Tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam

27/12/2018 06:49
Diệp Phương Chi
(GDVN) - Nền giáo dục công ngày một cải tiến, nâng cao chất lượng một cách đồng đều song song với phát triển các trường tư có chất lượng cao là điều cần thiết.

LTS: Cô giáo Diệp Phương Chi, giảng viên Đại học Sư phạm kĩ thuật, nghiên cứu sinh chuyên ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, Đại học Kĩ thuật Dresden, Cộng hòa liên bang Đức đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về vấn đề tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Về mặt đầu tư giáo dục, có hai xu hướng trên thế giới:

Xu hướng thứ nhất là thực dụng theo kiểu Mỹ, xem giáo dục là món hàng, tạo ra "thị trường giáo dục".

Cha mẹ Mỹ với thu nhập bình thường nhìn chung là rất vất vả, chật vật để nuôi con đi học.

Học phí ở Mỹ rất cao, họ phải rất giành giụm tiền bạc nếu thu nhập bình thường và phải vay nợ nếu thu nhập thấp (còn người giàu thu nhập cao thì khỏi nói, nhà giàu ở xã hội nào cũng dễ dàng trong nhiều mặt) để nuôi con đi học.

Sinh viên đại học thì hầu hết phải tự đi làm thêm hoặc phải tự vay nợ để trang trải học phí cho quá trình học đại học.

Xu hướng thứ hai là theo kiểu Trung và Bắc Âu, ở những nước này với bề dày văn hóa lịch sử và những quan niệm vừa văn minh vừa nhân văn, họ thực thi kinh tế thị trường ở tất cả các mặt khác, ngoại trừ giáo dục.

Tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam ảnh 1Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi

Giáo dục được xem là dịch vụ công ích, nhằm đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho tất cả mọi người, người giàu cũng như người nghèo, hễ muốn đi học – dù không có tiền để đóng học phí, hoặc chỉ có rất ít tiền để đóng học phí là đều có cơ hội học tập.

Do đó, người dân ở các nước Trung và Bắc Âu nhìn chung sống hạnh phúc hơn, thong dong hơn, đỡ áp lực cuộc sống hơn trong quá trình nuôi con đi học.

Người viết có quen gia đình một người bạn người Ba Lan sống tại Đức, thuộc thành phần trí thức, sau một thời gian qua Mỹ sống thì chạy ngược lại Đức.

Họ bảo ở Mỹ nuôi con đi học phải đóng học phí quá cao, giáo dục mang tính thị trường quá lớn và họ thường xuyên bị căng thẳng bởi áp lực tiền bạc nuôi con đi học, về lại “Đức dễ sống” hơn.

Vậy giáo dục ở Việt Nam thì theo xu hướng nào?

Trước đây, giáo dục Việt Nam theo hướng bao cấp giáo dục để đảm bảo “ai cũng được học hành”.

Thế nhưng do ngân sách dành cho giáo dục không đủ để đảm bảo mặt bằng giáo dục như mong muốn, Việt Nam cũng thực hiện chính sách “xã hội hoá giáo dục”, chấp nhận có các trường dân lập, bán công, tư thục, các trường quốc tế (đầu tư của nước ngoài) và gần đây là xu hướng thúc đẩy các trường “tự chủ tài chính”, thành lập các trường “chất lượng cao” nhằm thúc đẩy giáo dục Việt Nam đi theo xu hướng “thị trường hóa giáo dục” kiểu Mỹ.

Ở giáo dục đại học, việc thúc đẩy các trường tự chủ là việc rất tích cực. Công dân sau 18 tuổi là đã trưởng thành, nếu hoàn cảnh gia đình không thuận lợi có thể tự làm thêm để trang trải học phí (nếu học phí cao).

Đồng thời, do yêu cầu của thị trường, bản thân các trường phải vươn lên về chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, để hỗ trợ cho quá trình tự chủ ở giáo dục đại học diễn ra hiệu quả, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về thành lập hội đồng trường, về quyền lợi, quyền lực và trách nhiệm của hội đồng trường, quy định về trách nhiệm giải trình của hội đồng trường trước các bên liên quan (để nhà nước, phụ huynh, doanh nghiệp... có thể giám sát được chất lượng đào tạo của các đại học).

Vấn đề “tự chủ tài chính” ở các trường đại học cần đi liền với “tự chủ về học thuật”, “tự do về học thuật”, các trường được tự quyết nội dung đào tạo.

Tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam như thế nào? (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam như thế nào? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Còn ở giáo dục phổ thông và dạy nghề, nhà nước vẫn phải cần duy trì “giáo dục là dịch vụ công ích” làm chủ đạo song song với việc xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các trường tư có chất lượng cao phát triển.

Như vậy, một mặt vẫn đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập cho tất cả các thành phần trong xã hội (từ con em nông dân tất cả các vùng miền, con em vùng sâu vùng xa, miền núi, con em các gia đình công nhân, con em những gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và thu nhập bấp bênh trong xã hội – những người về cơ bản không thể chạy theo đáp ứng mức học phí cao tự quy định của các trường tư nhân kinh doanh giáo dục).

Bảo đảm tính nhân văn cho xã hội, mặt khác vẫn tạo điều kiện cho số ít những con em các gia đình có thu nhập cao có cơ hội tìm kiếm một chất lượng giáo dục tốt hơn nữa.

