Vai trò cộng đồng chuyên viên nhân sự trong phát triển nghề nghiệp

23/12/2013 14:17
Bá Ước (thực hiện)
(GDVN) - "Cộng đồng chuyên viên nhân sự trực tiếp tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực sau khi nhận vào công ty".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải loạt bài song hành cùng với chương trình “Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng trong và ngoài nước chưa có việc làm đến năm 2020” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với VCCI. 

Trong bài viết này, ông Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam sẽ trao đổi về vai trò của cộng đồng chuyên viên nhân sự - lực lượng đông đảo nhất và quản lý trực tiếp lao động tại các doanh nghiệp và tổ chức nhằm giúp tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ. 

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò cộng đồng chuyên viên nhân sự tại Việt Nam trong công tác giúp các em lao động trẻ phát triển nghề nghiệp?

Ông Vũ Tuấn Anh: Theo quan điểm của tôi, đây chính là mắt xích bị thiếu trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất nhiên vai trò của VCCI là kết nối với doanh nghiệp, nhưng tôi muốn nhấn mạnh việc tách rời cộng đồng chuyên viên nhân sự để có những chương  trình phát triển phù hợp và hiệu quả. 

Cộng đồng chuyên viên nhân sự trực tiếp tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực sau khi nhận vào công ty. Các chuyên viên nhân sự là người trực tiếp quản lý lao động từ 20-30 năm tại doanh nghiệp. Nếu chúng ta có các chương trình đào tạo và phát triển phù hợp cho cộng đồng nhân sự, họ sẽ là những người trực tiếp thực hiện nâng cấp nguồn nhân lực. 

Quan điểm đó hiệu quả vì bản thân các chuyên viên nhân sự đều phải chịu trách nhiệm cho chất lượng nguồn nhân lực tại công ty và tổ chức. Thứ hai, khi phát triển năng lực các chuyên viên nhân sự, chúng ta sẽ có được hệ thống bền vững tại cơ sở giúp giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực tận gốc. 

Thứ ba, bản thân các chuyên viên nhân sự rất cần các chương trình đào tạo và cập nhật kiến thức này trong thực tế. Tại doanh nghiệp do những hạn chế về thời gian và nguồn lực, công tác đào tạo chuyên viên nhân sự chưa hiệu quả. 

Nếu như chúng ta có một chương trình do nhà nước thực hiện nhằm nâng cấp toàn bộ cộng đồng chuyên viên nhân sự, giá trị sẽ rất lớn cho chương trình việc làm sinh viên. Công tác nhân sự có tốt có hiệu quả, doanh nghiệp mới có thể phát triển và tuyển dụng thêm các nhân sự mới. 

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng nhân sự tới công tác hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên và học sinh?

Ông Vũ Tuấn Anh: Nếu quan niệm giáo dục đào tạo như một "ống nước", cộng đồng nhân sự là khách hàng và điểm tới cuối cùng của "ống nước" giáo dục – cấp 3 - nghề/cao đẳng/ đại học – công ty/ doanh nghiệp. Cộng đồng nhân sự có trách nhiệm tuyển dụng nhân lực cho kinh doanh tại công ty. 

Họ là những người nắm chắc và rõ ràng nhất nhu cầu cho lao động mọi ngành nghề. Nếu như các bộ phận trong ống nước đào tạo liên kết chặt chẽ cùng cộng đồng nhân sự, các sản phẩm giáo dục đào tạo – sinh viên sẽ có được những giá trị to lớn. 

Ý nghĩa thứ hai của hình tượng "ống nước" đó chính là lưu lượng nước- nhu cầu lao động được quyết định bởi chốt chặn cuối cùng – nhu cầu tuyển dụng trong xã hội. Nói một cách khác, nếu như cộng  đồng chuyên viên nhân sự chỉ có yêu cầu 1000 chuyên viên mạng thì anh sinh viên mạng 1001 sẽ không có việc làm. 

Tại sao tỷ lệ sinh viên ra trường khó xin việc có nguyên nhân sâu sa khi các trường đại học và cơ sở đào tạo đã đào tạo quá nhiều so với mức thị trường lao động cần thiết. Quan trọng hơn nữa, trong khi đào tạo dư thừa ở mức độ làng nhàng thì số lao động có khả năng làm việc tốt lại rất thiếu hụt. Tiếng nói của cộng đồng nhân sự sẽ chính là những yêu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng đối với nguồn nhân lực. 

