Tương lai nào cũng phải được chắp nối từ tiền đề quá khứ và hiện tại

25/06/2017 06:45
Nguyễn Cao
(GDVN) - Có lẽ, khi đã theo đuổi nghề giáo thì thầy cô nào cũng mong muốn cho học sinh mình trưởng thành, không chỉ về thành tích học tập mà cả về nhân cách.

LTS: Trăn trở, suy tư về sự trưởng thành của học trò, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng trong cuộc sống mỗi em học sinh có một hoàn cảnh khác nhau nhưng điều đáng trân trọng là các em biết vượt lên để thành công trong cuộc sống.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ, khi đã theo đuổi nghề giáo thì thầy cô nào cũng mong muốn cho học sinh mình trưởng thành.

Sự trưởng thành của các em không chỉ trên điểm số mà còn là trưởng thành về nhân cách, về niềm tin và nghị lực sống.

Thế nhưng, bên cạnh những học sinh có ý thức cho tương lai của mình mà chuyên tâm học tập, rèn luyện thì cũng có rất nhiều em chưa chú ý, tập trung vào công việc học tập và rèn luyện nhân cách.

Trong số đó, có rất nhiều em có điều kiện kinh tế tốt, cha mẹ đều có vị thế trong xã hội…

Mấy ngày nay, chúng tôi có theo dõi một số thông tin giáo dục qua báo chí và được đọc về hai tấm gương tràn đầy nghị lực sống của hai nữ sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Một em giành điểm cao nhất trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa rồi và một em không có tiền ăn sáng nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để đạt được danh hiệu học sinh giỏi của cả 12 năm học.

Có một điểm chung nhất là cả 2 em có hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn cả về vật chất và tình cảm.

Nhưng, vì sao các em có thể vươn lên để làm được những việc mà có rất nhiều em có điều kiện đủ đầy không làm được.

Điều các thầy cô mong mỏi là sự trưởng thành của học sinh. (Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn)
Điều các thầy cô mong mỏi là sự trưởng thành của học sinh. (Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn)

Đọc bài viết “Cô học trò hiếm khi ăn sáng vì không có tiền” của tác giả Như Lịch (Báo Thanh niên, ngày 16/6) đã kể về em Nguyễn Thị Mỹ Hằng (18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) sống cùng bà nội.

Cha cô bé mất khi em mới vào lớp 1, còn mẹ thì bỏ đi lập gia đình với người khác.

Hiện nay, bà nội của em kiếm sống bằng việc rửa chén cho một quán hủ tiếu ven đường và làm thuê những công việc lặt vặt khác, khi có người thuê.

Vì thế, những đồng tiền mà bà nội kiếm được chẳng đáng là bao nên bà cháu phải tằn tiện sống qua ngày.

Mỗi ngày, 2 bà cháu chỉ ăn một bữa chính vào buổi trưa nhưng vượt lên trên hoàn cảnh là tấm lòng hiếu thảo của Hằng.

Mặc dù em không học thêm, không có tiền để ăn sáng như bạn bè trang lứa nhưng suốt cả 12 năm là học sinh giỏi.

Tương lai nào cũng phải được chắp nối từ tiền đề quá khứ và hiện tại ảnh 2

Học sinh nghèo đã "vượt khó", học sinh giàu có "vượt sướng" được không?

Trường hợp thứ 2 là nữ sinh Nguyễn Vũ Đan Quỳnh là học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bé, quận Bình Thạnh.

Gia cảnh của Quỳnh cũng rất khó khăn khi bố em bị bại liệt phải ngồi xe lăn từ nhỏ, kinh tế trong gia đình dựa vào người mẹ làm mướn, làm thuê phụ bán cơm nước cho một quán ăn.

Tuy nhiên, em đã vượt qua 66.000 thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 để trở thành thủ khoa của kì thi tuyển sinh lớp 10 thường ở Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2017-2018, với tổng điểm 3 môn 28,25 (Văn: 8,75; Tiếng Anh 10; Toán 9,5).

Chúng ta chưa thể khẳng định được tương lai phía trước của các em bởi đó còn là một chặng đường dài. Nhưng, rõ ràng cái tiền đề hôm nay sẽ giúp cho các em có thêm động lực để phấn đấu cho tương lai phía trước.

Và, một điều mà chúng ta không thể phủ nhận được đó là cả 2 em đều có một nghị lực sống phi thường.

Các em đã biết trân trọng từ những đồng tiền ít ỏi của bà, của mẹ từ những công việc làm thuê, làm mướn mà phấn đấu vươn lên.

Có lẽ, người bà nội của em Hằng và cha mẹ em Quỳnh sẽ quên đi những vất vả mưu sinh hàng ngày khi có những đứa con, đứa cháu hiếu thảo, biết trân quí từng giọt mồ hôi quện thấm cả nước mắt nhọc nhằn hàng ngày để tiếp tục lo cho con, cho cháu của mình nên người.

Trong hàng chục năm đứng lớp và dạy hàng ngàn học trò, chúng tôi cũng từng chứng kiến rất nhiều học trò của mình đã vươn lên sống và học tập như em Hằng, em Quỳnh như đã đề cập ở phần trên.

Tương lai nào cũng phải được chắp nối từ tiền đề quá khứ và hiện tại ảnh 3

Chuyện về cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao

Có lẽ hạnh phúc của người thầy cũng luôn đong đầy niềm vui, sự tin yêu trong những ngày đứng lớp và truyền cảm hứng cho học trò.

Nhưng, cũng có rất nhiều học sinh để lại cho chúng tôi những buồn phiền, xen lẫn sự… bất lực.

Nhiều em học trò có điều kiện kinh tế rất tốt, thậm chí nhiều em là con em lãnh đạo, con của đồng nghiệp của mình nhưng lại học hành chểnh mảng.

Nhiều em ham chơi, ham quậy phá hơn học hành và rèn luyện nhân cách.

Vẫn biết rằng đã gọi là xã hội thì phải có người này, người khác, có người siêng năng thì cũng có kẻ nhác lười.

Thế nên, càng trân quí sự vươn lên của nhiều em học sinh nghèo khó bao nhiêu thì bản thân mỗi người thầy chúng tôi càng chạnh lòng cho nhiều em học sinh chưa biết quí trọng thời gian cũng như công sức, sự hi vọng của cha mẹ mình bấy nhiêu.

Một tương lai nào cũng được chắp nối từ những tiền đề của quá khứ và hiện tại. Và, tương lai sẽ như thế nào khi ngày hôm nay có nhiều em vẫn mải mê với những trò chơi vô bổ?

Nguyễn Cao