Tuyển sinh vào ĐH: Nhiều thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử

16/07/2013 06:55
Xuân Trung
(GDVN) - Theo một cán bộ chấm thi môn Lịch sử tại miền Trung trong ngày hôm qua, sau khi chấm thử một số bài vẫn chưa có thí sinh đạt điểm khá, chủ yếu là điểm dưới trung bình.

Cũng theo cán bộ chấm thi này, điểm Sử năm nay sẽ không khá hơn năm 2012. Mức điểm chủ yếu ở ngưỡng dưới trung bình, có một số bài đạt điểm trung bình. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phản ánh hết các bài vì là lần chấm thử môn Lịch sử.

Ảnh minh họa: Xuân Trung
Ảnh minh họa: Xuân Trung

Theo đó,  mức điểm khá, giỏi chưa xuất hiện thí sinh nào. Theo nhận định của một cán bộ chấm thi tại khu vực này, không gì ở môn Lịch sử mà ngay cả các môn khác, mức điểm trung bình sẽ nhiều hơn, mức điểm khá, giỏi sẽ không dễ đạt được.

“Điểm 8-9 đòi hỏi học trò đó phải có năng khiếu, bài làm thật xuất sắc. Những bài làm của các em xuất sắc vượt trên đáp án của bộ vẫn được cộng điểm thưởng, mức điểm thưởng theo quy định không quá 10% (1 điểm)” một giáo viên chấm thi tại đây nói.

Nhận định của cán bộ chấm thi này, nguyên do vì sao trong nhiều năm qua mức điểm Sử luôn ở mức thấp, có hai vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận. Thứ nhất, hiện nay quan niệm của chúng ta vẫn xem môn Sử là môn mang tính chất môn phụ, chưa bao giờ được nâng tầm, chưa được xã hội coi trọng.

Thậm chí, những người làm hoạch định, lãnh đạo vẫn chưa coi trọng bản chất của môn Sử. Dưới góc độ Lịch sử là sự thật, giáo viên này thẳng thắn đây là ý kiến của nhiều giáo viên dạy Sử ở phổ thông.

“Hôm qua sau khi thảo luận đáp án của bộ tôi rất buồn, gần như mọi người không quan tâm tới ý kiến trái chiều về đáp án, vẫn cứ dăm dắp làm theo và cố làm cho xong. Quan điểm của tôi các thầy cô làm như vậy để nhanh chóng kết thúc chấm thi lo làm việc khác nhiều tiền hơn và làm cho xong việc”.

Theo  giáo viên chấm thi này, ngay cả những người trong ngành cũng ít quan tâm bộ môn mình đang công tác, giảng dạy thì làm sao bên ngoài người ta hiểu được.

Vị giáo viên này cũng cho biết: “Lịch sử gắn với dân tộc, nhưng người trong nghề  không phải là người không yêu đất nước, nhưng yêu đất nước không đồng nghĩa là yêu một bộ phận nào đó. Đất nước này là của tất cả mọi người, người dân phải đóng thuế chứ không phải đất nước của một vài con người nào đó”.

Cũng theo vị giáo viên chấm thi Lịch sử này, nếu con người để mất lịch sử là mất văn hóa, mà đã mất văn hóa là mất quốc gia, vì văn hóa được lưu giữ qua sử, đó là quan điểm là Văn sử bất phân.

Xuân Trung