"Trả lại tên cho em" để tránh tổ nhóm lợi ích trục lợi từ Sữa học đường

03/11/2018 10:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Đa dạng hóa các sản phẩm tham gia chương trình Sữa học đường phải được tiến hành đồng thời với việc định danh và định giá đúng các sản phẩm sữa bột pha lại.

Ngày 1/11 Báo Trí Thức Trẻ đăng tâm thư của bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sữa TH về chương trình sữa học đường đang triển khai.

Thông điệp toát lên từ bức tâm thư của vị chủ doanh nghiệp này mà chúng tôi nhận thấy, là:

Nếu sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường không phải là "sữa tươi" (theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng và Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế), mà còn "các loại sữa dạng lỏng khác", thì Sữa học đường sẽ đánh mất ý nghĩa nhân văn ban đầu.

Bà Thái Hương thì nói thẳng ý nghĩ của mình rằng: nếu không giữ được ly sữa học đường là "sữa tươi", thì không gọi là chương trình Sữa học đường mà là “chương trình thương mại bán sữa vào trường học”. [1]

Cuộc chiến sữa tươi - "sữa dạng lỏng khác" trong chương trình Sữa học đường

Sở dĩ có bức tâm thư này, theo chúng tôi có lẽ xuất phát từ công văn số 5454/BYT-ATTP ngày 17/9/2018 của Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép bổ sung thêm các sản phẩm "sữa dạng lỏng khác" vào chương trình Sữa học đường.

Ảnh chụp màn hình phần phân tích lý do những băn khoăn và hoài nghi của dư luận về cách thức triển khai chương trình Sữa học đường trong bức tâm thư của bà Thái Hương trên Báo Trí Thức Trẻ.
Ảnh chụp màn hình phần phân tích lý do những băn khoăn và hoài nghi của dư luận về cách thức triển khai chương trình Sữa học đường trong bức tâm thư của bà Thái Hương trên Báo Trí Thức Trẻ.

Theo công văn này, nếu chỉ quy định sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường sẽ “dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi các sản phẩm sữa khác vẫn có thể đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng”, “tạo ra rào cản tham gia thị trường của nhiều doanh nghiệp”.

Tại Hội nghị dinh dưỡng về sữa học đường, ngày 31/10, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam tiếp tục nhắc lại vấn đề bổ sung các loại sữa dạng lỏng vào Chương trình sữa học đường;

Hiệp hội cho rằng những loại sữa này vẫn đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng như sữa tươi, nhưng lại đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp sữa. 

Hiện nay, sữa tươi trên thị trường chủ yếu là sản phẩm của các doanh nghiệp lớn, có tỷ lệ đàn bò, dê cao. [2]

Công văn nói trên của Bộ Y tế cũng dẫn thêm báo cáo của Hiệp Hội Sữa Việt Nam cho biết, sản lượng sữa tươi mới đáp ứng 34% nhu cầu cả nước.

Báo VnEconomy ngày 25/10 đăng bài "Có cần thêm sữa nước vào sữa học đường?", bài viết cho hay:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Y tế có quan điểm ngược chiều về việc đưa thêm sữa nước vào Chương trình sữa học đường.

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Bài báo dẫn lời ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu, mà chưa cần phải bổ sung thêm các loại sữa khác.

Trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt trong bài báo đăng ngày 22/10/2018, lãnh đạo ngành chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh phân tích sự khác biệt về dinh dưỡng giữa sữa tươi với sữa bột pha lại (sữa bột hoàn nguyên):

"Về mặt khoa học, khi so sánh hai loại sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên cũng có sự khác nhau nhất định. 

Theo đó, sữa lỏng từ 100% sữa tươi nguyên liệu vẫn còn giữ lại được những hoạt chất sinh học, enzym có lợi cho cơ thể, trong khi sữa bột hoàn nguyên những chất này có thể mất đi do điều kiện trong quá trình chế biến thành sữa khô." [3]

Lợi nhuận và miếng bánh thị trường "Sữa học đường" mới là động lực đằng sau những tranh luận?