PV: Ngày hôm qua, trong một bài viết trên Báo Giáo dục Việt Nam (GS. Nguyễn Minh Thuyết đưa ra giải pháp cho nền giáo dục ít tiền

) giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đề cập các giải pháp cho nền giáo dục của Việt Nam. Trên quan điểm của chuyên viên nhân sự, ông có những suy nghĩ chia sẻ như thế nào về bài viết này?  

Ông Vũ Tuấn Anh: Tôi tâm đắc các ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết và GS Nguyễn Lân Dũng trong bài viết. Giáo dục đầu tiên cần phải hướng tới giải quyết các vấn đề nội tại của một quốc gia. Chúng ta cần có những đề bài rất cụ thể cho hệ thống giáo dục giải quyết. 

Hệ thống giáo dục luôn luôn phát triển và kế thừa. Chúng ta cần xắn tay áo giải quyết ngay những gì có thể làm được ngay thay vì phải đợi một kế hoạch hoàn chỉnh.  Kế tiếp, hệ thống giáo dục phải tạo ra giá trị cho nền kinh tế theo quan điểm khách hàng vì giáo dục đang nhận 20 % từ ngân sách. 

Mà ngân sách từ đâu ra, chính là từ nền kinh tế đóng góp. Gs Nguyễn Minh Thuyết có đề cập tới chuẩn. Cộng đồng chuyên viên nhân sự chính là nguồn thông tin để cung cấp các chuẩn đó vì họ là khách hàng ở câu 2. Tiếp đến các chuyên viên nhân sự sẽ nói được lao động Việt Nam thiếu những gì để cho hệ thống giáo dục đào tạo bổ xung. 

Theo chủ quan của tôi, xã hội đóng góp ý kiến là tốt tuy nhiên ai có tiếng nói quyết định. Theo tôi là cộng đồng nhân sự. Một ông bố, bà mẹ hay một giảng viên đề nghị chương trình đào tạo khách sạn như thế này hay thế kia chắc chắn không tốt và hiệu quả bằng một anh trưởng phòng  nhân sự của một khách sạn có gần 1000 nhân viên.  

Ý kiến trong bài viết cần tập trung cho giáo dục đại học tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này. Giáo dục hiện tại đang hưởng tiền từ ngân sách. Giáo dục cần phải càng nhanh càng tốt tạo ra những con người lao động “ sản phẩm và dịch vụ “ đáp ứng cho người trả tiền cho mình- nhà nước.  Chúng ta có nói giáo dục cần phải hướng tới khách hàng- doanh nghiệp /nền kinh tế. Hiểu như vậy thì toàn bộ ban giám hiệu, các giảng viên đại học, các em sinh viên đại học phải chủ động gần với doanh nghiệp hơn. 

Anh bạn tôi là giám đốc nhân sự một ngân hàng lớn tại TP HCM có chia sẻ thẳng thắn là chỉ thấy sinh viên đi thực tập mà chưa bao giờ thấy giảng viên đi thực tế. Nếu giảng viên không lăn lộn chia sẻ cùng doanh nghiệp thì làm thế nào có thể cảm nhận và sống với nhịp thở ngoài xã hội. Họ không sống với nhịp thở lao động xã hội thì giảng viên sẽ chẳng thể nào truyền hơi thở đó cho sinh viên. 

Ban giám hiệu và lãnh đạo các trường đại học và cơ sở giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật – việc làm cho sinh viên là yếu tố then chốt đảm bảo phát triển bền vững cho nhà trường. Trong những năm gần đây, chi phí đầu tư cho các hoạt động marketing đầu vào tại các trường và cơ sở giáo dục rất nhiều tuy nhiên các chi phí hướng nghiệp, phát triển nghề nghiệp, tiếp cận doanh nghiệp cho sinh viên và giảng viên tại các trường lại chưa chú ý đầy đủ. 

PV: Ở cương vị trưởng phòng nhân sự, anh có những ý kiến gì nhằm phát triển cộng đồng nhân sự và tới lượt họ, cộng đồng nhân sự sẽ phát triển chất lượng lao động trẻ? 

Ông Vũ Tuấn Anh: Ở đây vai trò của VCCI rất quan trọng trong việc tạo nhận thức cho CEO Việt Nam về định hướng phát triển lâu dài nền kinh tế. Chúng ta không thể cạnh tranh mãi được dựa trên giá rẻ và gia công ít giá trị gia tăng. 

