Từ bài văn "đồng tiền", ngẫm về thế hệ chỉ biết dùng văn mẫu

14/11/2011 15:15
Xuân Trung - Thu Hòe
(GDVN) - Đa số các em chỉ chăm chăm chép văn mẫu nhưng cũng có những em thể hiện sự riêng biệt bằng cách tự nghĩ, tự tư duy.
Những ngày gần đây, dư luận dành sự quan tâm đến “Bức thư gửi mẹ” cảm động của trò nghèo trường Ams nhưng cũng đặc biệt quan tâm đến đề bài văn nghị luận xã hội của cô giáo Đặng Nguyệt Anh.

Trường phổ thông đang đào tạo những "ông cụ non"


Là người có sự quan tâm đặc biệt đến  thực tế dạy Văn Học ở trường phổ thông và có tiếp xúc với nhiều  hầy cô giáo dạy văn phổ thông, PGS. TS Trần Nho Thìn, giảng viên khoa Văn Học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho rằng, đề bài của cô giáo Đặng Nguyệt Anh đưa ra không phải là mới nhưng đã vừa khuyến khích, vừa buộc học sinh phải bày tỏ cái “tôi”, dám nói lên những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống bằng chính sự trải nghiệm của mình. Đó đã là một thành công rất lớn!

Tôi còn biết ở nhiều nơi, các thầy cô dạy văn cũng đã ra kiểu đề nghị luận xã hội tương tự, chẳng hạn có cô giáo đã ra đề cho học sinh trình bày suy nghĩ về “sự giả dối trong cuộc sống”...

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn có sự đánh giá khá cao về cách tư duy ra đề của cô giáo trẻ Đặng Nguyệt Ánh. Đây là dạng bài lấy một chủ đề cụ thể của cuộc sống đương đại để cho học sinh bàn luận, đánh giá, kiến giải những suy nghĩ, quan điểm, lập trường, tình cảm của mình.

Nó đã phần nào thoát khỏi cách tư duy ra đề cũ, dập khuôn, hạn chế, bó hẹp sự sáng tạo của người học.

Trong khi đó, hiện nay, tồn tại một thực trạng, cách dạy và định hướng HS suy nghĩ khi làm bài nghị luận xã hội của nhà trường còn khá công thức, chưa mới mẻ và có nhiều sự sáng tạo.

Hậu quả nhãn tiền của nó là phần đông học sinh thường ngần ngại bộc lộ “cái tôi” của mình khi làm bài nghị luận xã hội.

Mục liên hệ bản thân trong dạng đề nghị luận xã hội thường dẫn học sinh chọn công thức trình bày nhàm chán, trống rỗng, hô khẩu hiệu, nói những chân lý chung chung phải thế này thế khác như một “ông cụ non” dạy bảo một ai đó.

Điều này lý giải vì sao, “Bức thư gửi mẹ!” của em Nguyễn Trung Hiếu lại có sức hút mạnh mẽ đối với dư luận rộng rãi đến như vậy. Bản thân tôi cũng rơm rớm nước mắt khi đọc bài viết của em. Đó không còn là văn chương nữa mà là cuộc đời.

Tôi quan niệm đề văn nghị luận xã hội cần khuyến khích học sinh bộc lộ những quan sát, trải nghiệm, suy nghĩ, hiểu biết… của chính bản thân về các vấn đề của cuộc sống xã hội đương đại ,trong đó chính học sinh là một thành viên chứ không phải là quan sát viên đứng nhìn và bình luận từ bên ngoài.

Nói cách khác, đề bài văn nghị luận xã hội cũng góp phần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.  

... nhưng Hiếu đã trung thực với chính mình

Để trình bày ý kiến về đồng tiền, em Nguyễn Trung Hiếu đã chọn điểm nhìn từ bản thân, từ chính cảm nhận, trải nghiệm qua năm tháng về tác động của đồng tiền đối tất cả mọi thành viên gia đình em, với bản thân em.

Từ đó, em nêu lên mấy luận điểm như: “Ghét tiền”, “sợ tiền” nhưng cần tiền. Đó là những điều có thực nhìn từ  hoàn cảnh của gia đình em.

Từ khó khăn, em càng thấy thương yêu những người thân của mình đang gồng mình đối phó với sự túng thiếu.
Đó chẳng phải là kỹ năng sống của một em học sinh trong điều kiện gia đình có khó khăn hay sao?

Không sa vào than thở chán chường, cũng không lên án đồng tiền chung chung, bực tức hay giận dữ, em bình tĩnh tìm cách cùng mẹ đối phó với mọi thử thách của hoàn cảnh và xác định ứng xử hợp lý cho chính mình để đối phó với hoàn cảnh ngặt nghèo không ai muốn rơi vào như thế này.

Điều độc đáo và đặc sắc là em đã dám thành thực, đã dám luận bàn về đồng tiền từ chính góc độ bản thân và từ đó hình thành cho bản thân một kỹ năng sống mạnh mẽ, đúng đắn, vững vàng. Đây chính là điều cần được khích lệ! 
“Đọc xong bài văn của Nguyễn Trung Hiếu, tôi đã khóc và khóc rất nhiều. Khóc vì hoàn cảnh của em Hiếu, khóc cho những hoàn cảnh xã hội khác tương tự" - cô Lan Anh, giáo viên dạy văn trường THPT Thăng Long, Hà Nội tâm sự.
Nguyễn Trung Hiếu ước, nếu có nhiều tiền lúc này sẽ mua thuốc cho mẹ một phần, còn lại mang giúp đỡ những trẻ em gặp khó khăn hơn mình. Ảnh Xuân Trung
Nguyễn Trung Hiếu ước, nếu có nhiều tiền lúc này sẽ mua thuốc cho mẹ một phần, còn lại mang giúp đỡ những trẻ em gặp khó khăn hơn mình. Ảnh Xuân Trung
Giáo viên Lan Anh đánh giá, đây là một bài tập làm văn, nếu xét về phương pháp làm bài thì Hiếu chưa đi đúng hướng nhưng ngược lại cảm xúc của em viết rất thật. Có lẽ do hoàn cảnh của em quá éo le và khổ nhưng với một ý trí ham học, Hiếu đã viết lên sự thật nhất có thể. Những vấn đề bức xúc được em đưa vào bài văn, đó là những ý nghĩ thông minh, dám nêu lên vấn đề nóng trong xã hội – đồng tiền. 

