Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới

16/03/2016 07:32
TS. Đặng Văn Định
(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, giáo dục đại học đã xuất hiện những mô hình mới gắn với các cơ chế tự chủ, gắn với loại hình sở hữu...

LTS: Tiếp chủ đề Tự chủ đại học, TS. Đặng Văn Định (Trưởng Ban phân tích và nghiên cứu chính sách- Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nhìn nhận chi tiết và cho rằng: “Tự chủ trong giáo dục đại học có 7 nội dung: Nghiên cứu/công bố, Nhân sự, Chương trình-giảng dạy, Chuẩn mực hệ thống, Sinh viên, Quản trị trường, Hành chính và tài chính. 

Tự chủ đại học còn được đặt ra với tự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm đó bao gồm 3 thành tố: trách nhiệm tinh thần (responsibility), trách nhiệm pháp lý (liability) và trách nhiệm giải trình chất vấn của xã hội gọi tắt là trách nhiệm xã hội hoặc trách nhiệm giải trình (explainability). 

Trách nhiệm đối với mỗi loại hình trường cũng khác nhau. “Cơ chế tự chủ của các trường được Nhà nước bao cấp hoàn toàn cũng sẽ khác với cơ chế tự chủ của các trường phải tự dảm bảo kinh phí, lại càng khác hơn với cơ chế tự chủ của các trường tự đảm bảo 100% kinh phí”. 

Quý độc giả đón đọc bài viết của TS. Đặng Văn Định ở hai nội dung cơ bản gồm: Những mô hình đại học tự chủ của chặng đường 30 năm đổi mới và nhìn nhận tự chủ đại học, đó là một chủ trương khả thi.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Mô hình Đại học quốc gia

Năm 1993 Chính phủ thành lập Đại học quốc gia Hà Nội, hai năm sau thành lập tiếp Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn lại nghị định thành lập hai đại học này thì thấy các Đại học quốc gia có những đặc điểm chính là: 

- Sắp xếp và tổ chức lại một số trường Đại học và Viện nghiên cứu ở địa bàn thành phố lớn; 

- Thành những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực của cả nước; 

- Đại học quốc gia tổ chức hoạt động theo quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 

- Giám đốc Đại học quốc gia được điều hành mọi hoạt động của đại học và có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các Đại học quốc gia có địa vị pháp lý đặc biệt, không có cơ quan chủ quản, chỉ chịu sự quản lý Nhà nước của các bộ ngành có liên quan, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, và được dùng con dấu quốc huy.

Hơn hai mươi năm qua, đã có ba lần chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện quy chế của đại học quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã từng bước trao quyền tự chủ toàn diện cho Đại học quốc gia. 

Chi tiết về quyền tự chủ cho Đại học quốc gia có thể tìm thấy ở các quy chế ban hành kèm theo các định chế kèm theo qui chế của Thủ tướng  Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia. 

Trường Đại học Thăng Long là một trong những trường dân lập ra đời sớm nhất. Ảnh trên ĐSPL
Trường Đại học Thăng Long là một trong những trường dân lập ra đời sớm nhất. Ảnh trên ĐSPL

Trong giới thiệu về hoạt động của mình, Đại học quốc gia Hà Nội đã khẳng định “phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao”, “trong các hoạt động về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, hợp tác quốc tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học;

Hình thành được mô hình đơn vị sự nghiệp giáo dục có thực thể hữu cơ, liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện giữa các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, sự đa dạng và thế mạnh của từng đơn vị trong Đại học quốc gia Hà Nội để nâng cao chất lượng mọi hoạt động, gia tăng các giá trị, tạo nên các sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao”.

Điều tương tự cũng có thể thấy tại Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và nét ấn tượng của đại học này là tạo dựng được cơ ngơi đồng bộ, hiện đại trong khuôn viên hơn 600 ha không thua kém nhiều đại học danh tiếng trên thế giới.  

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới ảnh 2

Thông báo lịch hoãn hội thảo “Tự chủ đại học” tại Phú Yên

(GDVN) - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có thông báo hoãn tổ chức Hội thảo “Tự chủ đại học” tại Phú Yên.