Các công ty cần hướng tới mô hình năng suất cao, sáng tạo và giá trị gia công cao. Để làm được điều đó, nguồn nhân lực cần đào tạo và phát triển. Cách làm rẻ nhất , bền vững nhất và hiệu quả nhất theo tôi đó chính là đầu tư và phát triển phòng nhân sự tại công ty và tới lượt nó, phòng nhân sự sẽ nâng cấp toàn bộ nhân lực trong tổ chức. Về phía mình, các chuyên viên nhân sự cần hiểu và áp dụng các giải pháp hệ thống- lâu dài thay vì uống thuốc giảm đau để giải quyết các bài toán và vấn đề nhân sự. 

Đào tạo và phát triển chính là biện pháp giải quyết các vấn đề nhân sự từ tuyển dụng, gìn giữ nhân tài v/v hiệu quả nhất. Mỗi nhân viên nhân sự cần phải thực hiện thành thạo chức năng đào tạo và phát triển. 

PV: Để giúp cộng đồng nhân sự nâng cao năng lực phát triển nguồn lực, theo ông trong chương trình việc làm cho sinh viên tới năm 2020 cần phải thực hiện các vấn đề gì? 

Ông Vũ Tuấn Anh: Việc đầu tiên chúng ta cần phải thành lập một hiệp hội nhân sự để tập hợp các chuyên viên nhân sự trên cả nước. Hiện tại có rất nhiều  nhóm nhân sự hình thành tự phát và hoạt động mang tính đơn lẻ. Nếu chúng ta cộng hưởng các anh em chuyên viên nhân sự lại được thì đây sẽ là một nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy công tác phát triển và tạo việc làm cho sinh viên. 

Kế tiếp, như tôi đã trao đổi trong số báo thứ hai về phát triển các chương trình video, chúng ta phải có được bộ chương trình video đào tạo về nhân sự như đào tạo giảng viên, phát triển năng lực, quản trị nhân sự hiện đại và truyền thông miễn phí tới toàn bộ chuyên viên nhân sự trên cả nước. Song song với chương trình đào tạo cộng đồng này là các chương trình hội thảo nâng cao năng lực tổ chức tại các địa phương. 

Ở đây có một chương trình nếu thực hiện được sẽ rất thú vị ví dụ chương trình đào tạo 10.000 giảng viên trên cả nước cho cộng đồng nhân sự. Các giảng viên từ chuyên viên nhân sự sẽ trở thành giảng viên nội bộ và giúp toàn bộ nguồn nhân lực tiến lên với chi phí rất thấp.  Mục tiêu thứ ba đó chính là các hoạt động gắn kết giữa cộng đồng chuyên viên nhân sự và lực lượng giảng viên, sinh viên và lao động trẻ. 

Khi hai cộng đồng này gắn kết với nhau chặt chẽ sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho cả hai bên. Nếu các chuyên viên nhân sự và cộng đồng các thầy cô giáo hướng nghiệp làm việc chung với nhau, chương trình việc làm tới năm 2020 sẽ thành công. Mục tiêu thứ tư đó là chúng ta nên triển khai các dịch vụ nhân sự trên internet nhằm giúp cho các chuyên viên nhân sự giảm các chi phí hoạt động như tuyển dụng. 

PV: Trong ba năm qua, ông và Viện Quản Lý Việt Nam đã thực hiện các hoạt động nào nhằm giúp cộng đồng nhân sự trong cả nước nâng cao năng lực?
Ông Vũ Tuấn Anh: Ngay từ đầu khi thực hiện chương  trình nhằm giúp các bạn sinh viên phát triển nghề nghiệp, chúng tôi đã phát triển các chương trình đào tạo nguồn như thiết kế và đưa ra 10 bài giảng chi tiết hơn 1200 slide trình chiếu, bài giảng chi tiết đào tạo giảng viên nguồn để các học viên – Train The Trainer, bộ slide chi tiết bài giảng chương trình đào tạo CPO – Giám Đốc Nhân lực và hàng trăm bài báo về nhân sự do tôi và các cộng sự thực hiện cùng rất nhiều tài liệu khác tặng cho cộng đồng nhân sự trên cả nước. Chúng tôi cũng thực hiện một số video về chuyên môn nhân sự ví dụ Quản Lý Tài Năng .  Toàn bộ các tài liệu này được đặt ở www.youtube.com/user/vimtraining .  Cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện nhiều hội thảo như HR Business Lunch , HR Team Building Day định kỳ nhằm giúp các anh chị em chuyên viên nhân sự nâng cao năng lực của mình. 
PV: Xin cảm ơn ông!
Bá Ước (thực hiện)