tôi lúc nào cũng ngây ngất niềm vui gần như bất tận khi được nhiều thế hệ học sinh cũ quan tâm, gọi điện thoại, nhắn tin, tới nhà thăm, chúc mừng thầy giáo.

Mới đây, tôi có chuyến công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 ngày lưu tại đây, tôi có gần 50 học sinh cũ các khóa học từ 1998 đến 2007 đón chào thầy.

Tôi không đủ thời gian và sức khỏe để gặp mặt, liên hoan với từng khóa, lớp được nên đề nghị các em gom trong 3 buổi liên tiếp.

Thấy điện thoại đang dùng của tôi hơi cũ, có em đòi chở tôi đến cửa hàng bán điện thoại để mua tặng thầy 1 cái.

Có em mời thầy đi xuống Vũng Tàu, ra Phú Quốc chơi vài hôm, mọi chi phí em lo hết.

Khi về Quảng Ngãi, có nhiều em trong đó trách tôi:

Thầy vào trong này mà sao không gọi cho em biết với, để đến chung với thầy cùng các bạn”.

Gần như tuần nào, tôi cũng nhận được mấy cuộc điện thoại của học trò cũ ở quê và các địa phương gần, xa hỏi thăm, chuyện trò…

Và cuộc liên hoan, gặp mặt nào, các em đều trông mong có sự hiện diện của thầy giáo cũ.

Lúc tôi và gia đình gặp khó khăn, có việc cần giúp đỡ, các em luôn sẵn sàng, tận tình đến hết mình.

Học trò cũ của tôi là như thế đó. Tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được nhiều học trò quý mến, vây quanh.

Tôi không yêu nghề giáo - nghiệp dạy học sao được.

THIÊN ẤN