Hai Đại học quốc gia có khá nhiều chương trình, dự án hướng tới mục tiêu quốc tế. Đặc biệt gần đây, Chính phủ đã trao quyền quản lý trực tiếp cả những đề án đại học xuất sắc (Đại học Việt Nhật, Đại học Việt Đức) với đầu tư cho mỗi dự  án khoảng 200 triệu USD. 

Đề án Nhiệm vụ chiến lược khởi động năm 2007 của Đại học quốc gia Hà Nội “xây dựng 16 chương trình đại học và 23 chương trình sau đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2020”; Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 02 chương trình đạt chuẩn ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology), theo chuẩn đào tạo cho các ngành kỹ thuật và công nghệ uy tín bậc nhất thế giới và 21 chương trình đạt chuẩn AUN (ASEAN University Network).  

Trong  5 năm gần đây số bài báo được được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (Science Citation Index) của Đại học quốc gia Hà Nội là 1.172, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 1.093. Con số này của những đại học có bề dầy hoạt động như Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 156, Đại học Đà Nẵng là 121. 

Trang Web của Đại học quốc gia Hà Nội cho biết: theo công bố của Cybermetrics Lab, bảng xếp hạng Webometrics tháng 02/2015, Đại học quốc gia Hà Nội xếp hạng thứ 20 Đông Nam Á, thứ 212 Châu Á và thứ 894 trên thế giới trong tổng số 23.887 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. 

Những số liệu trên cho thấy Đại học quốc gia đã là tổ chức tự quản độc lập, ở đó Nhà nước không áp đặt mà chỉ giám sát. Mô hình Đại học quốc gia không chỉ là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học cho phù hợp với quá trình đổi mới kinh tế xã hội mà là cách làm đón đầu trong giáo dục và đào tạo, một “phép thử” thành công về trao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học.

Mô hình đại học bán công 

Có một thực tế là Quy chế tạm thời trường đại học bán công (QCBC-04) ra đời sau Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh gần nửa năm. Bản chất của QCBC- 04 là giao tài sản có sẵn của nhà nước cho đội ngũ cán bộ nhà trường tự quản. 

Theo đó: (1) một hình thức quản trị đại học dựa vào vai trò tập thể người lao động trong nhà trường và xã hội được hình thành với tên gọi Hội đồng quản trị để quyết định toàn bộ các lĩnh vực tài chính tài sản, bộ máy và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ (Điều 10);

(2) nhà trường “phải tự trang trải các nhu cầu chi cho hoạt động của mỉnh”  bao gồm chi quản lý hành chính, đào tạo, nghiên cứu, khấu hao tài sản cố định, sửa chữa, xây dựng công trình và bảo toàn nguồn vốn cố định (Điều 22).

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới ảnh 3

Tự chủ đại học và nâng cao trình độ ngoại ngữ là hai vấn đề cấp thiết

(GDVN) - Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng các tổ chức giáo dục quốc tế có buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 8/3 tại Văn phòng Chính phủ.

Lịch sử hình thành Trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh ghi lại:

-   Tháng 6 năm1990 Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Viện Đào tạo mở rộng;

-  Tháng 7 năm 1993 cơ sở trên được nâng cấp thành Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh;

-  Tháng 6 năm 2006 cơ sở đào tạo đại học trên chuyển sang trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và chuyển tên gọi là Trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh;  

-  Tháng 6 năm 2015 nhà trường “thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động” theo NQ -77.

Ấn tượng là những bước ngoặt quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh đều vào tháng 6. Trong đó có những việc khó quên, đó là:

Thứ nhất, đã có sự “phá rào” để thực hiện “hoạt động tự hạch toán lấy thu bù chi” để “đào tạo mở”.  

Xin nêu ví dụ: khi tìm người làm chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ, lãnh đạo Viện Đào tạo mở rộng đã trao đổi với ứng viên về thực trạng của viện, về tiền lương. Ứng viên được mời hỏi lại về nhiệm vụ, quyền lợi, quyền hạn. Câu trả lời là “Anh tự trả lương cho anh”.  Và họ đã làm được nhờ tự chủ, nhờ “phá rào”.

