Trường Tôn Đức Thắng: Phong giáo sư nội bộ, trường vẫn tiếp tục làm

17/09/2015 09:26
Thế Quân
(GDVN) - Theo đại diện lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc tự phong giáo sư cho các giảng viên là bình thường, hoàn toàn nằm trong quyền tự chủ của nhà trường.

Được sự ủy quyền của GS Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, sáng ngày 16/9, ông Vũ An Ninh – Trưởng phòng tổ chức hành chính, trường Đại học Tôn Đức Thắng cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam biết, việc nhà trường phong giáo sư cho các giảng viên chỉ là các chức danh về mặt chuyên môn, hoàn toàn không liên quan đến các học hàm mà Nhà nước phong từ trước tới nay.

Những người có thể được phong chức danh giáo sư này của trường phải là những người hiện đang làm việc, giảng dạy tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên, phải đạt được một số tiêu chuẩn riêng, rất khắt khe, chỉ được phong chức danh này khi còn làm việc tại trường, nghỉ dạy hay không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy được giao thì cũng sẽ bị bãi miễn.

Theo ông Ninh, việc phong chức danh này hoàn toàn không thể so sánh được với các chức danh như giáo sư, phó giáo sư do Nhà nước trao tặng, có giá trị vĩnh viễn, suốt đời.

Lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng trao đổi với phóng viên về việc tự phong giáo sư cho giảng viên (ảnh: T.Q)
Lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng trao đổi với phóng viên về việc tự phong giáo sư cho giảng viên (ảnh: T.Q)

“Tên gọi có thể giống nhau, nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục thực hiện, triển khai việc này theo đúng quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ là cho phép trường thí điểm một số vấn đề như: tự chủ, được quyền sử dụng, bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên viên chức trong và ngoài độ tuổi lao động…” 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng khoa Luật cho rằng, vì nhóm đối tượng này không phải là công chức, thực hiện nhiệm vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ, thu nhập do trường trả bằng nguồn thu của trường, không phải là từ ngân sách Nhà nước, nên việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ hay cung cấp điều kiện làm việc tương xứng , trả thu nhập có giá trị trong nội bộ trường là quyền của trường.

Cũng theo ông Sơn, đối với các trường Đại học khác, việc họ có công nhận các chức danh chuyên môn mà trường Đại học Tôn Đức Thắng phong tặng hay không, đó là quyền của họ, chứ nhà trường không thể có ý kiến được.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến việc đã thông báo, xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý hay chưa, đại diện cho lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng nói: Đây là việc làm hoàn toàn đúng theo quy định, mà văn bản của Thủ tướng (văn bản 158) cho phép trường được phép làm thí điểm một số việc mà luật chưa quy định, nên thấy không cần thiết xin phép Bộ Giáo dục.

Còn ông Lê Văn Út – Trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ, trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ: Trước khi triển khai ý định, trường đã tham khảo rất nhiều mô hình của các trường tiên tiến trên thế giới, và thấy rằng, các chức danh chuyên môn như giáo sư, phó giáo sư thường gắn liền với một trường Đại học nào đó, nên việc công nhận này là rất bình thường.

Hiện trường sẽ có báo cáo chi tiết lên Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo về quá trình triển khai việc bổ nhiệm này.

Theo nhà trường, hiện cũng chưa có bất cứ một quy định nào không cho phép một cơ sở giáo dục được tự phong giáo sư, phó giáo sư ngoài các chức danh do Hội đồng chức danh Nhà nước trao tặng. Từ đó, đương nhiên nhà trường sẽ tiếp tục triển khai việc bổ nhiệm này trong thời gian tới.

Thế Quân