Trẻ tự tử lỗi do đâu?

25/03/2012 06:00
Bích Thảo
 GDVN) - Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà – Giảng viên khoa tâm lí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lí “mổ xẻ” trẻ tự sát lỗi do đâu?
Những khủng hoảng tuổi mới lớn.

Trước khi bàn vào vấn đề Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng: Dù có bất kì chuyện gì xảy ra thì tự sát cũng là một hành động dại dột, bồng bột, thiếu suy nghĩ và không coi trọng giá trị của chính mình.

Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Mạnh Hà
Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Mạnh Hà

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến những hành động tự sát của trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau.

Trước tiên không ít trẻ đã chọn cách tự sát để khẳng định mình: Sở dĩ ngày càng có nhiều bạn trẻ đã chọn cách tự kết liễu đời mình là do gặp phải những vấn đề như trẻ bị kìm nén, bị người lớn coi thường, ép phải làm theo những gì mà người lớn yêu cầu. Khi đó, trẻ nhận ra rằng tiếng nói của trẻ không được lắng nghe đúng mức, không được người lớn đồng cảm. Hay trẻ bị xa lánh, bị thành kiến khi đó chúng dùng cách tự sát để khẳng định và nghĩ rằng như thế có thể đòi lại tiếng nói của mình.

Tự sát để trả thù: Cũng có nhiều trường hợp trẻ bị oan ức một vấn đề nào đó, chúng chọn cách tự sát như để chứng minh mình trong sạch và khiến người xung quanh phải ân hận.

Có trường hợp trẻ không định tự tử thật mà chỉ là muốn dọa người lớn, rằng chúng có thể sẽ kết liễu đời chúng nếu người lớn vẫn còn làm, còn nghĩ về chúng như trước. Với trường hợp trẻ đã từng có ý định dọa tự tử thì rất có thể sẽ hành động thật sự.

Tự sát để giải thoát: “ở lứa tuổi vị thành niên trẻ rất dễ bị kích động, nếu gia đình, người lớn xung quanh giáo dục trẻ một cách thái quá, tạo quá nhiều áp lực cho trẻ thì cũng dễ khiến trẻ chọn lựa cách giải thoát bằng việc tự sát Thạc sĩ Hà khẳng định.

Áp lực từ bên ngoài dễ khiến trẻ không làm chủ được hành vi của mình
Áp lực từ bên ngoài dễ khiến trẻ không làm chủ được hành vi của mình

Cũng có thể do bị bạn bè lôi kéo. Trong độ tuổi vị thành niên trẻ bị ảnh hưởng rất lớn từ bạn bè. Đôi khi có những đứa trẻ trong một nhóm gắp phải hoàn cảnh khó khăn, những đứa trẻ  khác dễ đồng cảm với nhau và cũng rất dễ rủ nhau làm việc dại dột.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho biết tỉ  lệ người trẻ tuổi từ 12 đến 35 tự tử là chiếm đa số. Đặc biệt là người trong độ tuổi vị thành niên: “Trong độ tuổi này trẻ phát triển rất nhanh về cả thể chất lẫn tinh thần. Giai đoạn này chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Trẻ rất muốn khẳng định bản thân, tính cách của mình với người lớn. Do đó khi trẻ bị áp lực, bị ám thị thì rất có thể bồng bột mà nhảy lầu tự tử.” 

Mặt khác do trẻ bị hạn chế về không gian cũng như thời gian hoạt động xã hội làm cho mối liên kết xã hội yếu ớt, không đủ sức đề kháng với những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Khi trẻ sống một cách quá khép kín, không chia sẻ những nỗi buồn bực, ức chế với người khác sẽ dễ dàng khiến trẻ bị trầm uất. Vì vậy mà tỉ lệ người sống độc thân bị trầm cảm và dễ có ý định tự tử cao hơn gấp nhiều lần so với người hòa nhập và sống hướng ngoại.

Như vậy có thể thấy, chính người lớn với cách ứng xử không khéo với trẻ đã làm cho trẻ gặp phải những vấn đề về tâm lí. Người lớn không hiểu trẻ khiến cho trẻ không cảm thấy mình được tôn trọng.

Lỗi của trẻ nhưng trách nhiệm là của người lớn

Lỗi của trẻ là còn thiếu kinh nghiệm sống, còn bồng bột, non dại. Do đó để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn vai trò của bố mẹ và thầy cô giáo là vô cùng quan trọng.

Bố mẹ phải hiểu con cần gì, suy nghĩ như thế nào để có thể cùng trẻ chia sẻ, giải quyết vấn đề. Hiện nay không ít bố mẹ rất hay nhầm lẫn trong cách ứng xử với đạo đức của trẻ. Một đứa trẻ trong lúc bị ức chế có cãi lại bố mẹ một hai câu, người lớn dễ quy chụp đánh đồng  là trẻ hư hỏng. Bố mẹ cần phải hiểu con qua cả quá trình, chứ không nên đánh giá trẻ chỉ trong một phút chốc. 

Năng lượng của tuổi trẻ là rất nhiều. Chúng có thể làm được nhiều việc tích cực nhưng cũng có thể bồng bột mà tự sát chỉ vì một chuyện rất nhỏ bé. Do đó gia đình cần thấu hiểu rằng đôi khi cần phải chấp nhận những sự khác biệt của trẻ. Gia đình và nhà trường cần dạy dỗ trẻ sống tích cực, suy nghĩ tích cực, mở rộng các mối quan hệ, tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh và biết chia sẻ với người xung quanh.

Bố mẹ cần quan tâm đến tâm lí của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu lo lắng, trầm uất, bực bội, cáu gắt, không muốn nói chuyện với ai, những trẻ đó rất dễ dẫn đến trầm cảm và nghĩ đến tự tá, vì vậy bố mẹ và người lớn xung quanh nên lắng nghe, quan tâm và thấu hiểu trẻ.

Những khi thấy con trẻ có dấu hiệu trên thì gia đình cần đưa ngay trẻ đến gặp các bác sĩ tâm lí để hỗ trợ. Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà những trẻ đã qua chuyên gia thì tỉ lệ 70 – 80 % sẽ qua được giai đoạn khủng hoảng.

Gia đình và nhà trường chính là nơi gần gũi tiếp xúc với trẻ, nên gia đình và nhà trường cần tích cực hơn trong việc học cách lắng nghe trẻ để giúp trẻ vượt qua được những khủng hoảng tuổi mới lớn.

Trẻ cần phải được giao tiếp hoạt động xã hội, cần được chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn hơn nhưng vấn lạc quan, yêu đời để trẻ tự thấy quý trọng cuộc sống của mình hơn. 

Không chỉ vậy mà mỗi trẻ cũng cần phải biết kiềm chế bản thân mình, giải quyết vấn đề bằng lí trí chứ không nên bằng những cảm xúc nhất thời. Đôi khi bố mẹ, người lớn không hiểu trẻ, trẻ cũng cần phải đối thoại một cách thẳng thắn, trực tiếp và bình tĩnh với người lớn để cùng giải quyết vấn đề - chuyên gia tâm lí Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mùi chuyên gia tư vấn tâm lí chương trình Cửa sổ tình yêu cũng khẳng định: “Trong mọi trường hợp chúng ta cũng không được phép nghĩ đến tự sát. Cuộc sống là rất quý giá. Còn  biết bao nhiêu người mắc bệnh họ muốn sống mà cũng không được. Nên chúng ta đừng phí phạm cuộc sống của chính mình.”
Bích Thảo