Báo Dân Trí ngày 31/10/2018 có bài "Nóng chuyện "sữa dạng lỏng khác" cho sữa học đường", bài báo cho hay:

"Đại diện Cục An toàn thực phẩm dẫn chiếu QCVN 5:1/2010 Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng thì sữa dạng lỏng phân ra 5 loại;

Trong đó 4 loại là sữa tươi (gồm Sữa tươi nguyên chất thanh trùng; Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng; sữa tươi thanh trùng) và loại còn lại là sữa tiệt trùng.

Cuối năm 2017, tên gọi sữa tiệt trùng đã được Bộ Y tế gọi rõ tên là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) và sữa hỗn hợp (nền tảng chủ yếu là sữa bột pha với một ít sữa tươi)

Như vậy có thể hiểu “sữa dạng lỏng khác” là sữa bột pha lại.

Hiện nay, giá sữa bột gầy (là loại sữa sau khi phun sấy khô đã tách hết chất béo và mất một số vi chất dinh dưỡng do gia nhiệt) chỉ khoảng 1.700 USD/tấn. 

Sau khi nhập khẩu về, các loại sữa bột này được bổ sung thêm dầu thực vật, đường, hương vị và đóng gói. Tính chi phí trên 1 ly sữa bột pha lại chỉ hơn 2.000 đồng." [4]

Nếu thông tin "tính chi phí trên 1 ly sữa bột pha lại chỉ hơn 2.000 đồng" trong bài viết này của Báo Dân Trí là chính xác, thì đưa được các sản phẩm sữa bột pha lại vào chương trình Sữa học đường bán với giá bình quân 6.800 đồng / hộp 180 ml sẽ là siêu lợi nhuận.

Bi kịch nông dân nuôi bò sữa phải đổ sữa có thể lặp lại, nếu như chuyện nhập nhằng giữa sữa tươi với sữa bột pha lại vẫn còn tiếp tục, ảnh: Báo VnEconomy.
Bi kịch nông dân nuôi bò sữa phải đổ sữa có thể lặp lại, nếu như chuyện nhập nhằng giữa sữa tươi với sữa bột pha lại vẫn còn tiếp tục, ảnh: Báo VnEconomy.

Tuy nhiên, nếu chỉ cho phép "sữa tươi" tham gia chương trình Sữa học đường, có dẫn đến độc quyền?

Lo lắng này của Bộ Y tế không phải không có cơ sở, nếu chỉ chọn "sữa tươi" cho chương trình Sữa học đường quốc gia và với tiêu chí chọn nhà thầu đủ năng lực cung cấp trọn gói cho những thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thì doanh nghiệp có khả năng tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Với vị trí độc quyền như vậy, các nhà cung cấp sữa học đường trúng thầu ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh sẽ có được lợi nhuận không hề nhỏ, rất ổn định, chưa kể tới giá trị thương hiệu gia tăng nhờ chương trình.

Chúng tôi đã phân tích các khía cạnh này trong loạt bài về Sữa học đường tại Thủ đô:

"Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường"; "Vì học sinh, hay chỉ muốn bán thật nhiều sữa cho doanh nghiệp?"; "Hà Nội vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch về sữa học đường".

Làm sao để chống trục lợi từ chương trình Sữa học đường mà vẫn đa dạng hóa các sản phẩm?

"Trả lại tên cho em"

Nếu giữ quy định chỉ "sữa tươi" mới được tham gia chương trình Sữa học đường, e rằng sẽ dẫn đến độc quyền, thao túng thị trường và đánh mất quyền lựa chọn sữa và các sản phẩm từ sữa của trẻ em và gia đình khi tham gia.

Nếu bổ sung "các loại sữa dạng lỏng khác" vào chương trình Sữa học đường, thì phải tổ chức triển khai đấu thầu như thế nào, khi các sản phẩm không chung một mặt bằng kĩ thuật?

