Tuyển sinh 2012: Đừng quan tâm tỉ lệ chọi

23/05/2012 15:22
Theo Pháp luật
(GDVN) - Tỉ lệ hiện nay không chính xác vì con số ảo sẽ rất nhiều, do một thí sinh nộp nhiều hồ sơ, do đó thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển của ba năm gần nhất, thay vì căn cứ vào tỉ lệ “chọi”.
Các trường ĐH đang lần lượt công bố tỉ lệ “chọi”. Lâu nay, tỉ lệ “chọi” được xem là thông tin cần thiết giúp thí sinh (TS) biết rõ trường, ngành mình dự thi. Tuy nhiên, với tình hình hồ sơ “ảo” nhiều như hiện nay, tỉ lệ “chọi” đôi khi không phản ánh được thực tế của trường, ngành đó. Không phải “chọi” cao thì khó đậu, cũng như không phải lúc nào “chọi” thấp cũng dễ trúng tuyển.


Chỉ để tham khảo

Theo TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tỉ lệ “chọi” hiện chỉ tính được số TS đăng ký dự thi so với chỉ tiêu tuyển sinh. Tỉ lệ này không chính xác vì con số ảo sẽ rất nhiều, do TS nộp nhiều hồ sơ, do TS rớt tốt nghiệp, hoặc TS bỏ thi… Trong khi tỉ lệ “chọi” thật chính là số TS đến dự thi thực tế so với chỉ tiêu. Nhưng con số này phải thi xong mới biết chính xác nên hiện nay, tỉ lệ “chọi” của các trường chỉ để tham khảo”.
“TS phải thật sáng suốt, đừng bao giờ nghĩ tỉ lệ “chọi” cao thì khó trúng tuyển, còn tỉ lệ “chọi” thấp thì dễ trúng tuyển. Đây là một suy nghĩ sai lầm” - TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khuyên. Theo ông Nghĩa, trường, ngành có tỉ lệ “chọi” thấp nhưng điểm trúng tuyển lại rất cao vì thu hút nhiều TS giỏi. Ngược lại, những trường, ngành tuy tỉ lệ “chọi” cao nhưng điểm trúng tuyển không cao vì TS đăng ký dự thi không giỏi bằng.
PGS-TS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, dẫn chứng: “Các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược học có tỉ lệ 1 “chọi” 7, 1 “chọi” 10 nhưng điểm trúng tuyển luôn ở mức 23,5 đến 25. Trong khi ngành điều dưỡng “chọi” cao nhất trường là 24,9 nhưng điểm trúng tuyển chỉ ở mức 18. Tương tự các ngành xét nghiệm, gây mê hồi sức… 1 “chọi” 19 thì điểm cũng chỉ 19,5 đến 20”. Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tỉ lệ “chọi” tất cả các ngành trung bình là 1/2,5, tuy khá thấp nhưng điểm trúng tuyển nhiều ngành vẫn ở mức cao như xây dựng 19 điểm, công nghệ thông tin, điên-điện tử, công nghệ hóa-thực phẩm-sinh học đều 18,5…

Nên căn cứ điểm trúng tuyển

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho hay: “Nhiều năm qua, điểm trúng tuyển của các trường, ngành đều giữ khá ổn định. TS nên tham khảo điểm trúng tuyển của ba năm gần nhất, thay vì căn cứ vào tỉ lệ “chọi”. Bởi tỉ lệ này không nói gì được điểm đầu vào”.
ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dẫn chứng: “Hồ sơ đăng ký dự thi của TS vào trường năm 2011 thấp hơn năm 2010, kéo theo đó tỉ lệ “chọi” cũng giảm theo nhưng điểm trúng tuyển suốt ba năm nay vẫn ở mức 19-19,5. Năm nay, hồ sơ giảm rõ rệt nhưng không có nghĩa là mức độ cạnh tranh giữa các TS sẽ giảm”.
Trong khi đó, nhiều trường có tỉ lệ “chọi” rất cao nhưng điểm trúng tuyển chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT và phải khó khăn khi xét tuyển thêm nguyện vọng (NV) mới đủ chỉ tiêu. Năm 2011, Trường ĐH Tài chính-Marketing có tỉ lệ “chọi” 1/15 nhưng điểm trúng tuyển cao nhất chỉ ở mức 17,5 và thấp nhất là bằng điểm sàn ở mức 13 điểm. Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có tỉ lệ 1 “chọi” 10 nhưng 12 trong số 23 ngành có điểm bằng điểm sàn; Trường ĐH Sài Gòn có tỉ lệ 1/10 nhưng điểm trúng tuyển chỉ từ 14 đến 18…

Chú ý điểm trúng tuyển chung vào trường

Tỉ lệ “chọi” của các ngành sẽ không còn là áp lực tâm lý của TS khi hiện nay nhiều trường ĐH đang có xu hướng xác định một điểm trúng tuyển chung vào trường, đồng thời có điểm trúng tuyển riêng cho từng ngành.
Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức cho phép các trường thành viên áp dụng điểm trúng tuyển chung vào trường. Theo đó, mỗi trường thành viên sẽ công bố điểm chung của trường sau đó các trường sẽ định điểm trúng tuyển theo ngành. Với việc áp dụng này, các trường sẽ không xét tuyển theo hình thức nguyện vọng 1B, 1C như mọi năm. TS đạt điểm chung của trường nhưng không trúng tuyển NV1 theo ngành sẽ được đăng ký NV bổ sung vào ngành khác có điểm trúng tuyển tương ứng. Nếu TS không chấp nhận vẫn được quyền rút giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường khác.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Theo Pháp luật