Tuyển sinh theo nhóm trường giúp thí sinh không bị trượt oan

08/04/2016 06:59
Thùy Linh
(GDVN) - Khi tham gia tuyển sinh theo nhóm trường, cơ hội của thí sinh được mở rộng hơn và giảm thiểu tình trạng "trúng tuyển ảo" cho các trường.

PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Đề án tuyển sinh theo nhóm trường bám rất sát Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay. 

PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trình bày về Đề án tuyển sinh theo nhóm trường trong buổi họp báo sáng 7/4 (Ảnh: Thùy Linh)
PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trình bày về Đề án tuyển sinh theo nhóm trường trong buổi họp báo sáng 7/4 (Ảnh: Thùy Linh)

Theo PGS Trần Văn Tớp, khi xây dựng đề án tuyển sinh nhóm GX có đưa ra một số nguyên tắc như sau: 

Thứ nhất, các trường phải tự nguyện và cam kết tham gia, đề án hoàn toàn không bắt buộc với bất kỳ trường nào. Đề án xây dựng dựa trên lợi ích chung của các trường là tạo nên một kỳ thi thành công, giảm tỷ lệ ảo cho các trường, cho thí sinh. 

Thứ hai, đề án mà các trường tham gia phải có chung một phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh: Nguyên tắc xét tuyển của nhóm GX là chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia.

Các trường sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì là Đại học Bách khoa Hà Nội quản lý, áp dụng chung cách tính điểm xét tuyển và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành, áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế, chung cơ sở dữ liệu. 

Thứ ba, theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2016 của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ chỉ được đăng ký nguyện vọng một tối đa vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành khác nhau

Tuy nhiên, nếu đăng ký trong nhóm GX, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 trường trong nhóm, mỗi trường 1 hoặc 2 nguyện vọng nhưng tổng số nguyện vọng đăng ký không quá 4 nguyện vọng ở đợt 1 và không quá 6 nguyện vọng ở các đợt xét tuyển bổ sung.

Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong phiếu đăng ký xét tuyển. Mỗi nguyện vọng đăng ký sẽ bao gồm các thông tin mã trường - mã nhóm ngành.

Thứ tư, theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký xét tuyển (mẫu được thiết kế riêng cho nhóm GX).

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành của bốn trường trong nhóm, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giữa các nguyện vọng. 

Tuy nhiên, thứ tự này chỉ có giá trị ưu tiên với chính thí sinh, nếu thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. 

Khi xét trúng tuyển giữa các thí sinh, điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó. 

Đánh giá về đề án tuyển sinh theo nhóm trường, ông Trần Văn Tớp  khẳng định cho biết, đề án không hạn chế bất kỳ trường nào, mà chỉ có 2 điều kiện là các trường dùng chung phương thức tuyển sinh và tuân thủ đề án chứ không đòi hỏi thay đổi.

Kể cả các trường ngoài công lập nếu chấp nhận và tự nguyện đều vào được nhóm. Với đầy đủ các trường từ kinh tế, kỹ thuật thì tuyển sinh theo nhóm trường là phương án giảm "trúng tuyển ảo", đồng thời tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh, tăng khả năng được học ngành nghề mà mình yêu thích cho thí sinh.

Bởi theo PGS Trần Văn Tớp: “Vì ngành nghề đi theo chúng ta cả cuộc đời, học tập mà thiếu đam mê thì rất khó thành công nên nếu không được học đúng ngành mình yêu thích thì thí sinh sẽ phải nuối tiếc, ân hận về sau”. 

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân - cho hay, thí sinh đăng ký vào nhóm GX có khả năng trúng tuyển cao hơn, giảm tình trạng thí sinh bị "trượt oan". 

Còn PGS.TS Trần Văn Nghĩa nhận định, với nhóm tuyển sinh 10 trường, khả năng tồn tại thí sinh "ảo" vẫn còn nhưng ít.

Thùy Linh