Tranh luận về đáp án môn Sử: Tổ Lịch sử khẳng định không có sai sót!

23/07/2013 07:22
Xuân Trung
(GDVN) - Trước những tranh luận về Đề và Đáp án môn Lịch sử khối C của Đại học mâu thuẫn và chưa chính xác, Tổ Lịch sử (chịu trách nhiệm ra Đề và Đáp án của Bộ GD&ĐT) khẳng định không có sai sót.

Đề thi ra chính xác?

Trả lời những câu hỏi góp ý của các nhà khoa học, các nhà giáo về Đề thi và Đáp án môn Lịch sử năm nay, Tổ Lịch sử cho biết, những góp ý trên (giả sử/nếu đúng), cũng không thể đưa vào đáp án, vì không có trong sách giáo khoa - là tài liệu học tập cơ bản, chủ yếu của học sinh. Tổ Lịch sử dẫn chứng như các chi tiết: “Ngày 24/7/1953 Nava chính thức đệ trình kế hoạch...”, “Biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống...”.

Phản ánh về Đáp án năm nay của Bộ GD&ĐT, một giáo viên trường Chuyên THPT tại miền Bắc cho biết, mốc thời gian đó là một đặc trưng của môn Lịch Sử cần phải có. Về vấn đề này, Tổ Lịch sử cho rằng, đối với bộ môn Lịch sử, sự kiện bao giờ cũng gắn liền với năm tháng, nhân vật, địa danh, số liệu,... Nhưng để giảm nhẹ việc ghi nhớ quá nhiều của học sinh, nên chỉ yêu cầu học sinh phải nhớ những năm tháng, nhân vật... chủ yếu.
Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

“Yêu cầu về kĩ năng nhận thức và làm bài cần phải dựa trên điểm số của từng câu hỏi cụ thể và phải phù hợp ma trận chung của các câu hỏi trong đề thi” Đại diện Tổ Lịch sử cho biết.

Một số ý kiến trao đổi xung quanh Câu 2 phần Lịch sử Việt Nam về nên bỏ hay thêm chữ “Trước…” hay “Khi bước vào hè 1953” hoặc “khi bước vào thu – đông 1953” / “Trước khi bước vào đông – xuân” mới chính xác về mốc thời gian, hoặc cũng có ý kiến cho rằng, âm mưu của Pháp – Mĩ: “trong kế hoạch Nava” hay “trong việc xây dựng tập toàn cứ điểm Điện Biên Phủ” hoặc “Âm mưu”  hay “âm mưu và thủ đoạn” mới đúng.

Tổ Lịch sử cho rằng, trước hết khẳng định việc sử dụng cụm từ “Khi bước vào đông – xuân 1953 – 1954” là chính xác, vì đây là cụm từ chỉ thời gian liên quan đến các nội dung nêu ra trong câu 2 (âm mưu và kế hoạch của Pháp – Mĩ và phương hướng chiến lược của ta trong đông – xuân 1953 – 1954).
“Câu hỏi đề thi không yêu cầu xác định thời gian mà Pháp - Mĩ đề ra kế hoạch. Hơn nữa, khi bước vào đông - xuân 1953, Pháp - Mĩ không có kế hoạch nào khác, nếu có chỉ là sự điều chỉnh kế hoạch Nava mà thôi” đại diện Tổ Lịch sử cho biết.

Dẫn chứng của Tổ Lịch sử cho hay, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (chương trình Chuẩn), Bài 20 ghi rõ: Trang 145, trong đoạn mở đầu có viết: "Bước vào đông – xuân 1953 – 1954, Pháp – Mĩ âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định nhằm “kết thúc chiến tranh trong danh dự”...

Trang 146, sau khi trình bày về nội dung của kế hoạch Nava, cuối mục có câu hỏi: "Âm mưu mới của Pháp – Mĩ ở Đông Dương khi bước vào đông – xuân 1953 – 1954 như thế nào?"

“Như đã nói ở trên (câu hỏi trang 146 của sách giáo khoa), thí sinh không thể lẫn lộn yêu cầu của câu hỏi là âm mưu của Pháp – Mĩ “trong kế hoạch Nava” thành âm mưu của Pháp – Mĩ “trong việc xây dựng tập toàn cứ điểm Điện Biên Phủ” được” Tổ Lịch sử khẳng định.

Câu 2: Trình bày “Âm mưu là sai”?

Theo Tổ Lịch sử, cụm từ "Khi bước vào đông - xuân 1953 - 1954…" phải hiểu là thời điểm bắt đầu đông - xuân 1953 - 1954, không thể trình bày việc Pháp - Mĩ xây dựng tập toàn cứ điểm Điện Biên Phủ” là việc diễn ra sau thời điểm đó. Cho nên, nếu thí sinh trình bày “Âm mưu của Pháp khi xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở Đông Dương...” là không chính xác, vì Pháp chỉ nhảy dù xuống Điện Biên Phủ sau khi quân ta thực hiện quyết định của Bộ Chính trị tiến công lên Tây Bắc (Sách giáo khoa Lịch sử 12 (chương trình Chuẩn) trang 147).

Nếu thí sinh có nêu âm mưu của Pháp – Mĩ trong việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để nó trở thành một cái “máy nghiền khổng lồ” thì mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là giành chiến thắng quân sự và “kết thúc chiến tranh trong danh dự” (Sách giáo viên Lịch sử 12 (chương trình Chuẩn) trang 158).

“Câu hỏi chỉ yêu cầu trình bày âm mưu và kế hoạch, không yêu cầu trình bày thủ đoạn (những hoạt động của Pháp trong việc thực hiện kế hoạch Nava)” Tổ Lịch sử khẳng định.

Trước đó, một số giáo viên dạy Lịch sử THPT cho rằng, trong Câu 3 phần Lịch sử Việt Nam phải trình bày “Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong việc thực hiện Chiến lược Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam?”, thì âm mưu của Mĩ là “Dùng người Việt đánh người Việt” đó chỉ là bản chất của Chiến lược.

Và, “Biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống...” mới là âm mưu...

Tổ Lịch sử khẳng định, xác định âm mưu của Mĩ trong việc thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là “dùng người Việt đánh người Việt” là chính xác. Việc “Biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống...” vừa là mục đích, vừa là âm mưu chung, âm mưu lâu dài của Mĩ khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

“Nội dung này không có trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, mỗi chiến lược chiến tranh lại có những âm mưu cụ thể. Đối với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mĩ sử dụng quân đội Sài Gòn, vũ khí, kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ, dưới sự chỉ huy của "cố vấn" Mĩ để chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta. Như vậy, về cơ bản âm mưu của Mĩ trong “Chiến tranh đặc biệt là “dùng người Việt đánh người Việt”.

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (chương trình Chuẩn), Bài 21, trang 169, viết: "Âm mưu cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là “dùng người Việt đánh người Việt” Tổ Lịch sử cho biết .

Xuân Trung