Trình độ thầy cô và khả năng quản lý của cán bộ quyết định chất lượng giáo dục

13/08/2016 07:50
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Chọn, bổ nhiệm đúng cán bộ, loại bỏ dần những “tệ” khác trong môi trường Giáo dục là một yếu tố quan trọng để quá trình đổi mới đi đúng hướng.

LTS: Băn khoăn với việc nâng cao chất lượng giáo dục, hôm nay, thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết đưa ra những giải pháp thiết thực.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm mới của ngành Giáo dục, các vị đại biểu nêu bật những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như một số tồn tại cần giải quyết, khắc phục trong thời gian tới.

Có thể nói, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các bậc học là yếu tố quan trọng, quyết định nhất đến sự thành hay bại, thịnh hay suy của nền Giáo dục nước nhà.

Vậy chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ giáo viên hiện nay?

Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay? (Ảnh: giaoducthoidai.vn).
Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay? (Ảnh: giaoducthoidai.vn).

Theo tôi, ngành Giáo dục cần tập trung giải quyết, xử lý mấy việc sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, tình trạng dư thừa giáo viên ở bậc phổ thông.

Phần lớn giáo viên ở nhà trường phổ thông, nhất là bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông không bảo đảm tiết dạy chuẩn theo quy định nhưng vẫn hưởng đầy đủ chế độ Nhà nước.

Trình độ thầy cô và khả năng quản lý của cán bộ quyết định chất lượng giáo dục ảnh 2

Sao cứ nhất định học rồi mới khai giảng?

Nếu biết tổ chức, sắp xếp lại biên chế sẽ tinh giản được một số lượng không nhỏ giáo viên, giảm bớt được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đang thiếu hụt, bội chi nhiều năm nay.

Mặt khác, mức độ tâm huyết, năng lực chuyên môn của một bộ phận nhà giáo các cấp đang có nhiều vấn đề đáng lo và trở thành “vật cản” lớn cho công cuộc đổi mới chất lượng Giáo dục.

Trong khi, số lượng giáo viên trẻ được đào tạo đang khao khát cống hiến thì họ lại bị thất nghiệp và phải chuyển sang làm những việc khác.

Đã đến lúc, chúng ta cần đánh giá, phân loại giáo viên một cách công bằng, thực chất để tinh giản bớt số giáo viên không đạt yêu cầu, nhường chỗ dạy cho những giáo viên trẻ.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt về đánh giá, phân loại cán bộ và tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; tôi tin rằng ngành Giáo dục sẽ có nhiều gam màu tươi sáng hơn!

Thứ hai, cần đổi mới cách đánh giá, bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục.

Trình độ thầy cô và khả năng quản lý của cán bộ quyết định chất lượng giáo dục ảnh 3

Thầy cô thời nay đang bất lực trước học trò

Công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, Ban giám hiệu trường học ở một số nơi còn bất cập, chưa phát huy được quyền dân chủ, tín nhiệm của tập thể, cán bộ và giáo viên.

Trong quá trình lãnh đạo, một số Hiệu trưởng, Hiệu phó hạn chế về năng lực, có những biểu hiện sa sút, tha hóa về đạo đức, lối sống gây mất đoàn kết nội bộ.

Chất lượng thấp của Ban giám hiệu dẫn đến các hiện tượng như: trù dập giáo viên, ít trau dồi chuyên môn, chủ yếu quan tâm đến chuyện “quan hệ” để giữ ghế, kiếm chác từ việc sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất…

Chính vì vậy, qua các diễn đàn, nhiều giáo viên thường bày tỏ nỗi thất vọng, bức xúc về lãnh đạo, Ban giám hiệu của mình.

Nhiều giáo viên còn có chung mong muốn, đề nghị các cán bộ quản lý, Ban giám hiệu trường học không còn tâm huyết, sáng tạo; sa sút về phẩm chất, đạo đức; năng lực điều hành yếu kém… cần được thay thế.

Thực tế, công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ ở ta nói chung, ngành giáo dục nói riêng có điểm hạn chế thấy rõ.

Những ai đã được làm cán bộ, lãnh đạo thì trừ trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo trở lên còn lại ít khi bị thuyên chuyển hoặc giáng chức.

Do vậy, cơ hội để các giáo viên trẻ, có năng lực, phẩm chất tốt được bổ nhiệm thay các “lão làng” gần như rất hiếm hoi. 

Trình độ thầy cô và khả năng quản lý của cán bộ quyết định chất lượng giáo dục ảnh 4

Giáo viên một khi sai lầm là không có cơ hội sửa chữa

Yếu tố “động” và “mở” trong công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ ở các cơ sở giáo dục cần được tính đến.

Những cán bộ, Hiệu trưởng, Hiệu phó lớn tuổi, khả năng làm việc hạn chế… cũng nên mạnh dạn cho nghỉ, nhường “ghế” cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ tuổi xông xáo được làm việc.

Mô hình thi tuyển chọn các chức danh lãnh đạo trong nhà trường ở một số địa phương đang thực hiện đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực.

Tôi cho rằng cần áp dụng, nhân rộng mô hình này ở các địa phương để công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ được công khai, minh bạch hơn.

Chọn, bổ nhiệm đúng cán bộ, loại bỏ dần những “tệ” khác trong môi trường Giáo dục là một yếu tố quan trọng hàng đầu để đạt được những thắng lợi, thành công.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của thầy Đỗ Tấn Ngọc, Tòa soạn trân trọng đón nhận các ý kiến đóng góp khác cho vấn đề chất lượng giáo dục hiện nay.

Quý độc giả có thể góp ý ngay trong phần bình luận của bài viết, hoặc gửi email tới toasoan@giaoduc.net.vn.

Đỗ Tấn Ngọc