Trường học không phải là nơi kinh doanh

01/09/2015 06:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Năm học mới, nhiều trường học bắt buộc phụ huynh phải mua đồng phục của nhà trường bán nhưng với giá đắt gấp nhiều lần so với giá ngoài thị trường.

LTS: Những bộ đồng phục học sinh hiện nay hầu hết đều nói lên tính chuyên nghiệp và quy củ, tính thẩm mỹ nơi học đường. Nhưng giá thành của những bộ đồng phục này cũng là một vấn đề cần quan tâm. 

Vậy làm sao vẫn đảm bảo được chất lượng trang phục mà vẫn có một mức giá phù hợp để các bậc phụ huynh có thể bớt một phần chi phí đồng phục vào việc trợ giúp các em học tập tốt hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô giáo Phan Tuyết (Bình Thuận) về vấn đề này. 


Nhiều bộ đồng phục lòe loẹt, may vá cầu kì, không phù hợp với môi trường giáo dục. Có trường không muốn học sinh mặc đồ cũ, đã đưa ra “chiêu” thay đổi mẫu, màu sắc đồng phục hàng năm, buộc tất cả học sinh trong trường phải mua hết. Điều này đã làm thêm gánh nặng cho những học sinh gia đình nghèo.

Nếu đúng ra, trường học đặt đồ đồng phục với số lượng lớn thì giá thành từng bộ đồ phải rẻ hơn mua lẻ nhiều lần so với giá chợ.

Nhưng theo so sánh của nhiều phụ huynh ở một số trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, có bộ đồ giống y chang như thế ngoài chợ rẻ hơn đến vài chục nghìn đồng. 

Nhiều bạn đọc bất bình và lên án thầy cô giáo bán đồ để lấy tiền chênh lệch tư lợi cá nhân. Họ dùng đủ lời lẽ để thóa mạ, xúc phạm các thầy cô giáo. Nhưng họ đâu có biết giáo viên cũng chẳng được lợi đồng nào dù đồ đồng phục có bán đắt như thế nào. 

Trường học không phải là nơi kinh doanh ảnh 1
Nhiều trường học bắt buộc phụ huynh phải mua đồng phục của nhà trường bán nhưng với giá đắt gấp nhiều lần so với giá ngoài thị trường. (Ảnh: laodong.com.vn)

Mọi việc ở trường, từ quy định nhỏ đến những việc lớn đều do Hiệu trưởng quyết định. Hiệu trưởng đã đề ra, đố dám giáo viên nào phản ứng. 

Nếu Hiệu trưởng biết thương học sinh thì phụ huynh trường đó được nhờ. Ngược lại, Hiệu trưởng nào cũng vì món lợi mang tên “hoa hồng” thì không chỉ phụ huynh mà các thầy cô giáo cũng phải chịu vạ lây. 

Để tránh cho phản ứng không tốt từ dư luận, tránh biến trường học thành nơi buôn bán, kinh doanh để mang lại món lợi cho một vài thành viên nào đó.

Nhà trường cần quy định việc mặc đồng phục cho các em thoải mái hơn một chút. Và việc tổ chức bán đồ đồng phục giá cả phải mềm hơn so với giá cả ngoài thị trường.

Trước việc một số trường học lợi dụng việc bán đồng phục để thu lợi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định học sinh mặc đồ đồng phục.

Trường học không phải là nơi kinh doanh ảnh 2

Đồng phục học sinh từ bình đẳng thành ám ảnh

(GDVN) - Đồng phục học sinh đang dần rời xa ý nghĩa tốt đẹp "bình đẳng" thuở ban đầu để biến thành nỗi “ám ảnh” đối với phụ huynh mỗi dịp đầu năm học mới.

Thiết nghĩ nếu học sinh đến trường mỗi em ăn mặc một kiểu thì nhìn rất rối mắt và khó chịu. Chưa nói đến mỗi em một hoàn cảnh, em mặc đồ xịn, em thì đồ thường cũng dễ gây sự mặc cảm cho các em vốn còn rất nhỏ.

Học sinh đến trường nên quy định quần xanh áo trắng, mang dép quai hậu là đẹp nhất. Nhà trường không nên bắt buộc phụ huynh phải mua đồ đồng phục trong trường.

Phụ huynh nào có nhu cầu thì đến trường mua, không mua cũng chẳng sao miễn các em đến lớp là mặc đồng phục. 

Điều này sẽ tạo điều kiện cho một số học sinh gia đình quá nghèo không có tiền sắm đồ mới cho con nhưng các em vẫn có đồ đồng phục tới trường nhờ xin được đồ cũ của các anh chị lớp trên.

Vài năm trở lại đây ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận nhiều trường Tiểu học đã tổ chức bán đồ đồng phục trong trường nhưng luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh học sinh, bởi lẽ giá một bộ đồ đồng phục quá rẻ. 

Bộ dùng cho lớp 1 là 98.000 đồng, bộ cho học sinh lớp 5 là 106.000 đồng. Nếu so với ngoài chợ, giá thành rẻ hơn đến vài chục nghìn một bộ mà vải rất đẹp, đường may lại chắc chắn. 

Nếu nơi nào, trường học nào cũng làm như nơi đây thì có lẽ câu chuyện về đồng phục mỗi năm học mới sẽ không bao giờ bị đem ra nói và bàn tán nữa.

Phan Tuyết