Trăn trở của Bộ trưởng Nhạ về chất lượng giáo dục đại học

12/04/2018 07:36
Thùy Linh
(GDVN) - Nhiều cơ sở giáo dục tên là trường đại học mà bây giờ thành trung cấp bậc đại học dẫn đến chất lượng giáo dục đại học “vàng thau lẫn lộn”.

Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” diễn ra ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, trong lĩnh vực giáo dục nói chung đặc biệt là giáo dục đại học, việc xây dựng văn hóa chất lượng rất khó khăn. 

Lâu nay, chúng ta cứ loay hoay giữa việc phân tầng, xếp hạng như thế nào?

Và ai sẽ là người triển khai, thực hiện việc phân tầng, xếp hạng đó?

Từ đó, có cách tiếp cận cho rằng, nhà nước phải là cơ quan đứng ra phân tầng, xếp hạng nhưng bên cạnh đó lại có những xu hướng coi đây là hoạt động của các trường đại học, các tổ chức cá nhân trong xã hội dân sự, do đó nhà nước không nên can thiệp, tham gia vào việc xếp hạng, phân tầng này. 

Bộ trưởng Nhạ khẳng định, nhiều cơ sở giáo dục tên là trường đại học mà bây giờ thành trung cấp bậc đại học dẫn đến chất lượng giáo dục đại học “vàng thau lẫn lộn”. (Ảnh: Thùy Linh)
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, nhiều cơ sở giáo dục tên là trường đại học mà bây giờ thành trung cấp bậc đại học dẫn đến chất lượng giáo dục đại học “vàng thau lẫn lộn”. (Ảnh: Thùy Linh)

Bộ trưởng cũng khẳng định, các đại học khi cung cấp dịch vụ giáo dục thì phải tuân theo nguyên tắc, quy luật của thị trường và quan trọng nhất của giáo dục đại học là chất lượng, là đảm bảo quyền lợi của người học chứ không phải xếp hạng.

Tuy nhiên trong môi trường có nhiều trường đại học thì cần có sự so sánh thông qua thước đo cụ thể bằng các nguyên tắc xếp hạng để phân hạng minh bạch cho xã hội, người sử dụng dịch vụ biết để lựa chọn đại học chất lượng, tương xứng với đồng tiền bát gạo bỏ ra. 

Được biết, trong lộ trình tự chủ đại học, với quan điểm đưa học phí về tiệm cận với giá dịch vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép một số chương trình đào tạo đại học chất lượng cao thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo. 

“Nhưng chất lượng của các chương trình đào tạo mang tên chất lượng cao này như thế nào thì chưa được công khai, trách nhiệm giải trình còn rất yếu. Từ đó dẫn đến thiếu minh bạch về chất lượng”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. 

Tổng tư lệnh ngành giáo dục cũng thông tin, có một thời gian dài chúng ta hình thành rất nhiều các trường đại học. 

Trăn trở của Bộ trưởng Nhạ về chất lượng giáo dục đại học ảnh 2Các trường đại học Việt Nam nên lựa chọn tham gia bảng xếp hạng nào?

Cho đến nay, Việt Nam có gần 300 trường đại học, về mặt số lượng, con số này ở quốc gia 94 - 95 triệu dân chưa đáng ngại mà điều đáng ngại nhất đó là chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường chưa đảm bảo. 

Trường không ra trường, nhiều cơ sở giáo dục tên là trường đại học mà bây giờ thành trung cấp bậc đại học dẫn đến chất lượng giáo dục đại học “vàng thau lẫn lộn”. 

Từ đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, một trong những giải pháp hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học là phải thực hiện xếp hạng đại học một cách minh bạch, tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đó, sẽ có một tiêu chuẩn chung, chính thức hóa mang tầm quốc gia chứ không phải mạnh trường nào trường đó làm.

Giáo dục đại học của Việt Nam có lợi thế là người đi sau, do đó có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tránh những vết xe đổ không đáng có của các đại học khác trên thế giới. 

Phải xác định rõ mục tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng đại học là chất lượng vì gắn chất lượng với xếp hạng thì mới biết chúng ta đang ở đâu so với thế giới để phấn đấu thêm.

Thông qua chất lượng, các trường sẽ tạo được thương hiệu, uy tín nhưng điều quan trọng nhất với trường đại học là phải có trách nhiệm với cộng đồng để xây dựng văn hóa chất lượng.

Trăn trở của Bộ trưởng Nhạ về chất lượng giáo dục đại học ảnh 3Việt Nam có 2 đại học thuộc tốp 150 đại học tốt nhất châu Á

Bộ trưởng Nhạ đã đưa ra một số vấn đề cần thảo luận liên quan đến tiêu chí xếp hạng, xếp hạng theo tiêu chuẩn nào để phù hợp với Việt Nam trong đó lưu ý tới tiêu chí của tổ chức xếp hạng QS vì theo tiêu chí xếp hạng của QS là tập trung nhiều vào trách nhiệm với cộng đồng, đào tạo, khoa học công nghệ. 

Đây là 3 trụ cột quan trọng đối với giáo dục đại học và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chỉ số trên các bảng xếp hạng của các trường đại học, nhất là các trường làm tốt. 

Các trường đại học Việt Nam làm sao phải nâng cao chỉ số xếp hạng quốc tế và chỉ số trích dẫn; làm sao để người sử dụng lao động đánh giá tốt về chất lượng lao động…

“Các trường đại học Việt Nam đang đào tạo những gì mình có thế mạnh chứ không đào tạo theo xu hướng thị trường lao động và không được thị trường đánh giá cao. Nếu không làm tốt thì người học là nạn nhân. Đây là trách nhiệm của các trường đại học” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng khẳng định, mục đích cuối cùng của xếp hạng đại học không phải là con số, vị trí trong bảng xếp hạng mà là nâng cao chất lượng đào tạo của các đại học, còn thông qua các tiêu chuẩn quốc tế để biết giáo dục đại học của ta đang ở đâu trong khu vực, thế giới về mặt chất lượng. 

Giai đoạn từ 18-22 tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng để phát triển về tư duy, năng lực, nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Chọn nhầm đường, sẽ gây lãng phí lớn về nguồn lực, làm mất cơ hội ảnh hưởng tới tương lai của rất nhiều thế hệ thanh niên. 

“Tôi đề nghị các thầy hiệu trưởng lãnh đạo nhà trường nâng cao đạo đức xã hội với sản phẩm, minh bạch thông tin của mình để người học có thông tin đầy đủ nhất từ đó đưa ra những lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất”, Bộ trưởng Nhạ nói. 

Thùy Linh