Trách nhiệm của gia đình và nhà trường khi trẻ bị hành hung, bạo hành

05/01/2017 06:24
Phan Tuyết
(GDVN) - Muốn bảo vệ học sinh trước những bủa vây của bạo lực, các em cần được trang bị tốt kĩ năng tự bảo vệ mình, biết gần gũi và sẻ chia với mọi người.

LTS: Bạo lực học đường đang là bài toán khó trong ngành giáo dục. 

Các bậc phụ huynh đều lo lắng đến hoàn cảnh con mình đi học mà trở thành nạn nhân của các vụ bắt nạt, đánh hội đồng.

Cô giáo Phan Tuyết phản đối cách dạy con đánh lại bạn và "hiến kế" nên cho trẻ học các kĩ năng tự vệ để bảo vệ bản thân thì tốt hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trước những clip học sinh đánh nhau một cách dã man lan truyền trên mạng xã hội thời gian vừa qua, nhiều phụ đã vô cùng bức xúc "hiến kế" để bảo vệ con trước làn sóng bạo lực có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Một trong những “kế sách” được nhiều người ủng hộ nhất là dạy con đánh trả khi bị bạn bắt nạt. 

Bức xúc và lo lắng cho con nên nhiều cha mẹ mới nghĩ thế, chứ cách phòng vệ này không phải là thượng sách.

Chưa nói đến việc mình dạy con đánh trả bạn là trực tiếp nhồi nhét và gieo vào tâm hồn vốn dĩ đang trong sáng của tuổi thơ mầm bạo lực.

Cách dạy dỗ này còn có thể gây hại cho con vì biết đâu con sẽ gặp những kẻ bạo lực hơn thì hậu quả sẽ khôn lường.

Học sinh cần học cách tự vệ khi bị đánh hội đồng. (Ảnh: Thanhnien.vn)
Học sinh cần học cách tự vệ khi bị đánh hội đồng. (Ảnh: Thanhnien.vn)

Nếu xem tất cả các clip đánh nhau được tung lên mạng xã hội, ta đều bắt gặp một hình ảnh rất quen thuộc.

Đó là nhẫn nhịn và cam chịu, những học sinh bị đánh thường chỉ biết đứng im chịu trận mà không có một hành động thiết thực nào để tự cứu bản thân mình. 

Có em bị đánh ngay trong lớp học nơi có các thầy cô giáo, có bảo vệ, có giám thị nhà trường nhưng nạn nhân vụ bạo hành vẫn không biết vùng chạy để tìm sự giúp đỡ.

Có em bị đánh ở ngoài đường nơi vẫn có người qua lại nhưng những học sinh này cũng chỉ biết nín thinh chịu đựng một cách cam chịu mà không biết kêu la, hô hoán. 

Không cầu cứu sự giúp đỡ của nhà trường, của gia đình. Chính cha mẹ các em cũng không thể biết dù con mình đã bị bạo hành trong một thời gian rất dài.

Sự việc chỉ bị bại lộ khi mạng xã hội tố cáo. Vì sao phần lớn nạn nhân trong các vụ bạo hành ấy thường chỉ im lặng cam chịu? Trẻ thật sự thiếu kĩ năng tự bảo vệ mình.

Điều này thật sự cần với các em nhiều hơn kĩ năng đánh trả bạn khi bị bắt nạt mà nhiều gia đình đang áp dụng dạy con. 

Trách nhiệm của gia đình và nhà trường khi trẻ bị hành hung, bạo hành ảnh 2

Gia đình và nhà trường đang đẩy con em mình ra xa

Trách nhiệm của gia đình và nhà trường

Ở nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần thiết kế nhiều kênh thông tin mới có thể nắm rõ tình hình của học sinh trong lớp.

Những mâu thuẫn giữa các học sinh với nhau lúc đầu cũng chỉ là những điều nhỏ nhặt nhưng lâu dần sẽ dữ dội như những mạch nước ngầm sẵn sàng dâng trào và bộc phát bất cứ lúc nào.

Thầy cô giáo chủ nhiệm không gần gũi học sinh sẽ chẳng bao giờ biết được điều này mà cảm hóa và ngăn chặn ngay từ khi nó mới bắt đầu manh nha.  

Xảy ra chuyện bị bạn đánh một cách dã man, thường thì các em cũng đã có thời gian mâu thuẫn với nhau khá lâu rồi. Mâu thuẫn không được giải quyết triệt để đương nhiên sẽ bùng phát.

Nếu các em lường trước được những hậu quả sẽ xảy ra khi mâu thuẫn với bạn để chủ động chia sẻ, tâm sự với thầy cô, đặc biệt là với cha mẹ nhờ sự giúp đỡ.

Muốn vậy, cha mẹ phải luôn quan tâm đến con để thấy được những bất thường mà con đang phải gánh chịu.

Gia đình chứ không ai khác cần dạy cho con kĩ năng tự bảo vệ mình mà không phải bằng cách đánh lại bạn như một số phụ huynh đang làm. 

Như việc con bị bạn hành xử thô bạo cần phải chạy khỏi hiện trường nhờ sự giúp đỡ chứ không đứng im để lĩnh đòn. Nếu trong trường sẽ cầu cứu thầy cô, bảo vệ. Ngoài đường cần la to và cầu cứu những người xung quanh.

Khi bị bạn hẹn gặp ở một nơi nào đó cũng cần biết nói lời từ chối. Nhất định phải cho ba mẹ biết về những chuyện mình đang gặp phải để người lớn có cách giải quyết và bảo vệ cho mình. 

Bạo lực mà đáp trả bằng bạo lực là cách người lớn đang làm hại con trẻ. Muốn bảo vệ chúng trước những bủa vây của bạo lực các em cần được trang bị tốt kĩ năng tự bảo vệ mình, biết gần gũi và sẻ chia với mọi người.

Phan Tuyết