"Trả lại tên cho em" để tránh tổ nhóm lợi ích trục lợi từ Sữa học đường ảnh 3

Hà Nội vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch về sữa học đường

Đó là những câu hỏi đặt ra cho các đơn vị mời thầu, ví dụ như Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội hay Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chúng tôi, để giải quyết được những vấn đề này không khó.

Trước hết và quan trọng nhất là cần phải "trả lại tên cho em", tức gọi đúng tên và định giá đúng các loại sữa tham gia chương trình Sữa học đường.

Sữa bột pha lại thì không nên ghi là "sữa tiệt trùng" vì người tiêu dùng rất khó phân biệt trong ma trận sữa dạng lỏng. [5]

Các loại sữa dạng lỏng làm từ nguyên liệu sữa bột nên ghi rõ "sữa hoàn nguyên", mặc dù bản thân chữ "hoàn nguyên" không đảm bảo tuyệt đối khi một số vi chất bị mất đi trong quá trình chế biến sữa tươi nguyên liệu thành sữa bột, rất khó "bổ sung" đúng như thành phần của sữa tươi.

Giá 1 hộp sữa hoàn nguyên cũng phải được tính toán lại cho phù hợp với thực tế chi phí sản xuất, không thể đánh đồng một giỏ với sữa tươi khi giá cả nguyên liệu 2 loại này có sự chênh lệch khá lớn như hiện nay.

Nếu không làm được điều này mà cho tất vào một giỏ để đấu thầu, vàng thau lẫn lộn, thì nguy cơ "tổ nhóm trục lợi" như cảnh báo của bà Thái Hương là hoàn toàn có cơ sở.

Khi đó, cả ngân sách lẫn mục đích tốt đẹp của chương trình Sữa học đường sẽ bị lạm dụng mang lợi ích về cho một nhóm người nhân danh những điều tốt đẹp.

Hơn nữa, việc nhập nhèm giữa "sữa tươi" với "sữa dạng lỏng khác" như hiện nay, sẽ càng đẩy người nông dân chăn nuôi bò sữa vào bước đường cùng phải giảm đàn, bỏ nghề. [6]

Vì sao? Chênh lệch giá cả nguyên liệu lớn như thế, rất ít doanh nghiệp còn mặn mà với sữa tươi, vì sữa bột pha lại vẫn bán tốt, lợi nhuận cao. [7]

Nhưng mặt khác, nếu chỉ vì không thể "trả lại tên cho em" mà quy định chỉ "sữa tươi" mới được tham gia chương trình Sữa học đường mà không có một cam kết đảm bảo nào cho nông dân Việt Nam nuôi bò sữa, thì ai dám đảm bảo "lòng tham và sự vô cảm" sẽ không nảy nở trong chương trình có mục đích nhân văn như Sữa học đường?

Thứ hai, cần tôn trọng sự lựa chọn của học sinh và cha mẹ học sinh với các sản phẩm của Sữa học đường, không có sản phẩm nào là "duy nhất", là "số một", là "độc tôn", bởi nhu cầu và lựa chọn rất phong phú, đa dạng.

Nguồn:

[1]http://ttvn.vn/doi-song/sua-hoc-duong-82018111104513724.htm

[2]http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=350942

[3]http://danviet.vn/nha-nong/cuc-chan-nuoi-len-tieng-ve-viec-bo-y-te-noi-khong-du-sua-tuoi-cho-sua-hoc-duong-922819.html

[4]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-chuyen-sua-hoc-duong-co-can-them-sua-dang-long-khac-20181031160201548.htm

[5]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/item/33930702-sua-tiet-trung-het-thoi-nhap-nhem.html

[6]http://www.sggp.org.vn/nong-dan-khong-con-tam-huyet-voi-dan-bo-sua-549786.html

[7]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tinh-minh-bach-va-tinh-hai-mat-cua-chuyen-nong-dan-do-sua-1424129631.htm

Hồng Thủy