Trong khi phần lớn các đề bài được giao về nhà, học sinh tìm đủ mọi cách để chép văn mẫu hoặc tìm tài liệu liên quan để viết bài, nhưng với Hiếu thì khác, theo cô Lan Anh, Hiếu đã tự giác và chủ động không đi tìm những bài văn mẫu sẵn có để chép với mục đích nộp bài lấy điểm.

Cảm ơn cô giáo Đặng Nguyệt Anh!

Cô Nguyễn Thị Minh Thắng, giáo viên có thâm niên 30 năm dạy văn Trường THPT Trần Đăng Ninh (Ứng Hòa, Hà Nội) xúc động khi đọc xong câu kết của bài văn. Cô giáo Thắng cho rằng, trường nào cũng có học sinh hoàn cảnh khó khăn, có những em không bao giờ chia sẻ cùng ai, chỉ khi nào có dịp là bộc lộ tâm sự qua từng trang viết. Để có được điều đó, trước hết, giáo viên ra đề bài phải theo hướng mở, hướng mở sẽ giúp các em có cơ hội để bộc lộ cảm xúc thật của mình, những ý tưởng lâu nay các em chỉ dám mơ ước.

Ngược lại, nếu với một đề bài dạng “đúng –sai” sẽ thu được những giọng văn chép từ người khác, mục đích chỉ để có điểm. 
Bà Chu Anh Đào -Giám đốc Quỹ hỗ trợ HS-SV nghèo vượt khó Hà Nội xúc động khi đọc xong bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu, bà Đào cho rằng, với suy nghĩ của một đứa trẻ về tiền bạn như thế thì người lớn biết mình phải làm gì. Ảnh Xuân Trung
Bà Chu Anh Đào -Giám đốc Quỹ hỗ trợ HS-SV nghèo vượt khó Hà Nội xúc động khi đọc xong bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu, bà Đào cho rằng, với suy nghĩ của một đứa trẻ về tiền bạn như thế thì người lớn biết mình phải làm gì. Ảnh Xuân Trung
 “Tôi đã ra đề và chấm thi rất nhiều bài văn nên tôi hiểu, khi một bài được ra ở dạng mở ,các em được chủ động bày tỏ chính kiến. Cũng có những em chỉ chăm chăm chép văn mẫu, lượng đó chiếm phần lớn, nhưng cũng có những em thể hiện sự riêng biệt bằng cách tự nghĩ, tự tư duy và nói lên điều từ đáy lòng của mình.

Có những em khi nhận được đề bài ở dạng mở về hoàn cảnh xã hội đã mạnh bạo kể về hoàn cảnh gia đình mình khi người bố dính vào ma túy, mặc dù biết là như thế nhưng các em vẫn bày tỏ lòng cảm ơn bố đã sinh ra các em trong cuộc đời này, và còn may mắn hơn rất nhiều bạn, nói chung rất cảm động” cô giáo Thắng xúc động cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Thắng mong muốn gương của em Nguyễn Trung Hiếu cần được nhân rộng hơn nữa để cho nhiều người biết, nhất là ở lứa tuổi học trò. Mục đích là giáo dục ý thức cho những học sinh cùng trang lứa về lòng biết ơn, lòng hiếu thảo và tinh thần tự giác, trung thực, dám nói lên sự thật đang là một hiện tượng xã hội: “Bài văn của Hiếu không phải là duy nhất mà đây là những hiện tượng đang diễn ra ngoài xã hội. Chúng ta cũng phải cám ơn cô giáo ra đề vì nếu không có đề bài như thế Hiếu sẽ không có những dòng tâm sự thật của mình, không ai biết về hoàn cảnh của em. Và hơn nữa, khi bài văn của Hiếu được viết ra, đằng sau đó là ý nghĩa về cả một hoàn cảnh xã hội mà chúng ta cần phải quan tâm” cô giáo Thắng tâm sự.
 Tỏ lòng biết ơn tới em Nguyễn Trung Hiếu đã dám tâm sự nói lên sự thật về ý nghĩa của đồng tiền, bà Chu Anh Đào, giám đốc Quỹ hỗ trợ HS-SV nghèo vượt khó của Hà Nội tâm sự rằng, bản thân bà đã rất bất ngờ về những dòng suy nghĩ về tiền bạc của Hiếu sau khi đọc xong bài văn.

“Đối với một đứa trẻ như Hiếu đã suy nghĩ chín chắn về đồng tiền như thế thì người lớn chúng ta phải có hành động như thế nào? Tôi đã cao tuổi nhưng không lúc nào  tôi nghĩ rằng có thể ngừng  việc đi tìm những phần quà dành tặng các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp người là đề cao tính nhân văn, để nhiều hoàn cảnh bớt khổ hơn, mang lại niềm vui cho mọi nhà” bà Chu Anh Đào cho biết. 

Nhân đây, bà Đào thông tin thêm, mỗi năm bà sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ Hiếu và gia đình 6 triệu đồng. Mong Hiếu sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn và đạt được ước mơ của mình.
Xuân Trung - Thu Hòe