Thứ hai, chỉ với tài sản nhà nước là 2.436 m2 đất kèm theo ngôi nhà cũ bán kiên cố vài trăm mét vuông sàn và hơn chục cán bộ, nhưng nhà trường đã nhanh chóng ghi dấu ấn trong cung cấp nhiều cử nhân có chất lượng về Anh ngữ, mở ra những ngành nghề mới theo nhu cầu xã hội; dành dụm kinh phí “tậu” 32,5 ha đất giữa nơi đô thị.

Hiện nay nhà trường còn sở hữu thêm cơ sở đào tạo lớn ở Bình Dương, một số cơ sở ở giữa thành phố Hồ Chí Minh. Phòng học, phòng thí nghiệm của nhà trường khang trang đáp ứng nhu cầu học tập vài chục ngàn sinh viên; Những thiết bị nghiên cứu chuyên ngành như: 

Máy PCR (Polymerase Chain Reaction), hệ thống điện di ngang phân tích DNA, protein 1-D và 2-D (Multiphor II), máy li tâm lạnh (Hettich – Đức), máy quang phổ kế (Bio-Rad Laboratories-Myõ), máy Elisa (Bio-Trak 2- Anh), hệ thống chụp ảnh và phân tích gel điện di (GelDoc),.. không thua kém các đại học được trang bị bằng ngân sách. Và đội ngũ giảng viên cơ hữu trên 200 người vơi 31,5% có trình độ tiến sĩ trở lên.

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới ảnh 4

Năm nay, thực hiện cho được 5 giải pháp đột phá để giáo dục đi lên

(GDVN) - Thời gian học của bậc phổ thông rút ngắn ít nhất là một năm, đại học cao đẳng tuỳ chuyên ngành có thể rút ngắn thời gian tương ứng.


Từ thuở “phá rào” để trưởng thành theo cơ chế bán công, rồi quay về cơ chế công lập, nay lại vào nhóm đi đầu “thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động” theo NQ-77, Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh với kinh nghiệm tích lũy sẽ “thuận buồm” hơn các đại học khác. Hy vọng Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một mô hình để các đại học khác tham khảo.

Từ mô hình đại học bán công, người viết tin rằng có thể giao tài sản nhà nước cho đội ngũ cán bộ các đại học tự quản để phát triển.

Mô hình đại học dân lập

Hiện tượng trường ra đời trước quy chế có cả đối với mô hình đại học dân lập. Năm 1988 Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long ra đời, năm 1993 Quy chế tạm thời đại học dân lập mới được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, năm 2000 Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế Trường đại học dân lập.

Khác với trường công lập, trường đại học dân lập do một tổ chức đứng ra xin thành lập, việc đầu tư cho loại hình trường này là “các nhà giáo, nhà đầu tư”, “tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường”. Theo các quy chế đó, hơn 20 trường đại học dân lập đã ra đời. 

Luật Giáo dục 2005 không quy định có mô hình đại học dân lập ở bậc đại học và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển các trường hoạt động theo mô hình đại học dân lập sang tư thục. 

Những thành công của các đại học dân lập hòa trộn với các trường đại học tư thục, chúng ta sẽ điểm lại cùng với kết quả hoạt động của các trường ĐHTT ở phần sau.

Mô hình đại học dân lập để lại nhiều câu hỏi liên quan đến mô hình trường do “cộng đồng đầu tư” mà Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng chỉ đạo. Cách tổ chức quản trị và chuyển đổi mô hình trường đại học dân lập đến nay chưa có hồi kết. 

Điều này đòi hỏi những người làm chính sách giáo dục tiếp tục nghiên cứu sâu và đưa ra những lời giải phù hợp với thực tiễn, với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Quan sát con đường tự chủ đại học với ba phương diện: (1) thực hiện nhiệm vụ (2) tổ chức bộ máy và nhân sự; (3) tài chính, thì các trường đại học dân lập đã đi được 2/3, phần còn lại chỉ là tự chủ về thực hiện nhiệm vụ. 

Mô hình trường đại học tư thục

Hiện cả nước có tới 436 trường đại học cao đẳng (chưa kể trường của lực lượng vũ trang, trường quốc tế), trong đó có 88 trường tư thục. Những thành tựu mà các trường đại học tư thục đạt được là không thể phủ nhận. Chưa có những nghiên cứu đầy đủ để kết luận, đánh giá về đại học tư thục.