Nếu như việc tự chủ tài chính ở giáo dục đại học là việc đáng hoan nghênh thì ngược lại vấn đề “tự chủ tài chính” tại các trường phổ thông công lập lại là vấn đề cần phải hết sức thận trọng và xem xét.

Vì “tự chủ về tài chính” chưa chắc đi liền với nâng cao chất lượng nếu như không có cơ chế giải trình minh bạch từ những hội đồng trường được thành lập minh bạch, không có sự đảm bảo cải thiện chất lượng đào tạo dựa trên việc đáp ứng các tiêu chí kiểm định chất lượng được xây dựng rõ ràng.

Không cẩn thận sẽ vừa sa vào “bình mới, rượu cũ” (tức trường chỉ có cái vỏ là tự chủ tài chính, nhưng vẫn sử dụng nguồn cơ sở vật chất trước giờ được nhà nước đầu tư mà không cải thiện, không giảm tải lớp học, vẫn sử dụng chung bộ sách giáo khoa cũng như cách tổ chức dạy học và giáo dục y hệt như cũ không có gì cải tiến), lại vừa trở nên hỗn loạn bát nháo vì “kinh doanh”.

Tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam ảnh 3Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới

Việc “thị trường hóa giáo dục nửa vời”, thiếu các quy định pháp lí chặt chẽ sẽ gây tác hại khó lường trong môi trường Việt Nam với nhiều biến tướng.

Nếu không cẩn thận, các phụ huynh sẽ phải trả tiền cao hơn cho một dịch vụ giáo dục phổ thông có chất lượng không thay đổi, không cải thiện hơn, mà phí dịch vụ lại được quy định tùy tiện bởi các trường (vốn vẫn đang là trường công, không được phép tự chủ về nhân sự và chuyên môn).

Việc hệ thống trường công bị “thị trường hóa nửa vời” thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ sẽ gây thiệt hại cho các nhóm yếu thế (thu nhập trung bình, thu nhập thấp, thu nhập bấp bênh) vốn phổ biến tại Việt Nam trong việc nuôi con em đi học.

Thà là một trường phổ thông tư thục hoặc một trường phổ thông quốc tế được thành lập với sự kiểm định chất lượng rõ ràng ngay từ đầu, với sự tự chủ toàn diện ngay từ đầu (1- tự chủ về chuyên môn: lựa chọn sách giáo khoa, cách dạy, cách học, cách đánh giá, quan điểm giáo dục đào tạo rõ ràng; 2 - tự chủ về nhân sự: tự tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ giáo viên; 3 - tự chủ về tài chính: tự chủ các khoản thu khoản chi, đầu tư, trang thiết bị cơ sở vật chất rõ ràng).

Như vậy, đối với giáo dục phổ thông và dạy nghề, cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng nền giáo dục công làm chủ đạo, song song với việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm định chất lượng các trường tư, khuyến khích sự phát triển của các trường tư có chất lượng cao.

Nền giáo dục công ngày một cải tiến, nâng cao chất lượng một cách đồng đều song song đi liền với sự phát triển các trường tư có chất lượng cao là điều cần thiết để giáo dục Việt Nam ngày càng trở nên tốt hơn.

Giáo dục phổ thông vẫn phải cần được xem là “dịch vụ công thiết yếu“ cần sự đầu tư chủ đạo của nhà nước để đảm bảo nhu cầu học tập của trẻ em tất cả các thành phần trong xã hội trên mọi miền đất nước.

Việc đào tạo giáo viên cho một nền giáo dục với xu hướng chủ đạo là dịch vụ công ích cần phải có sự quản lí chặt chẽ hơn nữa của nhà nước.

Tự chủ đại học và nâng cao trình độ ngoại ngữ là hai vấn đề cấp thiết

Cần siết chặt, kiểm soát và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo giáo viên ở cấp độ quốc gia.

Cần chuẩn hoá và nâng cao chất lượng giảng viên tại các trường Sư phạm và các Khoa Sư phạm. Việc đào tạo giáo viên không thể thả lỏng cho “thị trường”.

Tại Đức, người ta đào tạo một giáo viên cẩn thận như đào tạo một bác sĩ: đào tạo 2 giai đoạn, kéo dài tổng cộng 7 năm, bao gồm cả lí thuyết lẫn thực hành tại trường và tại công ty (nếu là giáo viên dạy nghề), phải lấy 2 chứng chỉ quốc gia, được rèn luyện chú trọng cả các kiến thức và kĩ năng sư phạm lẫn đạo đức nghề giáo, rồi khi ra đứng lớp hằng năm vẫn phải đều đều tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, chẳng khác nào một bác sĩ.

Đức quản lí giáo dục theo cơ chế phân quyền chứ không phải tập quyền (tức mỗi bang tự chủ quản lí giáo dục cho bang của mình) và người giáo viên tại các trường được tự chủ trong việc lựa chọn, chế biến nội dung dạy học (từ các nguồn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo khác nhau) và tự chủ trong thiết kế phương pháp giảng dạy cũng như thiết kế cách thức kiểm tra, đánh giá miễn sao đạt được các mục tiêu dạy học nhất định.

Diệp Phương Chi