Cho dù vậy, chúng ta rất ấn tượng với vị trí quán quân  thế giới về Robocon nhiều năm của Trường Đại học Lạc Hồng; chúng ta hài lòng về môi trường đào tạo của Trường Đại học Thăng Long; chúng ta thấy vui mừng khi Trường đại học Duy tân đầu tư mua và nhận chuyển giao công nghệ 10 chương trình của 4 trường đại học uy tín của Mỹ. 

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới ảnh 5

Có bao nhiêu hy vọng một trường Đại học Việt Nam vào top 100 thế giới?

(GDVN) - Để lọt vào Top 100 thế giới không dễ, vì vào được Top này tức là phải đẩy được trường nào đó đang trong Top này ra ngoài.

Và trường này còn đứng thứ 13 Việt Nam trong danh mục ISI “cao hơn cả Đại học Đà Nẵng, đại học lớn nhất khu vực miền Trung”. 

Rất ấn tượng, “ngày 21/7/2012, đúng 9 giờ 6 phút (theo giờ Việt Nam), vệ tinh F-1 do Phòng Nghiên cứu Không gian FPT (FSpace) thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Đại học FPT chế tạo đã phóng thành công vào không gian vũ trụ từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản”.

“Hiện tại Đại học FPT có gần 100 sinh viên quốc tế học hệ chính quy và khoảng 200 - 300 sinh viên quốc tế học các chương trình ngắn hạn, thu được khoảng 1 triệu USD/năm từ du học sinh nước ngoài”.

Những việc nêu trên và nhiều việc tương tự chỉ có thể đạt được khi tự tạo ra nguồn tài chính đáp ứng các nhu cầu hoạt động và dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhà nước đã hướng điều này vào mô hình trường đại học tư thục.  

Quy chế đại học tư thục được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định ban hành từ năm 1993 (QC-240) với quy định: “Đại học tư thục khác đại học công lập, bán công và dân lập ở nguồn đầu tư xây dựng và kinh phí hoạt động và phương thức quản lý, nhưng đều nhằm mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”. 

Điều 18 cuả QC-240 ghi rõ nguồn vốn bao gồm: “vốn góp cổ phần của các chủ đầu tư”. Khi ấy, việc có trường tư trong giáo dục vẫn còn xa lạ với nhiều người. Cho nên QC-240 chưa được áp dụng ngay. 

Đến tháng 2/2004 Thủ tướng Chính phủ cho “thí điểm loại hình trường cao đẳng tư thục và đại học tư thục”. Năm 2005 Luật Giáo dục ra đời khẳng định loại hình trường tư thục với sở hữu tài chính, tài sản “thuộc các thành viên góp vốn” và cũng năm này “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục” ra đời. 

Kế đó năm 2009 quy chế trên được chỉnh sửa, tiếp theo năm 2011 quy chế được điều chỉnh, bổ sung, rồi gần đây việc tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được gộp vào Điều lệ trường đại học.

Hành lang pháp lý hiện hành của đại học tư thục đã kế thừa những giá trị về tự chủ tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính mà các mô hình mô hình đại học bán công, mô hình đại học dân lập và Luật Doanh nghiệp.

Chặng đường 30 năm đổi mới, giáo dục đại học đã xuất hiện những mô hình mới gắn với các cơ chế tự chủ, gắn với loại hình sở hữu, nhờ vậy đã đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, để lại nhiều kinh nghiệm cho việc thực hiện chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tuy thế, cũng còn không ít vấn đề. Chẳng hạn, phải làm gì khi đại học tư thục đã tự lo toan toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư mà chưa được nhận quyền tự chủ đầy đủ trong khi với điều kiện tương tự thì các trường công được nhận quyền này; vì sao cây cầu nối để các trường đại học dân lập sang đại học tư thục vẫn ít trường đại học dân lập muốn đi qua? 

Sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước liệu có nên chung cái ô quản trị dựa vào vai trò nhà nước và cộng đồng xã hội? Trường do tư nhân đầu tư nhưng lại đương nhiên trích lại ít nhất 25% “chênh lệch giữa thu và chi” để biến thành “tài sản chung không chia” liệu có thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật dân sự và các quy định pháp luật khác?

TS. Đặng Văn Định